Tuy nhiên, Iran có một mạng lưới các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông rất rộng khắp và hùng mạnh, phần lớn là lực lượng dân quân thù địch với Mỹ, Israel và Ả rập Xê út.
Các lực lượng ủy nhiệm của Iran được coi là mối nguy hiểm lớn đối với các lực lượng của Mỹ ở khu vực. Khi xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran xảy ra, mạng lưới này có thể đóng một vai trò quan trọng.
Iran mạnh nhất về tên lửa
Về tổng thể, Iran bất lợi so với Mỹ về hỏa lực, buộc phải dựa vào vũ khí tự sản xuất vì bị Mỹ cấm vận vũ khí và Liên Hợp Quốc hạn chế về thương mại vũ khí từ năm 2006.
Sức mạnh quân sự của Iran nằm ở mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm do đơn vị tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). IRGC thuộc Các lực lượng vũ trang Iran được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Ước tính, Quds có khoảng 5.000 quân thường trực, có mối quan hệ với các nhóm nghị sĩ cấp cao ở Syria và Yemen. Các chuyên gia nói rằng, Iran coi việc gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực Trung Đông, chống lại ảnh hưởng của Mỹ, Israel và Ả rập, là một chiến lược phòng thủ.
Chính phủ Mỹ ước tính, Iran có xấp xỉ 600.000 quân thường trực thuộc các lực lượng lục quân, hải quân, không quân và IRGC và 0,5-1 triệu quân dự bị. Nhưng với dân số hơn 83 triệu người, Iran có thể huy động thêm quân số nếu cần thiết (tất cả nam giới Iran đủ 18 tuổi đều có nghĩa vụ nhập ngũ).
Ngân sách quốc phòng của Iran năm 2018 ở mức 13,2 tỷ USD/năm, quá nhỏ so với Mỹ (648,8 tỷ USD), theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Sức mạnh lục quân Iran nằm ở 8.577 xe tăng chiến đấu, hệ thống phóng rocket, pháo tự hành, pháo kéo và xe thiết giáp. Iran có 512 máy bay (tính cả máy bay trực thăng), 398 tàu nổi và tàu ngầm.
Iran hiện có 12 loại tên lửa phục vụ chiến đấu, phần lớn là tầm ngắn và tầm trung. Nước này đang phát triển một số loại tên lửa, theo trang tin Missile Threat.
Giám đốc Cục Tình báo quốc phòng Mỹ, ông Vincent Stewart gần đây xác định Iran là 1 trong 5 nguy cơ quân sự lớn nhất đối với Mỹ, và sức mạnh quân sự đáng gờm nhất của Iran đến từ tên lửa, ABC News đưa tin.
Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ), Iran có lực lượng tên lửa mạnh nhất, đa dạng nhất ở Trung Đông. Một số tên lửa đạn đạo và hành trình của Iran có khả năng tấn công Israel ở khoảng cách hơn 2.000 km, cũng như vươn tới một phần đông nam châu Âu.
Nhưng trong khi tục phóng tên lửa vào Syria và Iraq những năm gần đây và bị cáo buộc tấn công các tàu chở dầu phương Tây, Iran chưa bao giờ bắn tên lửa vào Israel hoặc châu Âu dù nước này đe dọa “xóa bỏ Israel khỏi bề mặt Trái đất”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Iran không muốn gây xung đột quân sự quy mô lớn vì kinh tế yếu kém do bị cấm vận và hầu hết các đồng minh của Iran không phải là các nhà nước.
Gần đây, Iran tiến bộ nhanh về khả năng phát triển máy bay không người lái. Raad 85 của Iran được coi là “drone tự sát” có thể mang đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia Anthony Cordesman ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược cho rằng, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái có thể trở thành loại vũ khí đáng sợ nhất của Iran.
Trong khi có kho tên lửa đầy ắp, Iran lại có lực lượng không quân tương đối yếu và thiếu các đồng minh chủ chốt cũng như căn cứ quân sự trong khu vực. Và do nhiều năm bị cấm vận, Iran khó nhập khẩu máy bay mới từ Pháp, Nga.
Vì thế, dù có nhiều loại tên lửa và năng lực phòng không được cải thiện, Iran vẫn dễ bị tổn thương bởi hỏa lực vượt trội của Mỹ, dù trực tiếp hay gián tiếp thông qua các đồng minh hoặc lực lượng ủy nhiệm của Washington.
Iraq có sức mạnh quân sự đứng hàng thứ 4 thế giới khi nước này đánh Kuwait và phóng tên lửa sang Ả rập Xê út và Israel năm 1990. Tuy nhiên, chiến tranh vùng Vịnh và sự xâm lược của Mỹ sau đó chứng tỏ rằng, Iraq không phải là đối thủ quân sự của Mỹ.
Không quân, hải quân Mỹ lớn nhất thế giới
Trong khi Iran thiếu căn cứ khu vực, Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ quân sự khắp thế giới dù đã rút nhiều quân khỏi Iraq trong những năm gần đây.
Mỹ có các đồng minh khu vực quan trọng, bao gồm Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel, tất cả đều có máy bay mới nhất do phương Tây sản xuất, giúp họ có lợi thế công nghệ đáng kể so với Iran.
Người ta tin rằng, Israel là nước duy nhất trong khu vực có vũ khí hạt nhân, sở hữu 80-90 đầu đạn. Mỹ có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân.
Ước tính, Mỹ và Nga sở hữu hơn 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới và số lượng đầu đạn của mỗi nước là gần bằng nhau. Iran mới đây bắn tín hiệu là sẽ tiếp tục chương trình làm giàu uranium sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế.
Trong khi chương trình hạt nhân của Iran khiến Mỹ lo ngại, Iran vẫn chưa thành công và còn lâu mới thành công trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, giới quan sát nhận định.
Công nghiệp hạt nhân của Iran bị giáng một đòn mạnh năm 2010 khi virus máy tính Stuxnet (do Mỹ và Israel phát triển) lây nhiễm vào hơn chục cơ sở hạt nhân của Iran. Vụ tấn công mạng này khiến 1.000 máy ly tâm hạt nhân ở khắp Iran phải dừng hoạt động và cho thấy Washington có một chiến dịch mạng tinh vi để chống lại Iran, ABC News đưa tin.
Các đồng minh của Mỹ kiểm soát các tuyến thương mại thiết yếu như kênh đào Suez (Ai Cập), các nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ (Ả rập Xê út). Trong khi đó, các đồng minh khu vực của Iran chủ yếu là Li-băng, Syria và Kuwait.
Mỹ có khoảng 1,3 triệu quân thường trực, hơn 800.000 quân dự bị.
Dù Mỹ chỉ có 7 loại tên lửa, ít hơn Iran, nhưng tân tiến hơn nhiều. Theo Missile Threat, Mỹ sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident D5 (còn gọi là UGM-133A Trident II).
Mỹ cũng có lực lượng không quân và hải quân lớn nhất thế giới (quy mô hải quân được tính bằng tải trọng).
Mỹ hiện sở hữu 48.422 xe tăng chiến đấu, hệ thống phóng rocket, pháo tự hành, pháo kéo và xe thiết giáp.
Nước này có 10.170 máy bay, trong đó 415 chiếc nằm trong lực lượng hải quân.