Điểm đến thân thiện
Nếu đi chơi Đà Nẵng, du khách nên tắm biển buổi sáng. Bãi biển vắng, nằm phơi nắng rất thoải mái. Các dịch vụ như tráng nước ngọt, thay đồ, sử dụng nhà vệ sinh… khỏi xếp hàng và đặc biệt là miễn phí. Nếu có xe máy thì phí gửi cũng chỉ 3.000 đồng và quan trọng là giá gửi xe là cố định trên toàn bộ bãi biển chục cây số. Nhiều dịch vụ khác từ thuê ghế nằm đến mua trái dừa đều có bảng niêm yết giá đặt ở những vị trí dễ thấy, các hàng quán cứ thế làm theo.
Phải nói là Đà Nẵng đem lại được cảm giác yên tâm cho du khách. Hình như hầu hết mọi người đều sẵn lòng làm hướng dẫn viên với nụ cười trên môi. Còn Hội An thỉnh thoảng hơi có cảm giác bất an một tẹo. Chẳng hạn đang đi bộ đến đầu cầu dẫn vào phố cổ, bỗng có chị mặc đồng phục ra hỏi vé. Rất may chúng tôi tự giác mua vé hôm trước rồi. Và mặc dù không giữ cuống vé để trình ra nhưng chị vẫn tươi cười cho qua. Thỉnh thoảng đang đi trên phố, du khách lại bị chặn lại như vậy kể cũng hơi mất hứng nhỉ?!
Phố cổ Hội An có hai mức giá: 80.000 đồng, du khách sẽ được tham quan 3 điểm (nhà cổ, hội quán, chùa Cầu…); 120.000 đồng tương đương 6 điểm. Như vậy thay vì muốn vào thăm nơi nào thì mua vé vào nơi đó tại chính nơi đó, thì bây giờ khách buộc phải “mua sỉ” ít nhất 3 điểm tham quan. Người bán vé nói đại ý đi trên đường phố di sản thôi cũng đáng phải trả tiền rồi và tiền đó là để duy tu bảo dưỡng khu phố cổ. Việc bán vé đã diễn ra hơn một năm nhưng dòng nước dưới gầm chùa Cầu vẫn tù đọng tắc nghẽn. Đây là điểm nhấn mang tính biểu trưng của Hội An, ngày ngày, hàng nghìn lượt du khách dạo qua hoặc ngồi lại quán bên dòng nước xám đó để hóng mát. Ở hội quán Quảng Đông, chúng tôi khá choáng khi bị thu phí gửi xe 10.000đ/xe đạp. Thế mới biết Đà Nẵng giỏi.
Ô nhiễm âm thanh?
Hội An có những giờ quy định cấm xe có động cơ đi vào phố cổ. Còn bãi biển Đà Nẵng có những giờ cấm bấm còi. Một điểm chung giữa bãi biển Đà Nẵng và phố cổ Hội An là âm nhạc miễn phí.
Loa công cộng chiêu đãi du khách và dân cư âm nhạc thính phòng cổ điển phương Tây, lác đác có hòa tấu nhạc truyền thống Việt Nam và chốc chốc lại là một giọng nữ trầm hát một bài địa phương ca. Nhiều khi du khách không chỉ muốn nhìn ngắm, ngửi nếm phố cổ và các đặc sản mà còn muốn nghe âm thanh sống động của đời sống nơi đây, nhưng chỉ thấy tiếng nhạc “mậu dịch”. Du khách đến rồi đi, nhưng người dân tại chỗ thì khác, ngày ngày phải nghe từng đấy bài nhạc, giọng hát, họ sẽ cảm thấy thế nào? Hay họ nghĩ mình cần phải hy sinh sở thích âm nhạc, hy sinh sự tĩnh lặng của không gian sống vì mục tiêu tăng trưởng du lịch địa phương?!
Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn- cư dân Đà Nẵng cho rằng việc mở nhạc trên bãi biển là bình thường. Thỉnh thoảng hệ thống loa này còn phát huy tác dụng trong việc tìm trẻ lạc: “Dễ chịu nhất là trời hè, nắng mà mở nhạc nhẹ nhẹ, thỉnh thoảng là bài hát về Đà Nẵng. Tôi chưa thấy ai phàn nàn mà cũng chẳng có lý do gì phàn nàn”. Tuy nhiên nhà thơ từng khó chịu khi dạo bộ trên phố đêm Hội An mà vẫn phải nghe nhạc công cộng: “Hội An nên yên tĩnh thì tốt hơn. Nếu bật nhạc chỉ nên vài thời điểm thôi. Khi tắm biển, chơi trò chơi, thể thao, mình có thể không để ý tiếng nhạc nhưng khi thư giãn đi bộ cần yên tĩnh mà âm nhạc luôn đập vào tai thì cũng là một thứ ô nhiễm âm thanh”.
Trần Tuấn cũng tỏ ra thông cảm với người dân phố Hội: “Bãi biển thoáng, không có dân ở đấy. Chứ còn Hội An tra tấn nhạc như vậy là khổ lắm!”. Nhà báo Thu Tâm từng có mặt ở thủ đô Ba Lan vào năm 2010 cho hay mỗi chiếc ghế ngồi công cộng sẽ phát nhạc Chopin khi du khách ngồi xuống. Ai không thích nghe thì đã có nút để tắt. Sự chiêu đãi âm nhạc đặc biệt này chỉ diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 200 năm sinh Chopin.
Đặng Minh Lý- chuyên gia lữ hành quốc tế: Mỗi người một sở thích về âm nhạc, không nên áp đặt bắt phải nghe ở nơi công cộng. Không phải cứ miễn phí là tốt. Và cứ âm nhạc là hay. Nhất là dòng thính phòng cần âm thanh chuẩn mới nghe ra cái hay, sự tinh tuý.
Tôi chưa thấy ở đâu “cung cấp” âm nhạc miễn phí hằng ngày như thế. Tôi từng đến châu Á, châu Âu, châu Mỹ hay Bắc Phi khi có lễ hội thì âm nhạc tưng bừng khắp nơi nhưng là chương trình theo giờ, in ấn trong các tờ rơi, tập gấp cho người dân, khách tham quan biết trước mà chọn địa điểm thưởng thức theo sở thích. Người nước ngoài rất kị việc ép phải nghe, phải xem. Họ đề cao sự tôn trọng cá nhân. Và cũng cần tôn trọng “cái tai” của dân địa phương.
ThS. Trịnh Lê Anh - giảng viên ngành Du lịch và Sự kiện: Âm thanh tạo nên sự rộn ràng cần thiết cho sự kiện. Nhưng chỉ là khi có sự kiện. Còn lại thì phải tôn trọng không gian du lịch của khách. Và cũng là tôn trọng thiên nhiên, nếu bật liên tục quá 3-4h cho một buổi thì đã đến mức ô nhiễm âm thanh và gây phản cảm!