Người kỹ sư anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để đảm bảo cộng đồng của mình luôn luôn được ấm áp, kỹ sư James Anderson, đến từ thị trấn Burnley, Anh, đã sẵn sàng từ bỏ mọi thứ mình có.

Vào tháng 3 năm 2017, ông James Anderson nhận được một cuộc gọi thay đổi vĩnh viễn cuộc đời ông. Người đàn ông ở đầu dây bên kia cho biết ông ấy được khuyên nên mua một máy sưởi mới, nhưng ông muốn có ý kiến thứ hai từ ông Anderson. Khi đến nơi, ông thấy một người đàn ông lớn tuổi đang nằm trên giường. Sức khỏe ông kém, và ông cần người đến chăm sóc mỗi ngày.

Căn hộ của người đàn ông bị mất nước nóng, và bộ tản nhiệt của nhà bếp đang phát ra tiếng ầm ĩ. Tuy nhiên, ông Anderson không thể tìm ra được nguyên nhân. “Tôi đang vò đầu bứt tai”, ông kể lại, “tự hỏi cái máy này có vấn đề gì, vì các biểu hiện của nó không giống bất cứ trường hợp nào”. Ông quyết định mở nắp bình chứa của máy, tìm thấy một quyển tạp chí đang nổi lềnh bềnh bên trong. Người kỹ sư bảo dưỡng trước đã nhét nó vào đó để có thể âm mưu kiếm tới 5.500 bảng Anh (169 triệu VND) khi người chủ căn hộ buộc phải lắp một máy sưởi mới.

Ông Anderson đã rất phẫn nộ. “Kỹ sư này lợi dụng một người không thể tự bảo vệ mình”, ông nói. Ông liền gọi điện cho công ty của kỹ sư đó và khiếu nại gay gắt. Kết cục, họ phải cử người khác đến lắp đặt một máy sưởi mới và bồi thường cho người đàn ông cao tuổi ốm yếu 1.000 bảng Anh (31 triệu VND).

Ông Anderson có niềm tin vào sức mạnh của cộng đồng. “Là con người, chúng ta có nghĩa vụ chăm sóc người nghèo, người già, những người dễ bị tổn thương”, ông nói. “Chúng ta không được phớt lờ họ và nói rằng đó là vấn đề của người khác”.

Kể từ ngày đó, ông Anderson đã làm việc để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi những trò lừa đảo tương tự. Ông thành lập Depher, một công ty vì lợi ích cộng đồng, chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa đường ống và hệ thống sưởi giá rẻ hoặc miễn phí cho những người trong hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 30% nguồn tài trợ của Depher đến từ các khoản quyên góp, và phần còn lại đến từ chính ông Anderson. Một khi ra mắt Depher, ông Anderson đã đóng cửa doanh nghiệp kinh doanh hệ thống đường ống nước thành công của mình mà không cần đắn đo nhiều.

“Tôi đã 54 tuổi rồi”, ông nói. “Tôi đã có những chuyến đi chơi nhớ đời, có một chiếc xe hơi đẹp và từng ăn ở những nhà hàng sang trọng. Tôi không cần phải trải nghiệm lại những điều đó. Giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn là nghĩa vụ và cũng là niềm vinh hạnh của tôi”.

Đến nay, Depher đã giúp được hơn 19.000 người với chi phí tổng cộng lên tới 1,2 triệu Bảng (37 tỷ VND). Vào tuần trước, Depher đã sửa bình nóng lạnh của bà Lynn Shirraf, một người đã về hưu đến từ Burnley. Nếu không có ông Anderson, bà sẽ phải cắt giảm chi phí ăn uống để có thể trả tiền sửa chữa. “Ông ấy thật sự tốt bụng”, bà Shirraf cho biết. “Khi biết rằng vẫn còn người quan tâm, bạn cảm thấy có hy vọng hơn về tương lai con người”.

Điều hành Depher đã dạy ông Anderson về nạn nghèo đói tiềm ẩn ở chính quê hương ông. “Nó khiến tôi nhận ra rằng bạn có thể đi ngang qua một ngôi nhà, và trông nó có vẻ bình thường”, ông nói, “Nhưng bạn không biết điều gì đang xảy ra bên trong. Trong số những người mà chúng tôi giúp đỡ, 90% rơi vào tình trạng nghèo đói nhưng không nói với ai”.

Vào tháng 12 năm 2019, ông đến thăm một cặp vợ chồng trẻ với hai con trai nhỏ. “Cả nhà lạnh cóng”, ông nói. “Khi người mẹ nói chuyện với tôi, môi dưới của bà ấy run lên cầm cập”. Hai kỹ sư trước đã tính phí 40 Bảng mỗi người (1,2 triệu VND) nhưng vẫn không khắc phục được vấn đề, và gia đình không có khả năng trả thêm phí sửa chữa. Ông Anderson đã sửa chữa hệ thống sưởi miễn phí. “Người mẹ ngồi đó khóc”, ông nhớ lại. “Bà ấy nói với tôi: “Tất cả những gì tôi muốn là các con tôi được sưởi ấm”.

Người kỹ sư anh hùng ảnh 1

Ông James Anderson sửa chữa một máy sưởi cho người nghèo

“Chi phí sinh hoạt ở đất nước này thật khủng khiếp”, ông Anderson nói thêm. “Có một người đàn ông vào tuần trước nói: “Sữa từng có giá 1,09 bảng Anh (33 nghìn VND) ở siêu thị Aldi. Tuần này, nó đã tăng lên thành 1,15 Bảng (35 nghìn VND). Liệu nó có dần tăng lên đến mức tôi không đủ tiền mua sữa cho con mình không?”. Nghe ai đó nói vậy thật đau lòng”.

Khi tờ The Guardian ngỏ lời muốn tặng một món quà cho công sức của ông Anderson, ông đã thể hiện ước nguyện được chia sẻ phần quà của mình với cộng đồng. Theo thỉnh cầu của ông, hãng Lush đã đồng ý cung cấp 50 hộp quà đựng bom tắm (sủi bọt và tan ra toả mùi hương khi thả vào bồn tắm, có công dụng làm sạch, làm sáng da, khử mùi, loại bỏ các tế bào chết) cùng các món đồ dùng nhà tắm khác. Sau khi tặng một nửa cho một viện dưỡng lão địa phương, ông dự định sẽ phân phát những hộp quà còn lại cho một ngôi nhà an toàn dành cho phụ nữ. “Các cư dân ở đây đã mong đợi điều này cả tuần. Họ nóng lòng nhận được những mùi hương thơm tho”.

Theo ông Anderson, làm một điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng mình “cảm giác thật tuyệt vời”. “Việc nhận được phần thưởng không quan trọng, mà là cảm giác tự hào mà bạn có được khi mọi người làm việc cùng nhau. Hãy tưởng tượng xem đất nước này có thể tốt hơn bao nhiêu, nếu tất cả mọi người cùng giúp đỡ nhau”.

MỚI - NÓNG