Kén tằm ở Đam Rông được đánh giá cao về chất lượng |
Theo anh Pang Tas Y Bang, Bí thư Chi đoàn Thôn 2 (xã Rô Men, huyện Đam Rông, Lâm Đồng), những năm gần đây, diện tích cà phê già cỗi ở địa phương tăng cao; mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu, vườn cà phê của nhiều hộ đậu trái kém khiến năng suất và chất lượng cà phê đều sụt giảm.
Trong khi đó, giá phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hái cà phê, chi phí vận chuyển tăng đáng kể. Tình trạng trên làm cho thu nhập của nhà vườn sụt giảm, nhiều hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2017, anh Pang Tas Y Bang đã tìm đến những nơi có điều kiện khí hậu, đất đai tương đồng với xã Rô Men để tìm hiểu và học hỏi những mô hình kinh tế mới mẻ, hiệu quả. Anh phá bỏ 4.000m2 cà phê già cỗi để thử nghiệm trồng dâu, nuôi tằm. Khi vườn dâu ra lá xanh tốt, anh bắt đầu công đoạn nuôi tằm, ươm tơ. 6 tháng sau, thu được hơn 60kg kén, trị giá hơn 10 triệu đồng.
Năm 2021, Pang Tas Y Bang tham mưu cho Đoàn Thanh niên xã Rô Men thành lập câu lạc bộ Trồng dâu, nuôi tằm. Ban đầu có 4 thành viên do anh làm chủ nhiệm, đến nay có thêm 6 thành viên nữa với tổng diện tích đất trồng dâu khoảng 25 ha.
Không chỉ hỗ trợ nhau, các thành viên trong câu lạc bộ còn chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong xã; giúp họ tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, cận nghèo (từ 50 - 100 triệu đồng/hộ) để triển khai hiệu quả mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo khi có nguồn thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng.
UBND huyện Đam Rông cho biết, từ đầu năm đến nay đã phân bổ kịp thời cho các cơ quan, đơn vị trên 17 tỷ đồng để triển khai thực hiện 7/10 dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển nông, lâm nghiệp bền vững…
Huyện còn hỗ trợ xây dựng 106 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở với tổng giá trị trên 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 38.749 đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.