"Đây là hành động quả cảm thể hiện tinh thần, trách nhiệm xả thân cứu người trong lúc hoạn nạn của tuổi trẻ, cần được biểu dương và phát huy trong cộng đồng”, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Hồ Ngọc Phong Hải nói.
Đã bớt bối rối so với những lần nhận các giải thưởng, bằng khen…, trong những ngày vừa qua nhưng gương mặt anh vẫn vẹn nguyên nét chân chất, hiền lành và nụ cười hồn hậu, dễ mến. Anh nói không ngờ việc làm của mình được nhiều ban ngành, đoàn thể biểu dương, khen thưởng đến vậy.
Rụng rời tay chân
Vợ anh, Nguyễn Xuân Mai, 21 tuổi, thổ lộ: “Cả hai vợ chồng em đều không nghĩ xã hội lại tôn vinh hành động cứu người của anh một cách trân trọng như thế. Cứ nghĩ sau khi công an giải quyết xong vụ tai nạn thì mang xe đi sửa rồi chờ ngày đi làm lại, thậm chí còn lo nếu sửa xe lâu quá sẽ giảm thu nhập vì tiền lương phụ thuộc vào số ngày chạy xe. Chạy đều đều thì được 7-8 triệu đồng/tháng nhưng nếu nghỉ nhiều ngày thì chỉ còn vài triệu thôi, sợ không đủ chi tiêu trong gia đình”. Mai nói đã tốt nghiệp Cao đẳng Mầm non Đà Lạt nhưng không đủ lực để xin việc ở các trường nên đã đi làm thêm tại một cơ sở nuôi dạy trẻ rồi nhận chăm vài cháu bé tại nhà để có chút
thu nhập.
“Anh trai tôi đã bị tai nạn giao thông và mất ở đèo Chuối ngay tại huyện nhà Đạ Huoai nên mẹ tôi cứ ám ảnh mãi. Biết tính mẹ nên tôi không dám nói cho bà biết về vụ tai nạn ở đèo Bảo Lộc”.
Anh Phan Văn Bắc
Về chuyện xảy ra ngày 6/9, Mai kể: “Sáng hôm đó em điện thoại hào hứng báo tin đã có mang. Anh ấy vui lắm. Đến chiều anh điện thoại cho em, giọng có vẻ nghiêm trọng: “Em phải thực sự bình tĩnh để nghe anh kể chuyện này nghe. Anh vừa cứu một chiếc xe khách, cả hai xe bị hư hỏng nhưng mọi người đều an toàn. Anh cân nhắc mãi mới nói cho em biết vì sợ em nghe tin từ nguồn khác, tam sao thất bản lại càng lo lắng hơn”.
Sau khi anh ấy ngắt máy, tay chân em rụng rời, suốt đêm lo lắng bần thần không biết chồng có giấu mình điều gì không, nhất là tình trạng sức khỏe của anh ấy. Vì tai nạn xảy ra gần nhà mẹ của anh ở huyện Đạ Huoai nên anh về đó ở để tiện giải quyết công việc, trong khi em đang sinh sống tại nhà bố mẹ của mình ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), cách xa nhau hàng trăm cây số.
Suốt ngày hôm sau em như ngồi trên lửa, may mà sau đó báo chí viết rất nhiều về vụ tai nạn này nên em biết chồng mình không bị thương. Tuy nhiên vẫn rất muốn gặp để xem thật sự anh có bị làm sao không? Mãi đến đêm 8/9, em mới được gặp lại chồng, lo cơm nước bồi dưỡng cho anh.
Chồng em còn dặn dò không được cho cha mẹ hai bên biết chuyện vì các cụ hay lo, nhất là mẹ anh ấy. Cả nhà không ai muốn anh theo nghề lái xe nhưng vì đam mê nghề nghiệp nên anh quyết làm bằng được”. Anh Bắc kể: “Anh trai tôi đã bị tai nạn giao thông và mất ở đèo Chuối ngay tại huyện nhà Đạ Huoai nên mẹ tôi cứ ám ảnh mãi. Biết tính mẹ nên tôi không dám nói cho bà biết về vụ tai nạn ở đèo Bảo Lộc. Đến đêm, mẹ xem ti vi mới biết chuyện. Mẹ vui vì nhiều người cảm ơn, khen ngợi tôi nhưng vẫn nhắc phải lái xe cẩn thận”.
Vất vả, lam lũ
Mai tâm sự hai vợ chồng mới cưới được mấy tháng, do chưa đủ điều kiện ra ở riêng nên anh ở rể tại nhà vợ. Nơi đây thuận tiện cho công việc của chồng, còn vợ cũng có điều kiện chăm vài em bé kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con đầu lòng. “Nghe kể ngày trước anh vất vả, lam lũ lắm, phải bỏ học giữa chừng để đi làm phụ giúp bố mẹ chăm lo cho gia đình. Còn bây giờ chăm chỉ làm việc lo cho vợ con. Chồng em hiền lành, ít nói và rất tốt bụng nên nhiều người quý. Sau vụ tai nạn này, em càng tự hào về chồng mình hơn”, Mai nói.
Còn theo lời kể của anh Nguyễn Hùng Dũng (32 tuổi, quê Long An, một hành khách trên chiếc ô tô được anh Bắc cứu), khi xe khách mất phanh và bị hỏng hộp số, nhiều người nhốn nháo, la hét, ai cũng nghĩ chắc không tránh khỏi tai nạn thảm khốc bởi xe lao nhanh trên đường đèo nguy hiểm, một bên là vách núi, còn bên kia là vực sâu. May mà anh Bắc tốt bụng và có kỹ thuật lái xe điêu luyện nên đã cứu hơn 30 người, trong đó có 2 cháu nhỏ.