Video: Nhà dân bị nứt do ép cọc móng công trình Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa. |
Báo Tiền Phong nhận được đơn của người dân Tổ dân phố 11 (phường Quang Trung, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) phản ánh, công trình Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa, thuộc Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình gây nứt tường, cột trụ, dầm đỡ, ảnh hưởng đến kết cấu của 52 ngôi nhà. Tuy nhiên, chủ đầu tư, đơn vị thi công đền bù không thỏa đáng, không đủ chi phí sửa chữa.
Trong quá trình thi công Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã làm nứt, sụt lún nhà dân. |
Ông Đặng Văn Việt, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường Quang Trung cho biết, quá trình thi công ép cọc móng Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa đã làm cho toàn bộ nhà dân của tổ dân phố rung lắc.
“Khi hiện tượng nứt tường, bong gạch ở nền nhà xuất hiện, chúng tôi đã phản ánh với chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương. Nhưng thay vì dừng để xem xét mức độ thiệt hại, có hướng xử lý, thì đơn vị thi công lại tăng công suất, làm ngày, làm đêm. Việc này, theo chúng tôi, đơn vị thi công cố tình tạo ra sự việc đã rồi”, ông Việt nói.
Công trình chỉ cách nhà dân khoảng 5m. |
Sau khi xảy ra sự việc, người dân đã có đơn gửi đến Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình và UBND phường Quang Trung thì đại diện của phường, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã có khảo sát thiệt hại. Sau khi khảo sát, chủ đầu tư và nhà thầu lập phương án đền bù nhưng nhiều người dân không chấp nhận vì quá thấp.
Các tầng ngôi nhà ông Hoàng Trọng Đại bị những vết nứt chằng chịt trên tường, trần nhà. |
Ngôi nhà 3 tầng của ông Hoàng Trọng Đại, cách công trình khoảng 20m, móng nhà bị sụt lún, tường, trần, các dầm bê tông chịu lực đều bị nứt, gãy. Các vết nứt kéo dài từ tầng 1 đến tầng 3. Ông Đại cho biết, toàn bộ kết cấu của ngôi nhà đã bị nứt, không có khả năng khắc phục.
"Ngôi nhà của tôi xây dựng hết hơn 1 tỷ đồng. Với những hư hỏng như hiện nay, ngôi nhà khó khắc phục, sửa chữa. Nhưng sau khi khảo sát, chủ đầu tư lập phương án đền bù sửa chữa ngôi nhà hơn 50 triệu đồng. Vì sự an toàn của vợ con, tôi phải cho vợ con đi nơi khác tá túc, chỉ một mình tôi ở đây vừa trông coi nhà, vừa sản xuất kinh doanh”, ông Đại cho hay.
Móng bị sụt lún. |
Tương tự, căn nhà 3 tầng của ông Nguyễn Trọng Hiệu cũng bị nứt kéo dài trên tường, cầu thang bị nứt ngang, các cột cũng bị nứt gãy xuất hiện chi chít tại các tầng, mỗi khi trời mưa, nước ngấm quanh tường. “Vợ chồng tôi đều làm ăn tự do, chắt bóp mãi mới xây được căn nhà tử tế để ở. Nhưng vì sự tắc trách của chủ đầu tư, nhà thầu thi công dẫn đến căn nhà tôi bị hư hại nặng nề. Với những vết nứt chằng chịt như vậy, tôi không biết công trình có an toàn nữa hay không?”, ông Hiệu buồn rầu nói.
Hệ thống cửa sổ nhà chị Lưu Thị Xuân bị nứt kính, xô lệch, nước chảy lênh láng vào nhà mỗi khi mưa. |
Ngôi nhà của Lưu Thị Xuân chỉ cách công trình khoảng 5m nên ảnh hưởng rất nặng nề. Hầu như tường 4 mặt của ngôi nhà đều bị nứt. Cầu thang bị nứt ngang ở tầng 2. Trần nhà nứt, mỗi khi mưa, nước ngấm vào nhà. Đặc biệt, toàn bộ cửa sổ bị xô lệch, cong vênh. Mỗi khi trời mưa, nước chảy lênh láng vào nhà.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, khi mới khởi công xây dựng, người dân tổ dân phố 11 đã gửi đơn phản ánh đơn vị thi công đóng cọc móng suốt ngày đêm làm nứt nhà người dân. Khi nhận được đơn, UBND phường đã cử cán bộ xuống kiểm tra và báo cáo UBND TP. Thái Bình, Sở Xây dựng. Đồng thời, UBND phường đã tổ chức 3 cuộc họp, mời các bên có liên quan tham gia để làm rõ, đánh giá tình hình.
“Kết luận các cuộc làm việc, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư xem xét lại toàn bộ thiệt hại nhà của người dân và đưa ra phương án đền bù thỏa đáng. Nếu không thống nhất được phương án đền bù, các bên mời đơn vị trung gian tiến hành khảo sát, định giá đền bù phù hợp với thiệt hại. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đồng thuận trong giá đền bù”, ông Khánh cho biết.
Hình ảnh nhà thầu thi công nhồi cọc móng. |
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Hành chính Trường Cao đẳng Y Thái Bình cho biết, trước khi thi công Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa chủ đầu tư, nhà thầu đã có khảo sát thực trạng nhà ở của người dân quanh công trình. Trong quá trình ép cọc móng công trình, người dân đã có phản ảnh việc, ép cọc móng dẫn đến nứt nhà ở. Nhưng do tiến độ đề ra, cần làm ngày làm đêm và không thể dừng thi công.
Khi xảy ra việc nứt nhà theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư, nhà thầu đã khảo sát, đánh giá thiệt hại, có 52 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau một thời gian thỏa thuận, hai lần điều chỉnh dự toán đền bù, đã có 30 hộ dân nhận đền bù. Còn một số hộ dân chưa chấp nhận giá đền bù đã đưa ra.
Quá trình nhồi cọc móng công trình, làm rung chuyển cả khu dân cư. |
"Một số hộ dân nhà ở bị thiệt hại nặng, giá đền bù đưa ra không đủ kinh phí sửa chữa nhà. Nhưng đây là tai nạn không mong muốn, nên mỗi bên cần có sự chia sẻ. Nếu như theo giá đền bù theo đề nghị của người dân thì Nhà trường không có kinh phí đến bù", ông Tuấn thừa nhận.
Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, người dân không chấp nhận mức đền bù đề ra, phía Nhà trường sẽ có đơn gửi đơn đề nghị tòa án phân giải.
Công trình Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện Đa khoa, thuộc Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình khởi công ngày 8/8/2023, hoàn thành vào ngày 15/4/2024. Chủ đầu tư là Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Nam Đô. Công trình có diện tích 7.800m2, quy mô xây dựng 6 tầng nổi, 1 tầng hầm, vốn đầu tư 86 tỷ đồng.