Tham gia chương trình “Tôi tin tôi có thể 2019” của nhóm Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số, các nghệ sỹ Mắt trần nhận phần “tạo hình” song hành với bà con “tạo tiếng” tại bốn điểm của Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk. Các nghệ sĩ chia nhau đi thực địa một tháng lại bốn làng có đại diện nhóm Tiên Phong sinh sống. Mỗi ngôi làng đều có câu chuyện nào đó bị người miền xuôi hiểu sai, nghệ sĩ sẽ cùng họ nghĩ ra chất liệu để diễn giải nguồn gốc những vấn đề này.
Lũ sống, lũ chết và rừng
“Sông kể chuyện lũ” là tên một trong bốn tác phẩm thuộc triển lãm của nhóm Tiên Phong dân tộc Mường tại Bá Thước và Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Tác phẩm được in trên ba lớp kính có rãnh kéo lên xuống. Ở lớp kính thứ nhất vẽ cảnh dòng sông và ruộng đồng thủa nguyên sơ. Sông chảy hiền hòa bên những bãi bồi vườn cây xanh mướt. Lớp kính thứ hai vẽ thêm công trình do con người tạo nên là nhà máy thủy điện và kênh đập. Lớp thứ ba vẽ dòng lũ đen ngòm xóa sổ bãi sông ruộng đồng. Đại diện nhóm Tiên Phong đứng bên tác phẩm kể chuyện theo từng lớp kính lồng vào khung. “Người thôn Giầu Cả (Bá Thước, Thanh Hóa) vẫn nhớ, lũ vốn là mạch sống, là nguồn năng lượng hồi sinh mà người Mường nơi đây chờ mong. Trước đây, lũ cách 10 năm lại tới một lần. Lũ lên chậm, lũ lên nửa ngày, rồi lũ rút. Sau cơn lũ, một lớp phù sa mỏng chừng một gang tay trải lên đồng ruộng. Nhờ những cơn “lũ sống” này, ruộng người Mường nơi đây lại có màu, cây trái lại tốt tươi, lại có thêm nguồn sống. Những năm gần đây, sau khi có nhà máy thủy điện, lũ ào về thần tốc, cả tuần sau mới rút. Mật độ lũ nhiều hơn. “Lũ chết” này để lại lớp bùn xấu cao nửa mét làm hoa màu úng lụi hết. Bờ sông thành vùng đất bỏ đi.
Tác phẩm “Thế giới song song” của nhóm đại diện người Ê Đê ở Buôn Hồ (Đăk Lăk) gây chú ý đặc biệt bởi tạo hình một cái cây bằng dây thép theo nguyên mẫu cây tùng trăm tuổi được đồng bào tôn thờ. Trên các cành cây treo hình bóng ma quỉ bằng giấy tráng kim. Trong căn phòng tối văng vẳng âm thanh rừng huyền bí, đèn chiếu lên cây tạo hiệu ứng hắt bóng mờ ảo lên tường. Người kể chuyện nói về thói quen luân canh xưa của người Ê Đê. Người Ê Đê biết cây nào được chặt, cây nào không chặt và tránh chặt những cây to... Họ sống trong rừng kết nối với từng động tĩnh và là một phần của rừng, “đi trong rừng không nói tục”. Điều phối viên Ngụy Kiều Trinh (nhóm Mắt Trần) kể trong thời gian ở cùng người dân Buôn Hồ, nhiều người bức xúc vì mất vườn, mất cây bởi dự án làm đường, công trình xây dựng. Càng bị đốn chặt, rừng càng mất thiêng. Nghệ sỹ âm thanh người Philippines- Jett Ilagan đã bỏ nhiều ngày ghi âm những tiếng động trong rừng như tiếng côn trùng, suối chảy, lá reo… để hỗ trợ tác phẩm.
“Thiêng liêng và hỗn độn”
Tác phẩm của nhóm dân tộc Mông tại Sa Pả (Lào Cai) được chia là hai phần “Hỗn độn” và “Thiêng liêng”. Trên tấm phù điêu thạch cao phần “Hỗn độn” hiện lên các khuôn mặt điêu khắc của ba diễn giả Má A Pho, Hạng Thị Xa; Giàng A Của. Mỗi người dùng bút dạ đen viết lên nền tác phẩm những câu nói mà người miền xuôi mặc định về người Mông ví dụ như: “Người Mông không biết tiêm chủng và không dùng thuốc tăng trọng nên chăn nuôi yếu kém”; “Người Mông thách cưới cao”; “Đám tang kéo dài mấy ngày mới đi chôn”; “Sống tản mạn, không tập trung nên khó phát triển”.... Bước vào phần “Thiêng liêng”, mỗi diễn giả đưa ra những lý do thuận tự nhiên khiến người Mông vẫn giữ những thói quen tập quán nói trên. Trong lúc diễn giải họ dùng bút dạ màu sặc sỡ xóa các dòng chữ đen kia đi, tô màu lên khuôn mặt điêu khắc. Sau cùng một nhóm khán giả ào lên cùng tô màu với họ.
Diễn giả Má A Pho tỏ ra tâm đắc với tác phẩm đầy tính tương tác “Nếu chúng ta nhìn từ xa vào một dân tộc khác, sẽ thấy giống như bức tranh đen trắng (lúc đầu). Tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy nhiều sắc màu đẹp”.
Tác phẩm “Khoảng giữa” được thực hiện cùng cộng đồng người Pa Cô tại Đăkrông (Quảng Trị). Nhóm tác giả tập hợp hai dòng khái niệm về giàu-nghèo và minh họa thành những tranh vẽ. Nghệ sĩ Mắt trần chuyển các bức vẽ thành phim hoạt hình. Tại triển lãm hai màn hình đặt cạnh nhau. Một bên chiếu phim về quan hệ của người giàu-người nghèo xưa; bên này nói về khoảng giữa “giàu chăm chỉ” và “nghèo ỉ lại” thời nay.