Người giàu cũng khóc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vài ngày qua, câu chuyện chiếc xe Rolls-Royce Ghost mạ vàng của ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch tập đoàn FLC bị Ngân hàng BIDV chi nhánh Quy Nhơn đưa ra bán đấu giá để “siết nợ” khiến dư luận xôn xao và làm không ít doanh nhân cám cảnh, xót xa...

Ông Trịnh Văn Quyết từng là một trong những đại gia giàu nhất Việt Nam, được xếp vào hàng tỷ phú đô la. Đế chế FLC do ông gầy dựng từng là một trong những thương hiệu có uy tín, có hãng bay riêng, sở hữu nhiều khu đất vàng ở những vị trí đắc địa với các dự án địa ốc đắt đỏ trên khắp cả nước trước khi lún sâu vào nợ nần và bản thân ông Quyết cùng những người liên quan vướng vòng lao lý. Tiếp sau FLC là Tân Hoàng Minh và gần đây nhất là An Đông cùng với hàng loạt tên tuổi lớn trong giới doanh nhân ngã ngựa.

Sự chao đảo của các ông lớn cùng cú ngã ngựa của các đại gia bất động sản từng vang bóng một thời do nhiều nguyên nhân song có một điểm chung nhất là sa lầy trong các vũng nợ và không có cách nào thoát ra. Càng vùng vẫy, càng lún sâu. Điều đáng nói, họ không phải là nạn nhân của tín dụng đen, của tệ cho vay nặng lãi mà từ tham vọng của chính mình. Hai “tử huyệt” của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay là sản phẩm tồn kho và nợ phải thu quá lớn. Doanh nghiệp nào cũng cố xin bằng được khu đất này, dự án kia, càng cao cấp càng tốt và vay mượn cả núi tiền để triển khai thực hiện. Hệ quả là hàng loạt dự án dở dang, trở thành những khu đô thị “ma”. Nhiều dự án đã hoàn thành ở phân khúc nhà ở cao cấp, không phải ai cũng có tiền mua dù nhu cầu của xã hội rất lớn. Để thanh toán các khoản nợ vay, doanh nghiệp chỉ còn cách…vay mượn tiếp. Không thể vay ngân hàng thì phát hành trái phiếu để có tiền xoay xở. Nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con.... Không ít người trở thành những con bạc khát nước, sử dụng đủ mọi chiêu trò để có tiền.

Đáng buồn là ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản đi vào “vết xe đổ” này. Tôi từng gặp nhiều doanh nghiệp đến gặp một đại gia khét tiếng, tiền nhiều như “quân Nguyên” để vay nóng sau khi việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiếm soát, cũng như các nhà đầu tư đã cảnh giác hơn. Với lãi suất cho vay cao hơn nhiều lần so với ngân hàng và trái phiếu, con đường dẫn đến vực thẳm ngày càng ngắn hơn.

Câu chuyện nợ nần của một số doanh nghiệp bất động sản đã và đang trở thành mối lo của toàn xã hội. Nợ nần không chỉ đẩy các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hàng nghìn lao động bị mất việc làm mà còn trở thành các khoản nợ khó đòi, nợ xấu… ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, đẩy các nhà đầu tư trót mua trái phiếu đến vực thẳm. Các dự án dở dang nghìn tỷ bỏ hoang trở thành những “cục máu đông” của nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

Cùng với các giải pháp kiểm soát các hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, phát hành trái phiếu, thiết nghĩ từng doanh nghiệp cũng cần hết sức tỉnh táo trong chiến lược đầu tư, kinh doanh, biết dừng cuộc chơi đúng lúc.

MỚI - NÓNG