Từ biệt ông, tôi đội mưa ra về trong đêm nhấp nhô đường sá ở thị trấn Hai Riêng vùng cao Sông Hinh (Phú Yên) này.
![]() |
Nhà văn Y Điêng (bên phải) với chồng bản thảo sử thi Tây Nguyên đã dịch sang tiếng Ê Đê |
Tôi ngồi chờ ông khá lâu. Vợ ông bảo: “Đi đại hội Đảng bộ huyện. Chiều nay ổng không làm phát thanh”.
Chuyện là, từ năm 1993, khi về hưu, ông quay về làng. Cái “máu” làm phát thanh tiếng Ê Đê những năm còn làm Đài Tiếng nói Việt Nam thời tập kết ra Bắc, trỗi dậy.
Nói đúng hơn là tâm nguyện máu thịt “Nói chuyện đời sống bằng tiếng Ê Đê trên đài cho đồng bào mình nghe, thời ngoài Bắc đã làm được, sao bây giờ lại không?
Cả huyện này hầu hết là người Ê Đê, mình cũng là người Ê Đê, mình có cái chữ, sao không dịch sang, nói cho bà con nghe?”. Thế là ông kiêm chân dịch giả của đài huyện.
Lúc đầu không có nhuận bút. Huyện nghèo mà. Dịch nửa ngày, phát 15 phút. “Cả vùng Tây Nguyên, chiếm đa số là người Ê Đê, nhưng chưa có đài huyện nào làm được như Sông Hinh đấy” – Y Điêng tự hào nói.
Bắt đầu cầm bút từ năm 1958, trình làng bằng những truyện ký đọc trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1962, học lớp viết văn trẻ Quảng Bá, cùng lứa với Nguyễn Quang Sáng.
“Có đi thực tế nhưng chả viết được cái gì nên hồn, viết cho xong, cho đủ chỉ tiêu. - Ông cười hiền hậu - Không hứng thì bó tay thôi”.
Rồi ông lên Tây Bắc, nghiên cứu văn hóa miền núi, viết vài ba cái truyện, nhưng hồn cốt vẫn quay về với buôn làng Ê Đê nơi hút gió Phú Yên. Có viết tiểu thuyết về Hà Giang, vài ba tập truyện ngắn, thì dáng dấp vẫn là con Sông Hinh.
Ông bộc bạch: “Viết về cái mình hiểu, thuộc, vẫn sướng hơn”. Tôi hỏi miệng: “Bác có đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp viết về Tây Bắc?”. “Không. Quê mình thôi, nghĩ gì viết nấy, viết cái bình thường, phong tục tập quán đồng bào mình, không hư cấu gì đâu”.
Chuyện bên bờ Sông Hinh, tiểu thuyết 2 tập, NXB Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2000, bao hồn cốt tinh tuý ông gửi hết vào đó. “Nó ảnh hưởng kết cấu Sông Đông êm đềm của Sôlôkhốp. Tôi bị ảnh hưởng rất nặng của văn học Xô Viết, trong khi đó văn học Pháp đọc nhiều nhưng không “nhập”. Tự truyện Cao nguyên, có chuyện người vợ chết trước, chồng chết sau, chôn thế nào... cũng ảnh hưởng Một ngày dài hơn thế kỷ của Aimatốp. Tôi cũng nghiền Bônđarép” – Nhà văn tâm sự.
Tôi thầm nghĩ: Ông không dính cái bệnh chối bỏ việc “bóng người khác” đè lên mình như những ai đó. Xăng xái đi vào phòng, ông bê ra cả một chồng giấy đã đóng bìa.
“Đang dịch anh à. Biết bao nhiêu cái còn ẩn trong buôn làng, trong bụng người già, chép lại được, phải dịch ra tiếng Ê Đê cho bà con đọc thôi, mình già rồi, không còn thời gian nhiều nữa đâu...”.
Tôi nghe ông kín đáo thở dài. Lần lượt các sử thi nổi tiếng của cao nguyên đất đỏ bazan bạt ngàn đều được ông để mắt dịch chuyển sang ngôn ngữ Ê Đê: Xing Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, YeRao.
“Bản thảo sử thi Madrong Dăm dày 1.118 trang, dịch xong, đã gửi đi in rồi. Xing Nhã dày 224 trang, làm lai rai, ngày khỏe nhất dịch được 10 trang. Từ đầu năm đến nay, dịch được cả gang tay bản thảo rồi đấy”. - Ông nói như không, nhưng tôi hình dung sức nặng của những đêm chong đèn, mái đầu bạc lặng lẽ cúi xuống trang giấy.
Y Điêng kể: “Tôi viết truyện, đưa đánh máy, mấy người đánh máy ngạc nhiên: Ông già làm gì mà viết dữ rứa ! Còn dịch sang tiếng Ê Đê thì bản thảo phải viết tay thôi, ai biết mà đánh máy”. Bà vợ chen vào : “Ai bảo đi làm nhà văn?”. “Trời đày đấy. Cũng làm cho con cháu thôi”. Lại cười...
Không máy tính, internet, không đi Đông đi Tây, không đăng đàn tuyên bố, “anh em miền xuôi có điều kiện đổi mới chứ mình trên này chịu thôi”, họa hoằn lắm mới dự những hội thảo, lạ lẫm với chuyện cập nhật thông tin văn nghệ, chỉ tới nhiệm kỳ đại hội nhà văn toàn quốc thì ông mới cố gắng đi Hà Nội.
“Mỗi lần gửi bản thảo đi ít nhất tốn 50 ngàn đồng”... Ở góc thị trấn vùng cao này chắc chắn không nhiều người biết đến ông, nhà văn quốc gia Y Điêng đang cặm cụi làm việc ở làng mình, cặm cụi hít thở không khí rừng núi, đêm ngày lo cho những vỉa địa tầng văn hoá của người Ê Đê vốn chỉ khởi lộ trên nương rẫy, bếp lửa nhà sàn, nếu không tìm cách khai quang thì có cơ mai một.
“Nhà văn người đồng bào mình ít, chỉ sợ mất dần đi vốn văn hóa, sợ lắm...” - Y Điêng trầm ngâm. Bao năm qua ông đã viết, dịch đúng với sứ mệnh nhà văn nhưng sống lặng lẽ như già làng Ê Đê.