Người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng vọt vì rét

Người già, trẻ nhỏ nhập viện tăng vọt vì rét
TP - Miền Bắc đang trải qua những đợt rét nhất từ đầu mùa đông tới nay. Thời tiết giá buốt ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sức khoẻ người dân. Tại các bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân viêm đường hô hấp và tim mạch tăng cao hơn thông thường.

> Nhiều người già, trẻ em nhập viện vì rét
> Hà Nội và Miền Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại

Chờ khám tại Khoa Khám bệnh (BV Nhi T.Ư). Ảnh: Thái Hà
Chờ khám tại Khoa Khám bệnh (BV Nhi T.Ư). Ảnh: Thái Hà.

Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm phế quản

Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) chị Minh Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bế bé Hà Anh (2 tuổi) đang sốt phừng phừng. Thi thoảng bé co rúm người vì những cơn ho ập tới.

Chị Minh Anh cho biết, trời rét nhưng vì nhà có ô tô nên vẫn đưa con đi chơi cuối tuần ở Trung tâm Thương mại Vincom, bé chạy nhảy rất hăng nên toát mồ hôi mà bố mẹ không biết nên mồ hôi ngấm ngược trở lại khiến bé bị cảm lạnh và viêm họng.

Thấy con ho quá nhiều lại thêm sốt cao suốt đêm nên tôi vội đưa đến viện khám. Kết quả chụp X.quang phổi cho thấy, bé Hà Anh bị viêm phổi.

Phòng khám Hô hấp của Khoa Khám bệnh phần lớn là các bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh nhi 3-6 tháng tuổi mắc viêm tiểu phế quản nhiều nhất. Do cha mẹ chủ quan nên nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng tổn thương các tiểu phế quản như bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn làm cho trẻ bị khó thở, khò khè, nếu nặng thì bị thiếu oxy.

Bác sĩ Điển cho biết thêm, đây là bệnh do virus hô hấp gây ra có khả năng lây lan rất mạnh nên dễ gây thành dịch ở nhóm trẻ nhỏ; người lớn và trẻ lớn cũng có thể bị mắc bệnh nhưng các triệu chứng chỉ nhẹ như cảm ho thông thường.

Trường hợp bệnh không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi do bị bội nhiễm, xẹp phổi do tắc đờm, viêm tai giữa. Trong số này có 1-2% trẻ bị thiếu oxy phải nhập viện để được thở oxy.

Theo bác sĩ Điển bệnh có thể xảy ra nặng, kéo dài, có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong ở các đối tượng như trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, bị bệnh tim, phổi từ trước.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), thời gian này miền Bắc chuyển lạnh kéo dài, số trẻ bị viêm phổi vào khoa nhi tăng lên gấp đôi so với trước, số đến khám cũng tăng gấp rưỡi.

Ngoài viêm phổi, nhiều bé lên cơn hen cấp hoặc mắc các bệnh đường hô hấp khác. Đặc biệt ở trẻ nhỏ là viêm tiểu phế quản, trẻ lớn hơn là viêm mũi, đường hô hấp trên do virus.

Bên cạnh đó, số trẻ bị tiêu chảy do rotavirus cũng tăng lên đáng kể trong mấy ngày gần đây. Đây là những bệnh thông thường trẻ mắc quanh năm, nhưng do thời tiết thay đổi nên số mắc tăng cao khiến khoa quá tải.

TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết thời tiết lạnh, cần giữ ấm cho môi trường sống.

Trên nền nhiệt lạnh, dù mặc ấm, trẻ sơ sinh vẫn phải tăng sử dụng năng lượng, do đó có thể bị hạ thân nhiệt, dẫn đến hạ đường huyết, suy hô hấp, suy thở. Nhiệt độ lý tưởng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh khoảng 29 - 30oC.

Người cao tuổi nhập viện tăng cao

Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) những ngày rét đậm này số bệnh nhân cao tuổi đến khám và nhập viện tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.

Đáng chú ý, nhiều người đến trong tình trạng cấp cứu vì tăng huyết áp, đột quỵ do tai biến mạch máu não. Ngoài ra còn có nhiều bệnh khác cũng tăng mạnh do thời tiết rét đậm kéo dài như viêm nhiễm đuờng hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm xương khớp…

Bác sĩ Trung Anh, Khoa Khám bệnh khuyến cáo những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp phải đảm bảo uống thuốc đầy đủ, do huyết áp thường xuyên, có gì bất thường thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp nên tập thể dục để duy trì thể lực.

Tuy nhiên, cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, đặc biệt là giai đoạn làm nóng cơ thể, sau đó bỏ bớt đồ và duy trì các bài tập thường xuyên.

Người cao tuổi nên tập trong nhà khi trời rét đậm, nếu muốn ra ngoài trời thì phải lưu ý giai đoạn khởi động trước khi tập và làm nguội sau khi tập, quá trình điều hoà để cơ thể ổn định sau đó mới kết thúc bài tập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG