Lan man cùng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt:

Người giàu có sang không?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Xuân Ba.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Xuân Ba.
TP - Sau 42 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 30 năm Ðổi Mới, nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều hiện tượng cần được đánh giá và nghiêm túc kiến giải. Cuộc trò chuyện của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba ngõ hầu giúp bạn đọc thêm thông tin, thêm cách tiếp cận về những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.

Chữ của người giàu

Xuân Ba: Tôi muốn trao đổi với anh về hiện tượng mà xã hội đang quan tâm là sự xuất hiện của các tỷ phú. Nhưng điều đầu tiên gây cho tôi ấn tượng hôm nay là quanh chỗ làm việc của anh cơ man nào là sách. Tỷ phú sách Nguyễn Trần Bạt làm thế nào và thời gian đâu để đọc? Bí quyết gì để tiêu hóa khối lượng tri thức mà anh nạp vào thông qua kênh đọc như thế?

Nguyễn Trần Bạt: Bí quyết của tôi là tôi đọc sách từ tấm bé, do số phận đưa đẩy. Tôi đọc đến mức thuộc nhiều tác phẩm văn học Pháp mà giới trí thức đưa vào Việt Nam từ năm 1936-1939. Ví dụ tác phẩm của Chateaubriand, một tác giả theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa rất nổi tiếng, hay tác phẩm của André Gide  một người mà Nguyễn Tuân rất thích. Tôi đọc những quyển sách ấy từ năm lên tám, thông qua bố tôi. May mắn là tôi có một ông bố rất quan tâm đến việc đọc sách. Tiếng Pháp đối với bố tôi giống như quốc ngữ. Trong nhà tôi, đến mẹ tôi là bà nội trợ mà cũng võ vẽ tiếng Pháp. Năm tôi khoảng sáu tuổi, bố tôi thuê một cô giáo đã tốt nghiệp tú tài bán phần làm gia sư cho chúng tôi. Ở trong nhà, cô ấy là người quan trọng hàng thứ ba sau bố mẹ tôi, có quyền trừng mắt với chúng tôi. Sau này tôi cũng cho những đứa con của mình học tiếng Anh và chơi piano từ năm sáu tuổi.

Tôi quan niệm con người là một thực thể thông tin. Kiến thức và thông tin mà không trở thành một bộ phận ở trong mình thì mọi sự đọc là vô ích. Tôi biết nhiều người muốn tìm cách nào đó để biến một số kiến thức chung chung thành thứ có thể trôi ra, trôi vào một cách quen biết trong đầu mình, nhưng không làm được. Người tinh nhìn là biết ngay. Con người có thể có những đặc điểm nhận dạng văn hóa khác nhau. Có  người trông quê quê, có người trông có vẻ đô thị, có người mang phong cách kiểu Tây, có người mang phong cách truyền thống. Nếu thích thì người ta có thể tạo cho mình những dáng vẻ như vậy, nhưng cái duyên dáng của một người đọc thật thì không ai bịa ra được.

Ðêm qua tôi xem một bộ phim, người dẫn phim là một nhà bác học nữ. Bà ấy nói về Einstein như thế này: Khi đã thành đạt Einstein cảm thấy cô đơn, buồn chán, tinh thần không sảng khoái. Có lần đi nói chuyện ở đâu đó, người ta hưởng ứng và vỗ tay rất nhiều. Ông ấy phát hiện ra rằng người ta chưa kịp hiểu giá trị khoa học của những điều ông ấy làm thì đã yêu mến ông ấy rồi. Ông ấy rất sung sướng về điều đó. Nhà bác học nữ ấy kết luận rằng: đôi khi sự nịnh bợ của người đời cũng làm giảm nhẹ gánh nặng của một nhà bác học. Rất nhiều người tôi biết cũng muốn có điều ấy, họ muốn chữ nghĩa như con ong đã tỏ đường đi lối về trong mình, nhưng ít người làm được điều đó. Có nhiều người hỏi tôi giống anh, kể cả các chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi bảo không có cách gì khác là phải đọc sách, đọc thật sự. Ngay cả cách đọc hiện đại trong không gian mạng hiện nay cũng không thay thế được việc đọc sách truyền thống. Có những bạn trẻ khoe họ đọc đủ thứ, không thiếu gì, nhưng đọc qua mạng. Họ có rất nhiều dự định, tham vọng, mơ về những điều lớn lao, nhưng họ cũng chỉ đi đến được một đoạn nào đó, không xa hơn được. Thứ không thể trở thành mầm tinh thần hay mầm trí tuệ của mình thì chẳng góp được gì cho sự phát triển cá nhân.

Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là luận lý (giống như ta đang nói chuyện với nhau), hai là logic toán. Khi đi theo khía cạnh logic toán, tôi có thể tưởng tượng ra các kết quả nghiên cứu của những nhà toán học hay nhà vật lý ứng vào các hiện tượng xã hội.  Ðấy là động lực sáng tạo ngôn ngữ. Chữ nghĩa cũng có bầy của nó. Ví dụ ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ của ông thầy đồ, ngôn ngữ ấy có bầy của nó. Khi gặp người Việt không sống ở Việt Nam anh nghe ngôn ngữ của họ sẽ thấy  khá lõng bõng. Ðấy là hiện tượng của những người trưởng thành trong một môi trường văn hóa không phải của mình. Tuy nhiên cũng vẫn có những trường hợp như Giáo sư Lê Xuân Khoa. Khi về nước anh ấy có đến chơi với tôi. Chế Lan Viên có câu “xa nước 30 năm một câu Kiều người vẫn nhớ”, tôi không có tài thơ để làm câu thơ tương tự, nhưng tôi nói với anh ấy rằng xa nước 50 năm mà anh vẫn giữ được giọng Hà Nội không sai một chút nào thì đối với tôi, anh là một giá trị. Hình như đã lâu, người Việt không còn biết quý trọng sự chính xác của văn hóa, của phong cách, của ngôn ngữ?

Bảy tuổi, tôi theo gia đình ra Hà Nội. Lớn lên chút, tôi thấy mình là một thằng con trai Nghệ An thô lỗ khi đứng trước sự quý phái của Hà Nội.  Một lần, chuyện với bác Chu Mạnh, nguyên Chủ tịch Nghệ An, tôi có nói cái ý người Nghệ cần cải cách văn hóa. Bác ấy nổi cáu bảo Nghệ An làm sao mà phải cải cách văn hóa? Tôi trả lời rằng đàn bà thô lỗ thì không lấy được chồng sang, mà đàn bà không lấy được chồng sang thì quê hương không cách gì khá giả được. Bây giờ thì Hà Nội đang hụt vẻ thanh lịch xưa, chúng ta phải làm thế nào đó để khôi phục. Trong một cuốn sách đã xuất bản, tôi có phân tích về sự hình thành trong im lặng của văn hóa. Tôi nói về hiện tượng có những người đàn bà hàng ngày cũng đanh đá, chanh chua, cãi vã, thô lỗ cho hợp với thời buổi thị trường, nhưng phần còn lại của cuối ngày vẫn chu đáo chuyện nhà cửa, cơm nước theo nề nếp mà người Hà Nội gốc vẫn làm. Người Hà Nội phải giữ gìn giá trị văn hóa của mình trong im lặng. Tôi xem văn hóa Hà Nội là một văn hóa tiêu chuẩn. Tôi thấy ngày xưa các cụ sống rất cặn kẽ và có lẽ cặn kẽ như vậy mới giữ được cái chất của người Việt. Còn bây giờ chúng ta sống nhanh quá, quên cả lẽ phải, quên cả sự hợp lý.

 Người giàu có sang không? ảnh 1 Ông Nguyễn Trần Bạt.

Người giàu có sang không?

Xuân Ba: Vâng, anh đang đề cập đến khía cạnh, góc độ sang trọng. Theo anh, người Việt mình có sang không, những người giàu ở nước mình có sang không?

Nguyễn Trần Bạt: Nói sang hay không là phải trên cơ sở hệ tiêu chuẩn nào đó. Nếu theo tiêu chuẩn của cái văn hóa  rộng hơn văn hóa Việt Nam thì còn phải bàn. Ví dụ, nói đến khía cạnh lịch sự thì chúng ta chưa bằng người phương Tây. Người phương Tây rất tôn trọng phụ nữ, còn chúng ta thì mới diễn thôi chứ chưa kính trọng phụ nữ thật. Chúng ta không sang thật theo kiểu Tây mà cũng chẳng gia trưởng thật theo kiểu Tàu, bởi chúng ta không có văn hóa gia trưởng thật sự.

Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có những đô thị ổn định. Ở châu Âu có những đô thị mà 20 năm sau tôi đến thăm lại, thấy những hàng rào của họ vẫn thế, không thay đổi, bởi ở đấy người ta có những qui định về tiêu chuẩn hàng rào rõ ràng và những người sống ở đó tuân thủ rất nghiêm túc. Chính vì thế mà người ta dễ nhận ra người quen, vật quen. Ở chúng ta không có những cái đó. Người Việt lúc nào cũng hối hả phát triển một cách không điều độ, trong quá trình ấy chúng ta không đủ yên tĩnh để giữ lại cái gì cho mình. Nhiều khi chúng ta buôn các di sản, buôn sự giả sang trọng của người khác, không kịp hình thành cái gì có chất lượng di sản thật sự. Di sản không phải là tiêu chuẩn của chúng ta, chúng ta chỉ cãi nhau với Tây để duy trì ý thích của mình. Cho nên người Việt không sang, chỉ có một vài bộ phận xã hội duy trì được một cách hẹp.

Xuân Ba: Những bộ phận hẹp ấy tạo ra những ốc đảo?

Nguyễn Trần Bạt: Không đến mức ấy. Chúng ta thỉnh thoảng cũng khoe cái áo xẻ tà thấp thoáng. Nói chung người Việt muốn khoe cả vẻ sexy lẫn sự chính chuyên của mình, mỗi thứ một chút. Cái gì chúng ta cũng có một chút, nhưng không có những cái lâu dài và bền vững.

Xuân Ba: Liệu có những người Việt có tố chất, có thứ bột gì đấy để gột để nên một đội hình ưu tú, sang trọng?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi đến một hòn đảo tên là Guernsey  ở giữa Ðại Tây Dương, hòn đảo không phải là một phần của Vương quốc Anh mà là một sở hữu riêng của Hoàng gia Anh. Ở đó người dân có hộ chiếu riêng. Khi đến đấy, tôi tình cờ ghé một quán ăn châu Á và cũng không hy vọng gặp người Việt Nam. Thế mà trong lúc ăn, bỗng nhiên tôi nghe thấy một giọng trọ trẹ, nhìn lại hóa ra là người Việt thật. Tôi nghe thấy bà ấy nói năng kiêu ngạo kinh khủng, bà ấy đang nhiệt thành phê người châu Âu là ngốc! Tôi nói chị thông minh thế thì chị sang đây làm gì? Người Việt chúng ta có lẽ khó khá được bởi không chịu học ai. Thỉnh thoảng có chăng là ông Giời hào phóng cho chúng ta một vài người thông minh...

 Người giàu có sang không? ảnh 2 Một góc Hà Nội thanh bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tôi không bao giờ rời Hà Nội

Xuân Ba: Nguyễn Trãi có câu “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”, kẻ biết chữ hay gánh những cái khốn nạn nhất của cuộc đời. Này, anh không những biết mà có nhiều, rất nhiều chữ. Có cảm giác anh cứ nhẹ thênh chả phải gánh cái lo cái khốn nào lớn thậm chí lại giàu có, thành đạt. Nguyễn Trần Bạt có cách nói, kiểu sống dung dị nhưng không giống cái bình thường của người đời?

Nguyễn Trần Bạt: Nhiều anh em nói với tôi là họ đọc nhiều về Marx nhưng cũng không hiểu lắm, đến khi đọc những phân tích của tôi về Marx họ hiểu ra ngay. Tôi lao động chân thật, biết đến đâu thì cho đến đấy.

Xuân Ba: Xin lỗi, anh có làm thơ không? Và  nghĩ về thơ như thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không đi theo trường phái thơ, nghề của tôi gắn với logic.

Xuân Ba: Nhưng không riêng tôi mà nhiều người đọc anh thấy thấp thoáng chất thơ giữa các hàng con chữ… Bạn tôi có câu này, có một hồn thơ trong xác chữ Nguyễn Trần Bạt…

Nguyễn Trần Bạt: Tôi có học ngữ văn một cách rất hệ thống, trình độ tương đương với cử nhân văn chương. Xét về mặt nhịp điệu, tôi chịu ảnh hưởng của Chế Lan Viên. Lúc còn trẻ tôi thích ông ấy, thích những câu thơ như “Nhà dân chật dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân che kín mộ anh hùng”.  Chế Lan Viên có sai lầm không ấy ư? Nếu có thì là ông ấy thông minh nhưng lại nhầm lẫn giữa thông minh với khôn ngoan.

Xuân Ba: Chắc anh nhớ Xuân Sách đã dùng câu “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa” để phác họa chân dung của Chế?

Nguyễn Trần Bạt: Bắt đầu là thông minh, sau đó là khôn quá. Khôn quá thì người đời ghét. Ðiều đó tôi phát hiện ra từ lúc còn trẻ.

 Người giàu có sang không? ảnh 3 Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Xuân Ba: Nếu một thời đại  không còn huyền thoại nữa và thậm chí cũng đang bặt vắng các anh hùng thì hơi bị kinh khủng anh Bạt ạ?

Nguyễn Trần Bạt: Anh đặt ra vấn đề rất hay, đó là con người sống trong môi trường nào? Ðấy chính là cơ sở lý thuyết của tôi về các điều kiện văn hóa. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến các bộ phận hay các khía cạnh khác nhau của con người thì chưa phải là đi tìm con người. Cho nên tôi đã viết quyển “Văn hóa và con người”. Văn hóa là một lăng thể nhiều mặt và nó hoàn chỉnh, không thể nói gì về con người mà không đả động đến văn hóa. Hôm qua, trên ti vi chiếu một bộ phim khoa học kể về việc người ta phát hiện ra một cậu bé bị bố mẹ bỏ mặc, nhốt chung với gà ở dưới gầm sàn nhà. Lớn lên nó hành động như một con gà, có phản ứng tâm lý như một con gà. Lúc người ta tìm lại được nó thì nó đã 45 tuổi, một vài hành vi của nó vẫn còn dấu vết của gà. Ðiều đó nói rằng nếu không được nhúng trong một môi trường văn hóa thì con người có thể bị uốn nắn thành một thứ gì đó không người.

Anh phải có tình yêu đối với một địa phương cụ thể hay một con phố cụ thể thì anh mới sắp đặt được các điều kiện sống phù hợp cho những yếu tố tồn tại trong không gian đó. Ở Hà Nội có một vài góc đẹp, trong đó trước đây có góc phố Hồ Xuân Hương của báo Tiền Phong. Tiếc là bây giờ đã không còn nữa. Khi đi từ Nghệ An ra Hà Nội tôi đi bằng ô tô, nơi đầu tiên tôi đến là bến xe Kim Liên, một trong những khu xấu nhất của Hà Nội, vậy mà tôi vẫn thấy đẹp. Có người bạn bảo tôi Hà Nội đẹp thật, người ta phá đến thế mà nó vẫn đẹp. Bây giờ tôi thừa tiền để sống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này, nhưng không bao giờ tôi rời Hà Nội. Tôi không hiểu lý do tại sao, nhưng tôi thấy Nguyễn Trãi cũng phải đến sống ở Hà Nội, cả Nguyễn Du cũng thế.

Xuân Ba. Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về thời lượng cũng như nội dung cuộc trao đổi. 

Chúng ta không sang thật theo kiểu Tây mà cũng chẳng gia trưởng thật theo kiểu Tàu.

Ông Nguyễn Trần Bạt

Bây giờ tôi thừa tiền để sống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này, nhưng không bao giờ tôi rời Hà Nội. Tôi không hiểu lý do tại sao, nhưng tôi thấy Nguyễn Trãi cũng phải đến sống ở Hà Nội, cả Nguyễn Du cũng thế.

MỚI - NÓNG