Ngày 26/8, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sau 2 ngày được thực hiện cuộc ghép tim, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân L.A.H. (37 tuổi, ngụ tại tỉnh Gia Lai) đã ổn định.
Hiện tại, bệnh nhân H. đang được theo dõi, chăm sóc liên tục để có thể phát hiện và xử lý kịp thời trong trường hợp có biến cố bất lợi xảy ra. Về tổng thể, đến thời điểm này, cuộc phẫu thuật ghép tim đã thành công. Đây là ca ghép tim đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Trái tim hiến tặng được vận chuyển hỏa tốc từ Hà Nội vào TPHCM |
Trao đổi với phóng viên, chị N.T.P.T. (34 tuổi, vợ bệnh nhân H.) cho biết, chồng chị từng làm thợ máy cho một công ty tại tỉnh Gia Lai. Khoảng 4 năm trước, anh H. có những biểu hiện bất thường như hay đau tức ngực, mệt nhiều khi vận động. Không còn làm được việc nặng, anh H. phải nghỉ việc, ở nhà phụ giúp vợ chăm sóc 2 con nhỏ.
Khi mới phát bệnh, anh H. đến bệnh viện kiểm tra thì được xác định bị bệnh tim đã tiến triển sang giai đoạn nặng.
“Thời điểm phát hiện bệnh cũng là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Chồng tôi không thể vào TPHCM điều trị được nên bệnh mỗi ngày một diễn tiến nặng. Khi dịch bệnh tạm lắng, anh vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kiểm tra thì bác sĩ kết luận tình trạng suy tim đã không còn khả năng điều trị. Giải pháp duy nhất là ghép tim”, chị T. cho hay.
Ê kíp các bác sĩ đã ghép tim thành công cho bệnh nhân H. sau 5 giờ thực hiện cuộc phẫu thuật trong phòng mổ |
Từ tháng 6/2024, bệnh nhân H. thường xuyên đối mặt với những cơn đau tức ngực, mất ngủ, ho ra máu. Anh đã được đưa vào danh sách chờ ghép tim tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
“Làm thế nào để cứu chồng là một câu hỏi hoàn toàn bế tắc đối với tôi bởi trái tim hiến tặng vô cùng hiếm. Ngày 24/8, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ bệnh viện cho biết, chồng sẽ có cơ hội được ghép tim từ một người hiến do không may bị chết não điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn với người đã hiến quả tim để cứu chồng tôi và gia đình của anh”, chị T. xúc động bày tỏ.
BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM (thành viên của ê kíp phẫu thuật) cho biết, anh H. thuộc nhóm máu hiếm Rh- (chỉ có khoảng 1% dân số Việt Nam trong nhóm máu này) là trường hợp hiếm gặp, đặt ra thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và công tác chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ.
Bệnh viện đã chủ động tìm được nguồn máu hiến từ người cho tại Hà Nội, liên hệ với Trung tâm Truyền máu Huyết học TPHCM để chủ động nguồn máu và mời người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế của bệnh viện có nhóm máu tương đồng với người bệnh để sẵn sàng mọi phương án cần thiết nếu phải dùng nhiều máu cho cuộc ghép.
Sau khi được ghép tim, bệnh nhân đang được theo dõi tại phòng hồi sức sau ghép |
Theo BS Hoàng Định, sau khi trái tim được hiến tặng vượt hơn 2.000 km từ Hà Nội vào TPHCM, ngay trong đêm 24 rạng sáng 25/8, ê kíp các bác sĩ đã bắt tay vào thực hiện ca ghép tim. Sau 5 giờ phẫu thuật trong phòng mổ, trái tim cấy ghép vào cơ thể mới đã đập đều nhịp.
Sau 2 ngày thực hiện ca ghép, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân đã ổn định. Ê kíp thực hiện cuộc phẫu thuật tin tưởng bệnh nhân H. sẽ sớm bình phục, xuất viện và bắt đầu cuộc sống mới khỏe mạnh.
Người hiến trái tim cho anh H. là bệnh nhân N.Đ.T. (32 tuổi) không may bị tai nạn giao thông được chẩn đoán chết não tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Cùng với trái tim, 2 quả thận của anh đã được ghép thành công cho hai người bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn, gan được ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giác mạc được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108.