Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Du lịch lí giải, không phải bắt đầu năm 2016 thì người làm du lịch nước ngoài tràn vào Việt Nam, nhưng chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đón làn sóng này. Thực tế, du lịch là ngành tiên phong chuẩn bị hội nhập ASEAN, với chặng đường hình thành Hội đồng nghề du lịch quốc gia, Hội đồng chứng chỉ nghề du lịch quốc gia, áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS.
Gia nhập AEC tạo ra sân chơi chung, người lao động Việt Nam có cơ hội tìm việc làm trong khu vực. Tuy vậy, nhiều chuyên gia hơi e dè về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu: “Lao động Việt Nam được đánh giá chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, tích cực học hỏi. Đây là yếu tố khiến chúng ta lạc quan có thể hội nhập vô tư vào sân chơi chung. Điều đắn đo là kỹ năng, trình độ, khả năng làm chủ cuộc chơi trong công việc liên quan nhiều quốc gia của ta không bằng các nước bạn”. Trước đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng chỉ rõ người Việt Nam tính kỷ luật yếu, nên kém khả năng cạnh tranh hơn.
Không ít người lo ngại người làm du lịch Việt Nam chịu thua thiệt trên sân nhà, nhưng Tổng cục Du lịch tỏ ra lạc quan. Đứng trước thách thức, người lao động có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ làm việc. Bởi doanh nghiệp sắp tới có quyền tuyển dụng nhân sự chất lượng cao từ các nước trong khu vực. Được biết, các trường đào tạo nghề du lịch thuộc Bộ VHTTDL áp dụng bộ tiêu chuẩn VTOS, tạo thuận lợi cho sự thừa nhận nghề lẫn nhau trong ASEAN.
Các thành viên AEC đều đồng thuận trước mắt chưa đưa nghề hướng dẫn du lịch vào danh mục thừa nhận nghề chung, để giữ bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên cũng không nên vội mừng, vì trong tương lai nghề này cũng được đưa vào danh sách, và rất nhiều hướng dẫn viên lại đứng trước nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà.