“Gửi thông điệp thường quan trọng hơn hành động thực tế. Hành động mà không có thông điệp tương ứng, dù công khai hay bí mật, hầu như chắc chắn sẽ dẫn tới leo thang vì bên kia sẽ tự do diễn giải hành động đó theo ý của họ”, bà Jasmine El-Gamal, cựu cố vấn Trung Đông tại Lầu Năm Góc, nhận định. Điều này có nghĩa rằng, đòn ăn miếng trả miếng ban đầu sẽ đóng vai trò chỉ dấu của một cuộc tắm máu sau đó.
Không đọ hỏa lực, nhưng gây hỗn loạn Trung Đông
Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Vincent Stewart (đã nghỉ hưu) nhận định: “Chiến lược của Iran sẽ là tránh né ở những nơi có thể, tránh các chiến dịch mặt đối mặt truyền thống.
“Iran sẽ cố gây tổn thất trên quy mô toàn cầu, tấn công các lợi ích của Mỹ thông qua các chiến dịch trên mạng và các hoạt động khủng bố có mục tiêu với ý định mở rộng xung đột, trong khi khuyến khích cộng đồng quốc tế kiềm chế hành động của Mỹ”, ông viết cho nền tảng an ninh The Cipher Brief.
Nói cách khác, hỏa lực của Tehran không thể đọ với Washington, nhưng có thể gây ra sự hỗn loạn ở Trung Đông, thậm chí khắp thế giới, hy vọng rằng một công chúng Mỹ đang mệt mỏi, chán ngán chiến tranh, một tổng thống Mỹ hoài nghi về các biện pháp can thiệp và một cộng đồng quốc tế giận dữ sẽ khiến Mỹ chùn bước mà không xuống tay.
Đó có thể là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng Iran có năng lực, có bí quyết và sẽ thành công, nhiều nhà phân tích nhận định. “Người Iran có thể khiến tình hình leo thang theo nhiều cách khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau. Họ có năng lực gây ra nhiều thiệt hại”, chuyên gia Hanna nói.
Ở Trung Đông, mạng lưới ủy nhiệm rộng lớn của Iran và các đơn vị tinh nhuệ của nước này như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có thể được kích hoạt để giết binh sĩ, nhà ngoại giao, công dân Mỹ khắp khu vực.
Lính Mỹ ở Syria được bảo vệ kém, có ít sự hỗ trợ nên dễ trở thành mồi ngon, giới quan sát nhận định. Mỹ cũng có hàng nghìn dân thường, binh sĩ và nhà thầu ở Iraq và nhiều người trong số họ làm việc ở các khu vực gần nơi dân quân Iran hoạt động.
Các đồng minh của Mỹ có thể vào tầm ngắm
Các đồng minh của Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu chính. Hezbollah, nhóm vũ trang ở Li-băng được Iran hậu thuẫn, có thể tấn công Israel bằng rocket và khơi mào cuộc chiến riêng của họ. Năm 2006, họ tham gia cuộc chiến kéo dài 1 tháng, bắn hơn 4.000 quả rocket vào Israel, và các lực lượng Israel bắn, thả khoảng 7.000 tên lửa và bom vào Li-băng.
Theo Bộ Quốc phòng Israel, khoảng 160 binh sĩ và dân thường Israel tử nạn. Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, khoảng 1.100 người Li-băng, phần lớn là dân thường, thiệt mạng, 4.400 người Li-băng bị thương, 1 triệu người phải sơ tán.
Nhưng đó không phải là tất cả. Iran có thể khuyến khích các mạng lưới ủy nhiệm khác hoặc tổ chức khủng bố tấn công ở trong lòng Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và các quốc gia vùng Vịnh khác.
Các chuyên gia cho rằng, Iran có thể có những đối tượng khủng bố “ngủ đông” chờ thời ở châu Âu và Mỹ Latin. Năm 1994, khủng bố có liên hệ với người Iran đánh bom một trung tâm cộng đồng Do Thái ở thủ đô Argentina, khiến 85 người chết, gần 300 người bị thương. Đó là vụ tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latin.
Sự hỗn loạn có thể mở rộng sang không gian mạng. Năm 2011, tin tặc Iran từng tấn công hơn 40 ngân hàng Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase và Bank of America. Năm 2012, hacker cài malware vào mạng máy tính của công ty dầu mỏ Saudi Aramco, xóa tài liệu, email của khoảng 75% máy tính trong mạng, thay bằng ảnh cờ Mỹ đang cháy. Theo ông Stewart, tin tặc Iran có thể đã chọn các mục tiêu trong ngành dầu khí, tài chính và lưới điện.
Lực lượng ủy nhiệm tấn công khắp thế giới, tin tặc xâm nhập mạng của doanh nghiệp trong khi Iran tiếp tục kháng cự các lực lượng truyền thống của Mỹ, Christopher Krebs, quan chức an ninh mạng tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói với tạp chí Foreign Policy. Ví dụ, ở eo biển Hormuz, thủy thủ Iran có thể dùng tàu cao tốc cài bom vào tàu chở dầu hoặc đặt mìn dưới nước để phá hủy tàu chiến Mỹ.
Tàu ngầm, tên lửa chống hạm và máy bay không người lái của Iran cũng sẽ gây nhiều phiền toái cho phía Mỹ. Khi quân Mỹ cố vào lãnh thổ Iran bằng đường bộ, lực lượng bộ binh Iran có thể đẩy lùi họ bằng các chiến thuật kiểu du kích, trong khi lính Mỹ chật vật tiến về Tehran.