Trong quán cà phê nhạc có phần mờ tối và chật chội ở Sài Gòn, là một phóng viên văn hóa lâu năm nhưng tôi cũng cảm thấy đắng lòng khi nghe nghệ sĩ nhạc thử nghiệm Phan Hồng Giang chia sẻ: “Âm nhạc thử nghiệm ở Sài Gòn hầu như không tồn tại. Có lẽ chỉ một mình em làm âm nhạc thử nghiệm. Ðể làm một đêm nhạc thử nghiệm, em phải chờ nhiều năm để đợi các bạn từ nước ngoài và các tỉnh thành khác tới đây, mới đủ nhân lực để thực hiện ý tưởng của mình”. Sự cô đơn của những nghệ sĩ thử nghiệm có vẻ như thấm sâu vào Phan Hồng Giang.
Sự “điên dại” đáng yêu
Đêm diễn âm nhạc thử nghiệm ấy của Phan Hồng Giang cùng các bạn của mình hóa ra đông nghẹt người xem. Không ai bỏ về, không ai la ó. Tất cả đều để xem từng động tác, lắng nghe từng âm thanh cuồng nộ, cố để tìm hiểu về những nghệ sĩ trên sân khấu đeo mặt nạ! Hoài Anh, chủ quán nhạc nhún vai nói với tôi: “Thế đấy! âm nhạc thử nghiệm luôn có rất đông người yêu thích. Điều này không có gì phải ngạc nhiên. Nên ngạc nhiên là tại sao không có đất diễn cho họ?”.
Kết thúc buổi biểu diễn, sau khi thưởng thức thứ âm nhạc được mệnh danh là “noise” (âm nhạc của tiếng ồn), những điệu múa hoàn toàn ngẫu hứng, nghệ sĩ này nhìn nghệ sĩ kia múa, rồi sẽ múa họa lại mà không kịch bản gì cả, một khán giả đã hét to, phấn khích: “Thật là điên dại (Crazy!)”.
Một sự “điên dại” đáng yêu, bởi khán giả chờ đến lúc kết thúc để chúc mừng, xin chữ ký và chụp ảnh chung với những nghệ sĩ mà họ chỉ đọc thấy tên trên mạng xã hội và lần đầu tiên được xem trực tiếp thứ nghệ thuật của họ.
Thực ra những nghệ sĩ tiên phong, yêu thích thứ nghệ thuật khác lạ không phải hiếm. Tôi gặp Hồ Quang Hưng, một nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, anh nói: “Bản thân tôi thích nhạc free jazz, khi xem một nghệ sĩ Việt kiều từng đoạt giải Grammy về Sài Gòn biểu diễn, tôi thực sự bị thuyết phục”. Thích là thích, nhưng Hưng diễn hằng đêm các bài hát quốc tế nổi tiếng được ban nhạc cover (hát lại). Có quá ít không gian dành cho thứ nghệ thuật mà Hưng mơ ước theo đuổi nó.
Tồn tại hay không tồn tại?
Phan Hồng Giang thường đưa âm nhạc thử nghiệm lên internet. Thế giới thật của âm nhạc của anh có vẻ như cũng chẳng khác gì thế giới ảo. Nếu ở Hà Nội có một số nơi diễn âm nhạc và nghệ thuật thử nghiệm như Viện Gớt, Trung tâm văn hóa văn minh Pháp… thì Sài Gòn hầu như là một con số không.
Hoài Anh, chủ quán nhạc Yoko, nơi tổ chức một số buổi biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm nói: “Những buổi biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm có thể gặp rất nhiều rắc rối khó lường. Trước hết là phản ứng của khán giả với cái mới, cái lạ, nhưng phiền phức hơn là thủ tục hành chính cho những đêm diễn như vậy. Nghệ thuật thử nghiệm thường không có kịch bản, rất ngẫu hứng, hoàn toàn mới, nên cái gọi là giấy phép, hay tổng duyệt là điều rất khó”. Là một nghệ sĩ, Hoài Anh chia sẻ: “Để thực hiện những đêm diễn nghệ thuật thử nghiệm, chúng tôi đành chấp nhận những rủi ro của nhà tổ chức, chỉ vì yêu quý sáng tạo của các bạn”.
Các nghệ sĩ múa cũng rất thích nghệ thuật thử nghiệm. Vài người đã biểu diễn tại quán Circle bar của nghệ sĩ trống Phan Nam, đêm trình diễn múa hoàn toàn ngẫu hứng. Quán nhạc đáng yêu này rồi cũng đã đóng cửa vì thu không đủ chi.
Nhà phê bình Đinh Bá Anh chia sẻ, anh vài lần tiếp xúc với những chủ phòng tranh, salon nghệ thuật tại TPHCM muốn mở không gian cho nghệ thuật thử nghiệm, song tất cả chỉ đều là dự định và ý tưởng.
Mạo hiểm
Việc tự mày mò “chế tác” ra không gian sáng tạo chứa đựng những rủi ro. Họa sĩ Ngô Lực gần như là người duy nhất tại TPHCM thực hiện nghệ thuật vẽ trên cơ thể. Anh nói với tôi: “Tôi chẳng thu bất kỳ đồng xu nào từ nghệ thuật vẽ trên cơ thể, tôi phải làm việc như một kẻ phu hồ để có tiền phát triển nghệ thuật của mình”.
Ai cũng biết họa sĩ Ngô Lực vướng phải một “tai nạn nghề nghiệp” hi hữu khi một người mẫu vu cáo anh hiếp dâm cô trong khách sạn, nơi diễn ra buổi vẽ tranh trên cơ thể. Các cơ quan chức năng minh oan cho Ngô Lực, song có lẽ anh sẽ mất khá nhiều thời gian mới lấy lại được sự thăng bằng cho bản thân.
Là một họa sĩ chuyên nghiệp, Ngô Lực biết câu chuyện vẽ nude sẽ gặp những rắc rối thế nào. Anh nói: “Phần đa các cô người mẫu tự tìm đến tôi để đề nghị tôi vẽ trên cơ thể họ. Tôi thường nói với họ rất kỹ về những rắc rối có thể xảy ra nếu họ làm việc đó, tôi cũng nói rằng họ là những người trưởng thành và phải tự chịu trách nhiệm về công việc của mình”. Ngô Lực ít khi làm việc một mình, mỗi khi anh vẽ thường có người trang điểm, các nhiếp ảnh gia chụp ảnh.
Khi “sự cố” người mẫu tố họa sĩ hiếp dâm trong khách sạn xảy ra, nhiều người hỏi: “Tại sao họa sĩ lại vẽ trên người mẫu khỏa thân trong khách sạn?”. Ít người biết rằng chẳng có một xưởng vẽ nào được cấp phép để dành cho sáng tạo tranh trên cơ thể khỏa thân và đôi khi chính người mẫu quyết định việc họa sĩ sẽ vẽ họ ở địa điểm nào.
Phiêu dạt
Nguyễn Hữu Thuận tốt nghiệp trường múa và là giảng viên múa đương đại tại trường múa TP Hồ Chí Minh, nói với phóng viên hóm hỉnh: “Ở Việt Nam, chúng em biểu diễn rất nhiều chương trình đấy chứ, có điều đó không phải là các chương trình nghệ thuật thử nghiệm mà chúng em đam mê”. Những nghệ sĩ tài năng như Thuận nhận được nhiều sô diễn, chỉ… trừ diễn nghệ thuật thử nghiệm.
Thuận phải tìm đường “xuất dương”, tham gia vào các chương trình nghệ thuật thử nghiệm ở nước ngoài, như cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Hàn Quốc nơi anh đạt được giải Bạc và lưu diễn các nước Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Ý…
Nguyễn Thành Chung tốt nghiệp trường múa Việt Nam năm 2009, anh cũng từng nhận được “Giải thưởng Hội nghệ sỹ múa Hàn Quốc”. Năm 2014, anh chuyển tới Singapore để làm việc với T.H.E Dance Company, biểu diễn tại Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Năm 2016, anh đến Thụy Sĩ và nhận được học bổng từ Cinevox Junior Company, làm việc với các biên đạo múa như Franz Brodmann, Olaf Schmidt, Íhan Rustem, Felix Dumeril… Khi tôi gặp Thành Chung diễn tại TPHCM, anh nhận xét thế này: “Có lẽ các khán giả nước ngoài biết về chúng em nhiều hơn khán giả Việt Nam”.
Phan Hồng Giang, nghệ sĩ âm nhạc thử nghiệm ước tính cần 3-4 năm để thực hiện một chương trình nghệ thuật thể nghiệm tại TPHCM, dù chỉ với một lượng khán giả chừng dăm chục người thôi. Giang nói: “Đó là quãng thời gian quá dài cho thứ nghệ thuật thể nghiệm mà lẽ ra phải gắn với những gì thời sự và đương đại nhất!”.