Chỗ ngồi của bà cũng liên tục phải thay đổi theo vị trí của mặt trời. Lúc 10h sáng, bà ngồi dưới hiên phòng trọ hàng xóm. Gần 12h trưa, bà cùng vài phụ nữ trong xóm kéo nhau ngồi ở giữa hai dãy trọ hút gió.
"Cũng chỉ được tí thôi. Lát nữa mấy ông bán hoa quả đi chợ về kéo nhau ra đây mắc võng ngủ, mình phải đi chỗ khác", người phụ nữ ngũ tuần vừa nói vừa cầm quạt giấy xua lũ ruồi bâu quanh.
Trong 20 phút trò chuyện, bà kéo khăn trên cổ lau mồ hôi 4 lượt, hai cánh tay nổi mẩn đỏ vì nhiệt.
Bà Lĩnh ngồi mé hiên hàng xóm lúc 11h trưa ngày 18/6 trong ngụ cư dưới chân cầu Long Biên. Nhà của bà là căn quây tôn bên phải. Ảnh: Phan Dương. |
Cách đó vài bước chân, căn phòng của cả nhà bà Lĩnh cũng như cái lò bát quái. Thằng Cò (12 tuổi), cầm chai nước phun ướt tấm chăn mỏng căng trên giường với hy vọng giải tỏa được luồng hơi nóng từ mái nhà phả xuống. Dì nó nằm bên cạnh lăn qua lăn lại, còn hai em của nó lăn từ gác xép xuống giường, chốc chốc chạy ra chỗ bà ngoại.
Căn phòng trọ này giống như hàng chục phòng khác trong cái "xóm ổ chuột". Tất cả đều khép kín với diện tích chừng 8 m2, quây tôn và ván, giá thuê hơn một triệu đồng.
"Năm nay mát hơn nhiều rồi", bà Lĩnh khẳng định chắc nịch và "hé lộ" bí quyết: Ngoài cách phun nước lên chăn, mái nhà lợp fibro xi măng còn được phủ hai lớp ruột chăn bông để cách nhiệt. Tiếc nhất là mái fibro nên không được phun nước cho mát giống như các nhà lợp tôn.
Có lẽ bà Lĩnh đang tự thuyết phục mình. Theo Trung tâm dự báo khí tượng - thuỷ văn quốc gia, mùa hè năm 2021 sẽ có nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Mức nhiệt tháng 6 năm nay cao hơn các năm trước. Nghe thông tin đó xong, bà chỉ biết im lặng.
Một người bán hoa quả ở xóm trọ sau chợ Long Biên phun nước lên tấm chăn trên mái để có thể ngủ vài tiếng buổi trưa. Anh cho biết ngày phun hai lần trưa và tối. Ảnh: Phan Dương. |
40 phòng trọ trong xóm ổ chuột này là nơi ngụ cư của nhiều lao động, từ người kéo xe, bán hàng rong, bán nước, đến cửu vạn và nhặt đồng nát... Do tác động kép của COVID-19 và nắng nóng nên nhiều người đã bỏ về quê. Số còn lại sống trong cảnh lay lắt.
"Nhóm này là những cụ già cơ nhỡ hay các gia đình xa quê lâu năm, mất gốc", ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Phúc Xá, cho hay.
Nhà bà Lĩnh không có quê để về. Trước khi lên bờ 3 năm trước, gia đình bà sống trên xóm thuyền bè thuộc bãi giữa sông Hồng. Khi lên bờ, nhà bà cũng như 12 hộ khác, được đăng ký tạm trú, có điều kiện sống tốt hơn, song đồng nghĩa có thêm nỗi lo nhà trọ. Gia đình 3 thế hệ chỉ có thể thuê một phòng. Bà Lĩnh làm cửu vạn ở chợ đêm Long Biên, còn con gái bán hàng thuê ở chợ Đồng Xuân, gồng gánh nuôi cả gia đình. Đợt dịch lần thứ 4, kéo dài từ đầu tháng 5 tới nay khiến chợ ế ẩm, bà không có việc để làm. Ngày qua ngày ngồi đến "mốc".
Không chịu được cái nóng, một "đồng nghiệp" của bà Lĩnh đã di cư tới nhà người quen để "hưởng ké tí điều hòa". Cụ bà Nguyễn Thị Khái, 80 tuổi, một người nhặt đồng nát trong xóm, cứ trưa lại ra chợ Long Biên "tạm trú" ở khu hoa quả đông lạnh. Một trong ba đứa cháu của bà Lĩnh thi thoảng lại sang nhà mẹ nuôi "lánh nạn".
Cách nhà bà Lĩnh vài bước, Mai, 18 tuổi, nằm trên chiếc giường ngập quần áo, cùng đứa con 11 tháng tuổi và em trai. Chỉ nằm một chỗ mà mặt ai nấy lấm tấm mồ hôi. Chiếc quạt bám đầy bụi bẩn vẫn quay khó nhọc. Chậu quần áo trong toilet tạm bợ bốc mùi khai nồng nặc. Trớ trêu, Mai đang mang bầu một đứa con khác được 5 tháng. Một bà bầu, hai đứa nhỏ đều trông chờ vào lao động duy nhất, là mẹ Mai, làm nghề bán trà đá trên cầu Long Biên.
Khi được hỏi có cách nào để chống nóng, Mai bảo "cứ kệ thôi". "Trước em sống ở Phúc Tân cũng nóng thế này. Năm ngoái biết em mang bầu họ không cho ở nữa", con bé nói. Vài hôm nữa Mai sẽ bước vào cột mốc hệ trọng trong đời - thi tốt nghiệp. Dù không có thời gian xem qua sách vở vì bận trông con, con bé nói chắc chắn sẽ đi thi.
Giữa trưa, ông tổ trưởng Nguyễn Văn Bình len qua tấm vải bạt lùng thùng để vào một căn nhà trọ. Vừa chạm tay phải thùng tôn, ông rụt vội vì bỏng rát. "Trưa mấy đứa ăn gì?", ông hỏi. "Chúng cháu pha mỳ", Mai trả lời. "Thế thằng nhỏ ăn gì?". "Nó uống sữa ạ"...
Trước lúc ra về, ông Bình hứa lúc nào có đoàn từ thiện sẽ xin cho con Mai một hộp sữa. Từ đầu mùa nóng tới nay, đã có 3 đợt hỗ trợ của chính quyền địa phương và một tổ chức từ thiện đến với "xóm ổ chuột". Đợt đầu có 35 suất quà cho 35 hộ từ Trung ương Đoàn thanh niên. Đợt sau một cụ bà 101 tuổi được chính quyền tặng hơn một triệu đồng. Gần nhất có một đoàn thiện nguyện tặng quà cho 5 cụ làm nghề đồng nát trong xóm.
Người lao động chợp mắt trưa 19/6 dưới gầm cầu vượt, trong cái nắng nóng gay gắt trên 40 độ C. Ảnh: Phan Dương. |
Những ngày nắng nóng cao điểm, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo không nên làm việc hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời lâu trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Nhưng những người xe ôm, bán hàng rong hay làm thuê không có lựa chọn khác.
Trưa 19/6, tại chân cầu vượt Mai Dịch - nơi "đóng quân" của chợ lao động tự do - một số người thiếp đi trên tấm bao bì hay yên xe. Quá 12h, một tốp người vừa kết thúc ca đổ bê tông trên phố Đội Cấn, ghé vào ngồi chia tiền công. Nhận tiền xong, ông Nguyễn Văn Hoan ngồi phịch xuống, tay cầm theo chiếc bánh mỳ ruốc 5.000 đồng và một chai nước. "Ăn để chống đói, chứ nắng nóng này không thiết ăn gì cả", ông nói. "Mình làm tự do nên mệt lúc nào có thể nghỉ lúc đấy. Nắng thì chấp nhận làm ít hơn, thu nhập thấp hơn", người đàn ông 58 tuổi, nói.
Một số người, không chủ động được như ông Hoan. Khu vực bùng binh đường Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy) là nơi làm việc chị Hương, một người bán hoa quả; anh Trọng, bán hàng rong và chị Vân, một nhân viên vệ sinh. Ba người đều có điểm chung là đang "teo tóp" vì cái nóng.
Thay vì bắt đầu công việc lúc 5h sáng, những ngày qua chị Vân đặt những nhát chổi đầu tiên từ 4h. Để làm vào giờ này, chị phải dậy trước đó một tiếng, chạy xe từ Đông Anh sang. "Làm sớm hơn không đồng nghĩa được về nhà sớm mà chỉ được nghỉ sớm hơn, trong lúc chờ xe thu gom rác đến", người phụ nữ mỗi ca làm thu gom và đẩy 20 xe rác, cho biết.
Chị Vân ra về giữa trưa nắng. Còn chị Hương vẫn ở lại lim dim dưới tán cây bàng Đài Loan, vốn dĩ quá bé để cho một bóng râm. Cứ mươi phút, chị phải đứng lên phun một lượt nước. "Hoa quả còn được tắm, chứ mình thì không được nghỉ", người phụ nữ quê Hải Dương, nói.
Cách đó vài chục mét, anh Nguyễn Văn Trọng mắc võng nằm dưới tán cây phượng bên lề đường. Mấy hôm nay từ 11h đến 15h không có khách, nên anh vứt xe hàng đó để đi kiếm chỗ ăn hay đặt lưng. Theo nghề này nhiều năm, anh cho biết chưa năm nào chán như năm nay. "Tất cả người tôi quen biết quanh đây đều kiệt quệ hết cả", ông bố hai con, với thu nhập giảm từ 10 xuống chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, chia sẻ.