Ngày 12/10, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 1A, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) giáp ranh tỉnh Long An, phóng viên ghi nhận rất đông người dân từ các địa phương miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau… chở nhau bằng xe máy trở lại TPHCM.
Được chồng chở bằng xe máy vượt hơn 300 km từ tỉnh Cà Mau lên TPHCM để chuẩn bị đi làm lại, chị Nguyễn Thị Khánh Lan (35 tuổi) cho biết, chị về quê tránh dịch từ hồi đầu tháng 6.
“Công ty thông báo là hoạt động sản xuất trở lại và kêu gọi công nhân đến làm việc. Dù sao thì ở TPHCM công việc, tiền lương cũng ổn định hơn, hai vợ chồng cố gắng dành dụm để lo cho con ăn học ở quê”, chị Lan chia sẻ.
Chị Lê Thị Xuân (32 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng khăn gói trở lại TPHCM sau khi công ty kêu gọi công nhân đi làm lại.
“Nhận được thông báo, tôi ra UBND xã xin giấy đi đường rồi làm xét nghiệm nhanh COVID-19 và lên đường. Tôi có giấy xét nghiệm âm tính, giấy tờ tùy thân đầy đủ nên khi qua các chốt kiểm soát trên quốc lộ khá dễ dàng.
Về quê từ tháng 6, không phải diện ưu tiên nên tôi chưa được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 nhưng công ty đã đăng ký ở TPHCM rồi, giờ lên là được đi tiêm ngay”, chị Xuân nói.
Một cán bộ tại chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19 quốc lộ 1A, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, người dân đi từ các tỉnh miền Tây vào TPHCM chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết và khai báo di chuyển nội địa là được qua chốt. Việc kiểm tra tại chốt diễn ra nhanh chóng.
Ðưa 800 người về quê từ ngày 15/10
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, theo thống kê từ đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TPHCM, tính đến ngày 11/10, đơn vị tiếp nhận 506 cuộc gọi, ghi nhận 843 người dân trên địa bàn đăng ký về quê tại 50 tỉnh, thành. Bộ Tư lệnh thành phố đã phối hợp chính quyền các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và các sở, ngành để trong thời gian tới đưa bà con về quê theo chương trình, dự kiến từ 15/10.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, nhiều doanh nghiệp trong Hội đã liên hệ các địa phương để đón người lao động quay lại thành phố.
Hội Dệt may Thêu đan TPHCM và các công ty cũng lập danh sách lao động gửi đến Sở Công Thương và UBND TPHCM đề nghị được hỗ trợ tiêm vắc-xin, đáp ứng yêu cầu làm việc trở lại.
“Với những đơn vị không đủ điều kiện để đón riêng thì Hội hỗ trợ tổ chức xe, lo chi phí ăn uống trên đường cho nhiều công ty cùng lúc”, ông Việt nói.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, nhu cầu lao động của thành phố lớn, nhưng hiện người lao động quay trở lại chưa cao. Hiện lao động quay trở lại làm việc chủ yếu là công nhân đang ở trên địa bàn.
“Dự kiến từ ngày 13/10, khi triển khai thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, người lao động sẽ thuận lợi để trở lại TPHCM”, ông Bằng nhận định.