Ông nhìn nhận thế nào về quyết định xin rút đề án đổi mới chương trình – SGK giáo dục phổ thông (đề án đổi mới giáo dục) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)?
Theo tôi đây là quyết định hoàn toàn đúng vì không có cách gì để Bộ GD&ĐT có thể chuẩn bị kịp để trình Quốc hội vào tháng 5 tới.
Ông đánh giá thế nào về đề án này?
Đề án mà Bộ GD&ĐT đưa ra rất sơ sài. Trong đề án này chỉ trích các nghị quyết của Đảng, nhưng nội dung kỹ thuật, chuyên môn không có.
PGS.TS Lê Văn Học
Đề án đổi mới chương trình – SGK như một đề tài cấp nhà nước, phải rất khoa học, công phu và chi tiết. Nhưng đề án không có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 40 từ năm 2000 của Quốc hội về vấn đề này, những khó khăn, thuận lợi, cái gì đạt được, cái gì chưa đạt được. Các khái niệm cơ bản, như các cấp học, tích hợp, phân hóa… nhiều ĐBQH đọc cũng thấy khó hiểu. Điều kiện thực hiện đề án cũng chưa đầy đủ.
Ví dụ, để chuẩn bị thông qua dự án thủy điện, chúng ta phải biết có bao nhiêu tổ máy, công suất bao nhiêu,mức nước thế nào, giải phóng bao nhiêu hộ dân, thời gian, kinh phí… Nhưng đề án của Bộ GD&ĐT không có một số liệu nào, không có gì để đọc.
Dư luận quan tâm về kinh phí thực hiện đề án, ông có bình luận như thế nào về các con số bất nhất mà Bộ GD&ĐT đưa ra như 70 nghìn tỷ, 34 nghìn tỷ và 100 tỷ đồng… cho việc thực hiện đổi mới chương trình – SGK phổ thông?
Muốn tính khái toán, dự toán để làm một công trình thì anh phải biết số công việc phải làm là gì… Đáng ra Bộ GD&ĐT phải cho biết soạn chương trình mới gồm bao nhiêu chương trình, từ chương trình rồi mới đi tới viết sách, có bao nhiêu tiết, bao nhiêu chương, yêu cầu tối thiểu ra sao.
Sau khi có chương trình, có sách giáo khoa sẽ tính ra được môn nào học lý thuyết, môn nào cần bổ sung thiết bị. Những môn học nào cần bổ sung thiết bị, cái gì có thể dùng được thì để nguyên, cái gì chưa có thì mua mới. Từ đó anh có thể dự toán hết bao nhiêu tiền, và phải làm rất chi tiết. Ví dụ một lớp có 50 em, học một ca thì thiết bị là gì, loại gì, chủng loại ra sao?
Thông qua giám sát, chúng tôi thấy rất nhiều bất cập trong việc bổ sung thiết bị giảng dạy. Như một trường trung học ở Ninh Thuận, thiết bị đắp đống, bụi phủ kín, thậm chí thiết bị chưa một lần sử dụng. Thậm chí, toàn trường không có học sinh khiếm thị nào nhưng vẫn có thiết bị cho người mù học. Trong khi đó giám sát ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) ở trường cho thấy chỉ có vài cuốn sách cho người khiếm thị. Việc phân phối thiết bị học tập như vậy là không thể chấp nhận được.
Nhiều tác giả tham gia soạn sách giáo khoa cho rằng họ nhận thù lao rất thấp, theo ông có phải chúng ta chưa thực sự đầu tư cho nội dung mà quá chú trọng tới những phần mở rộng?
Thù lao để viết SGK cho một tiết học phụ thuộc vào quy định của nhà nước, tiêu chuẩn của Bộ Tài chính. Nhưng nếu xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, đề án đặc biệt có thể trình Chính phủ để trả thù lao ở mức cao hơn. Như GS Văn Như Cương đề nghị thay vì 300.000 đ/tiết có thể lên 1 triệu đồng /tiết.
Thừa kiến thức, thiếu phương pháp
Hiện nay tuổi thọ của SGK quá ngắn do chúng ta biên soạn theo dự án, theo nhu cầu để giải ngân?
Về tuổi thọ SGK cũng rất khó nói là ngắn hay dài. Vì SGK thay đổi trên cơ sở thay đổi của chương trình. Ví dụ cần bổ sung thêm một chương, thêm một tiết thì SGK phải bổ sung. Nếu chương trình không thay đổi thì SGK không được thay đổi.
Tuy nhiên, nếu nói thời đại khoa học công nghệ phát triển nhanh nên nội dung sách phải thay đổi lại không hợp lý. Tôi cho rằng sự thay đổi đó phù hợp với bậc học cao hơn còn ở bậc phổ thông không nằm ngoài việc bắt đầu từ đọc thông, viết thạo, bảng cửu chương… Vì nền tảng tri thức của loài người không thay đổi một cách nhanh chóng, đặc biệt là bậc học phổ thông, do vậy nội dung cơ bản của kiến thức không thay đổi lớn. Có chăng chỉ là thay đổi về phương tiện dạy học khi chúng ta có sự hỗ trợ của máy tính. Thay đổi về phương pháp giảng dạy, theo cách nói hiện nay là phát huy năng lực của người học.
Điều tôi lo ngại hiện nay là thực trạng kiến thức cơ bản lại thừa, nhưng phương pháp để vận dụng kiến thức đó lại rất ít. Hơn nữa ai là người truyền đạt những phương pháp mới thì chưa đề cập.
Cả nội dung và phương pháp đều không được xem nhẹ. Không thể chỉ có phương pháp mà không có nội dung. Ví dụ trong văn học, phải học về tác phẩm trước rồi mới đến cảm thụ, phân tích, bình luận.
Vấn đề đổi mới chương trình - SGK do Bộ GD&ĐT chuẩn bị cũng khiến chúng ta liên tưởng tới việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chuẩn bị cho Asiad 18, đều đưa ra những số tiền giật mình và cách chuẩn bị sơ sài khiến dư luận băn khoăn về trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ này?
Tôi cho rằng các bộ trên chưa chuẩn bị chu đáo cho những việc rất hệ trọng.
Bản thân tôi luôn phản đối những số liệu theo kiểu ước tính. Vì dư luận khó chấp nhận, từ đó việc thực hiện các quyết sách thiếu thuyết phục, khó thành công.
Đổi mới chương trình – SGK là việc hệ trọng của quốc gia, vì vậy việc đầu tiên phải tìm hiểu yêu cầu tối thiểu ra sao, thực hiện trong bao lâu. Nhưng Bộ GD&ĐT hiểu chưa đúng tầm mức vấn đề, gây ra những sơ suất, thiếu sót. Tôi cho rằng người đứng đầu ngành GD&ĐT cần rút kinh nghiệm.
Xin cảm ơn ông!
Theo PGS.TS Lê Văn Học, việc đổi mới giáo dục đào tạo cũng được đặt ra từ lâu. Đặc biệt sau Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, Chính phủ phải có chương trình hành động để thực hiện nghị quyết đó, nhưng hiện nay vẫn chưa có.
“Thực tế, Bộ GD&ĐT có thời gian rất dài để hoàn thành yêu cầu về hồ sơ của đề án, nhưng tôi thấy những người thực hiện không nắm được yêu cầu nên không chuẩn bị đúng và đủ, không đạt yêu cầu tối thiểu để thông qua. Vì vậy tháng 4/2014 mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban VHGD để góp ý là quá chậm trễ, thiếu nghiêm túc”- PGS.TS Lê Văn Học nói.