Người hai lần làm mới quốc ca

Nhạc sĩ, nhà sản xuất Thanh Phương trên sân khấu cùng ca sĩ Trần Thu Hà. Ảnh : N.M.Hà.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất Thanh Phương trên sân khấu cùng ca sĩ Trần Thu Hà. Ảnh : N.M.Hà.
TP - Gần đây, clip em bé hát quốc ca trong chương trình Giai điệu Tự hào được nhiều người lan truyền trên mạng. Đây chính là sản phẩm từ ý tưởng của nhạc sĩ Trần Thanh Phương thực hiện cho Gala Giai điệu Tự hào 2014.

Trong số đầu tiên của Giai điệu Tự hào 2016, anh tiếp tục làm mới Tiến quân ca bằng cách cho tốp nam hát vocal trên nền phong cầm. Ở cương vị giám đốc âm nhạc, Thanh Phương cho hay sẽ tiếp tục làm cho Giai điệu Tự hào trẻ trung hơn nữa.

Từ đâu anh có ý tưởng hát quốc ca không lời?

Từ khẩu hiệu của chương trình “đừng hát bằng trái tim người khác, hãy hát bằng trái tim mình”, tôi nghĩ ra ý tưởng là âm thanh phát từ lồng ngực ra, không hát nên lời, không giống một bản hòa tấu, đúng là hát từ trái tim mình thôi.

Thực tế đã có ý kiến cho rằng quốc ca mà chỉ cần hát chậm đi đã làm giảm tính hào hùng đi rồi?

Gala Giai điệu Tự hào 2014 cho một em thiếu nhi hát rất chậm bằng 1/3 nhịp này luôn. Ai cũng kêu lần đầu tiên nghe thế này xúc động quá. Mình cứ mặc định quốc ca là hào hùng. Thực ra nhắc đến quốc ca là tổ quốc. Yêu tổ quốc theo nhiều kiểu. Chẳng hạn trong lễ trao bằng tốt nghiệp, hay trao giải thưởng… bao giờ cũng phát quốc ca. Một cái gì đó rất tình cảm. Vang lên giai điệu đấy là thấy tổ quốc mình rồi. Có thể chậm, có thể nhanh, có thể một đoạn, đâu cần hoàn chỉnh theo một khuôn nào.

Tính hành khúc hợp với thời Tiến quân ca ra đời. Theo tôi giờ hành khúc hay không không quan trọng bằng giai điệu đấy ảnh hưởng gì tới cảm xúc của mình. Giai điệu vang lên chạm đến xúc cảm của con người là thành công. Nhiều khi nghe hành khúc đâu có xúc động.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từng kể trong bệnh viện dã chiến, những người lính sốt rét nằm trên cáng không nói được tí nào nhưng lúc cần hát quốc ca họ vẫn ậm ừ trong miệng, nước mắt vẫn chảy. Đó là cái gì từ trong ra, không phải đập vào tai. Cách thể hiện quốc ca tùy từng trường hợp. Mẫu giáo cũng hát quốc ca mà, thậm chí các bé còn hát sai nhưng vẫn vang lên giai điệu đấy, vẫn cảm xúc.

Quốc ca Nga đã có bản phối rock, quốc ca Mỹ thường xuyên được trình diễn đơn ca bằng đủ các phong cách dù không phải lúc nào cũng thành công. Còn ở ta, nhóm rock Ngũ Cung từng đưa một đoạn quốc ca vào bài Gió bấc cũng nhận được một số bình luận thiếu tích cực. Anh nghĩ sao về điều này?

Cái đó thuộc về hội chứng xã hội, không liên quan đến nhạc lắm. Phản ứng theo quan niệm tôi hiểu là cũ kỹ, cổ hủ. Quốc ca không phải của riêng ai nên cứ hơi lạ tai là có ý kiến. Nghe thì có vẻ xây dựng nhưng nó tiêu cực nhiều hơn tích cực. Quan trọng nhất lời và giai điệu - những yếu tố làm nên bài quốc ca, không được sai. Còn trong từng trường hợp, anh có thể hát theo cảm xúc. Và tất nhiên phải là cảm xúc của chính mình tại thời điểm đó. Quốc ca trước hết là bài Tiến quân ca - một ca khúc có thể được thể hiện bằng nhiều phong cách. Còn nếu khi có “sắc lệnh”: Đây là thể loại quốc ca chuyên để chào cờ, cấm đổi tông, cấm sử dụng dưới mọi hình thức… thì lại là chuyện khác.

Một thực tế là đa số bình luận của cư dân mạng về các sản phẩm nghệ thuật đều không dựa trên cơ sở chuyên môn. Điều này tác động thế nào đến người làm nghệ thuật?

Mới đây sau khi Giai điệu Tự hào giới thiệu một nhạc sĩ nổi tiếng lên sóng, tôi được đọc bình luận của một người đại ý: “Tôi thấy nhạc của ông X. quá nhạt, kể cả bài Y. cũng nhạt hoét”. Đại khái thế. Hùa vào chửi thôi. Có phân tích gì nhạt với mặn đâu. Khi những giá trị đã được công nhận cũng bị dè bỉu thì nó có cái gì đó không bình thường. Giống như người ta có ít niềm tin quá.

Những nhận xét kiểu như thế vô tình kìm hãm sáng tạo, tất cả những gì mới ra đều choang phát đã, tính sau. Nghệ sĩ cứng rồi không làm sao, chứ mới vào nghề nghe những câu đấy cũng ảnh hưởng rất nhiều.

Cũng có thể người này chê, người khác thấy hay hay cũng vào a dua cho vui. Mà không nghĩ cái vui theo kiểu rất bầy đàn đó có hại. Tâm lý này thể hiện chẳng hạn trong những cuộc cà phê, mọi người bảo nhau ơ tuần này chẳng thấy vụ gì. Tự nhiên không có gì để chê lại thấy thiếu thiếu.

Anh được đặt ở vị trí luôn phải làm mới các giai điệu có tính lịch sử. Anh có thể chia sẻ về công việc khá có nguy cơ bị soi này?

Những người làm chương trình không chỉ khơi gợi ký ức cũ mà còn mang trách nhiệm đem những bài hát đấy đến thời đại bây giờ nữa. Đó là hai yếu tố không đổi của Giai điệu Tự hào. Vì thế chúng tôi luôn để người trẻ hát, hoặc phần phối hợp với âm nhạc bây giờ.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.