Người làm CTXH có phải là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

Nhân viên CTXH đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng cao.
Nhân viên CTXH đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng cao.
TPO - Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, vai trò của đội ngũ cộng tác viên là yêu cầu hết sức cần thiết.

Thiếu cộng tác viên cơ sở

Nhiều năm gắn bó với CTXH, chị Lương Thị Tăng, cán bộ chính sách xã hội xã Kỳ Tân (Bá Thước), chia sẻ: “Công việc của tôi tiếp cận tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ bán dâm, nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS. Ban đầu, khi mới làm nghề, do thiếu kỹ năng, kiến thức về nghề CTXH nên tôi lúng túng trong việc tiếp cận đối tượng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công việc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên cơ sở tại địa phương rất ít trong khi đối tượng cần được trợ giúp, tuyên truyền nhiều nên khi cần phối hợp gặp không ít khó khăn”.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện tỉnh Thanh Hóa có trên 190.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có khoảng 90.000 người cao tuổi, trên 80.000 người khuyết tật, còn lại là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật tại cộng đồng... Trong khi đó, Thanh Hóa mới chỉ có 2 trung tâm bảo trợ xã hội  và trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng (trực thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội) và khoảng gần 2.000 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách tại các địa phương có tham gia làm CTXH. 

Như vậy, so với số đối tượng cần trợ giúp hiện tại thì đội ngũ người làm nghề CTXH còn quá mỏng. Mặt khác, đối tượng cộng tác viên nghề CTXH làm việc trong nhiều lĩnh vực, đơn vị khác nhau: Lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, tư pháp, các đoàn thể chính trị xã hội... hầu hết đều chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng về nghề CTXH, chủ yếu là làm kiêm nhiệm... Có một thực tế, hiện nhiều người dân chưa biết về nghề CTXH, do đó việc triển khai nhiệm vụ của cộng tác viên CTXH đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở.

Người làm CTXH có phải là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? ảnh 1

Nhân viên CTXH hướng dẫn người dân cách khai sử dụng dịch vụ CTXH.

Hướng tới chuyên nghiệp

 

   

Theo định nghĩa chung của thế giới thì CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mệnh của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội; sự bất công trong xã hội; sự bất bình đẳng trong xã hội... Mục tiêu chung mà nghề CTXH hướng đến là: Phát hiện những mối quan tâm của con người; xác định các nhu cầu của con người; xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người. Trên cơ sở đó, những người làm nghề CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để đáp ứng các nhu cầu đó.

Theo ông Trần Văn Hùng, Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), để thực hiện được tốt việc chăm sóc, hỗ trợ những nhóm đối tượng xã hội trên hướng tới chuyên nghiệp nghề CTXH thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển nghề CTXH và tăng cường mở rộng mạng lưới các cơ sở CTXH. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng; cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn rất thiếu. 

Hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng chủ yếu là nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở còn nhiều hạn chế, phần lớn các cán bộ, nhân viên này chưa qua đào tạo hoặc  làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo...

Từ thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự  phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì cũng cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Tuyệt đối tránh tư tưởng coi những người làm CTXH (nhất là những người tự nguyện) là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi lẽ dù là tự nguyện hay làm công ăn lương thì những người làm CTXH đều rất đáng được trân trọng. Ngoài ra, không chỉ các đối tượng yếu thế trong xã hội mới cần trợ giúp xã hội, mà chính những người làm nghề CTXH cũng cần được trợ giúp, đó là trợ giúp về khung pháp lý để nghề CTXH hoàn thiện và phát triển vững chắc; đồng thời nâng cao mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm công tác.

Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.