Linh hoạt giải pháp giữ chân người lao động

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân quay trở lại sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng
Công nhân quay trở lại sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Để tránh thiếu hụt nhân lực khi tái sản xuất, các doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn trả 30-50% lương cho công nhân tạm nghỉ việc, hỗ trợ lương thực, tuyển lại công nhân cũ, thưởng tiền…

Tuyển lại công nhân cũ

Hơn 20 năm rời Quảng Nam vào Sài Gòn làm công nhân, anh Nguyễn Viết Hiệp (quê Quế Sơn, Quảng Nam) từng trải qua nhiều lúc khốn khó nhưng chưa khi nào phải sống những tháng ngày ám ảnh như đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua. Những ngày Sài Gòn áp dụng Chỉ thị 16+, khu nhà trọ có lúc bị phong tỏa, nhiều căn sát vách có người F0 khiến anh Hiệp lắm lúc lung lay chuyện về hay ở.

“Hai vợ chồng tâm trí chia đôi, nửa muốn về nửa muốn ở. Về thì khó, bởi tôi ở miền Trung nhưng vợ ở tận Bắc Giang nên phải gồng lên mà ở lại Sài Gòn. Rồi dịch dần lắng xuống, tôi được chích vắc xin và đi làm trở lại”, anh Hiệp nói. Chị Lê Thị Dung (quê Sóc Trăng) có hơn 10 năm làm thợ may ở đất Sài Gòn. Một thập niên gắn bó với chiếc bàn may, chị chưa từng nghĩ đời thợ của mình thất nghiệp đến 5 tháng. Lúc dịch lên đỉnh điểm, đối diện với trăm mối âu lo, quê hương vẫn là nơi mà chị đau đáu muốn về. Chị cứ nán lại, rồi được công ty gọi điện kêu đi làm. Ngày trở lại xưởng, chị bỡ ngỡ như ngày đầu đi học việc, dù hơn 10 năm qua chỉ gắn bó với nơi này. “Trong những ngày dịch, công ty không cắt lương mà còn hỗ trợ lương thực, lập nhóm chia sẻ thông tin khiến tôi bớt quạnh hiu. Ngay sau khi đi làm lại, công ty thưởng cho mỗi nhân viên 200 ngàn đồng”, chị Dung nói.

Tại Đồng Nai, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo-Trảng Bom) cho biết, đến nay đã có gần 10 ngàn lao động quay trở lại công ty làm việc. Với những công nhân chưa đủ điều kiện đi làm, sẽ được công ty trả 50% mức lương tối thiểu.

Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng đưa được vài nghìn công nhân trở lại làm việc trong tổng số gần 40.000 lao động. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho hay, ngoài kế hoạch đón công nhân ở các tỉnh trở lại Đồng Nai làm việc, doanh nghiệp sẽ tuyển mới hàng nghìn lao động. Công ty cũng tuyển lại công nhân cũ, giữ lại bậc lương vào thời điểm thôi việc; thưởng 1,1 triệu đồng khi người lao động giới thiệu được công nhân mới vào công ty làm việc; thưởng cho mỗi công nhân mới mỗi tháng 200.000 đồng trong vòng 1 năm.

50% DN không cắt giảm lao động

Khảo sát gần đây của đơn vị tuyển dụng Navigos cho thấy, khoảng 49,9% DN ở TPHCM không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương cũng như phúc lợi như trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ngoài ra, khoảng 56,7% DN sẽ tuyển thêm lao động khi trở lại bình thường. Trong khi đó, hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, với khoảng 41,5% người tham gia đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng cho thấy, khoảng 42.700 người có nhu cầu tìm việc, trong khi số lượng lao động DN cần là 43.600-56.800 người.

UYÊN PHƯƠNG

Tạo niềm tin cho người lao động

Để giữ chân lao động và giúp họ yên tâm ở lại làm việc, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, DN nên có trạm y tế đúng tiêu chuẩn phòng, chống dịch COVID-19 (có nhân viên y tế chuyên nghiệp và những trang thiết bị, thuốc men cần thiết) để tạo tâm lý an tâm cho người lao động. Các khu công nghiệp cần có bệnh viện dã chiến để chữa trị cho F0.

“DN không thể chỉ dùng lương, thưởng, phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động như lâu nay. Trong thời điểm này rất cần chính sách chăm sóc người lao động, đảm bảo sự an toàn cho họ để tạo tâm lý ổn định là rất quan trọng”, ông Việt Anh nói và đề xuất tái cấu trúc lại thị trường lao động. Nhà nước tăng cường đầu tư công, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để lực lượng đó về địa phương không quay trở lại miền Nam mà vẫn có việc làm, vẫn có thu nhập.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng nhận định, năng lực nội tại là điều kiện tiên quyết giúp DN hồi phục. Nếu DN nào có bề dày, có tích lũy, cân đối được các nguồn vốn thì phục hồi nhanh hơn. Còn những DN hết nguồn lực thì sống thoi thóp, phục hồi chậm nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. DN cần chủ động trong việc kết nối nguồn nhân lực, có các chính sách, điều kiện giúp cho người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thông tin cho nhân viên về kế hoạch sản xuất kinh doanh, để họ có niềm tin về sự phục hồi kinh tế. Ngoài ra, DN còn phải xây dựng lại kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới. Các công ty có thể phối hợp với trung tâm đào tạo nghề, cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn TPHCM để bổ sung nguồn nhân lực.

Về kế hoạch hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh tế trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, đang chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động góp ý để dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế nhanh chóng hoàn chỉnh và ban hành thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên trao đổi với DN để nắm bắt thông tin. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho DN sớm ổn định sản xuất, đồng thời chuẩn bị sẵn kế hoạch đưa đón công nhân đã về các tỉnh sớm trở lại sản xuất, đảm bảo đủ lao động cho DN.

Ưu tiên vắc xin cho công nhân

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại, giữ chân người lao động, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thần tốc triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. Hiện tại, Bình Dương đã được phân bổ lượng vắc xin lớn và đang triển khai tiêm 150.000 liều/ngày. Trong tháng 10 này, Bình Dương sẽ tiêm đủ vắc xin mũi 2 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên. Sau khi vắc xin được bao phủ, hoạt động sản xuất sẽ trở về bình thường.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đang tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình đăng ký tiêm vắc xin của các doanh nghiệp; lên kế hoạch tiêm trong những đợt sau, bảo đảm đúng quy định và các tiêu chí ưu tiên như doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế quan trọng, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, ủng hộ cho quỹ phòng chống dịch COVID-19; tiến tới mục tiêu tiêm đủ mũi cho 100% công nhân, lao động.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, việc tiêm vắc xin cho người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được triển khai liên tục từ nay đến cuối năm. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 31/10 sẽ cố gắng có khoảng 70% người lao động trong các doanh nghiệp được tiêm vắc xin mũi 1, đến 31/12/2021 sẽ có 100% người lao động được tiêm mũi 1 và 70% người lao động được tiêm mũi 2.

HƯƠNG CHI-DUY QUANG

Giải quyết nhà ở giá rẻ

Trả lời tại buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri các quận 4, 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ vào ngày 11/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong 11 thành phần thuộc kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM có một kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

“Có thể cuối tuần này Thường trực UBND TPHCM sẽ nghe các ngành chức năng trình bày kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp. Dự án này sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể cho người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động”, ông Mãi khẳng định.

Trước đó, giữa tháng 9, UBND quận 7 kiến nghị TPHCM sử dụng các khu đất trống do Nhà nước quản lý hoặc khu đất trống dùng xây nhà ở thương mại nhưng đang tạm ngưng do dịch bệnh để xây nhà lưu trú cho công nhân của những doanh nghiệp lớn, đông người lao động. Các cơ sở nhà lưu trú này sẽ để công nhân thuê với mức giá rất rẻ. Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc chỉnh trang đô thị, thực hiện quy hoạch trong thời gian tới là phải chú ý dành đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

DUY QUANG

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...