Người dân vẫn bị gây khó khi Nhà nước bồi thường

Người dân vẫn bị gây khó khi Nhà nước bồi thường
Ông Trần Việt Hưng. TP - “Có 19 bộ, ngành và 37 địa phương chưa xảy ra vụ việc bồi thường nào, nhưng không có nghĩa là không có. Có thể nhiều người dân chưa biết để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Mặt khác, một số lãnh đạo vẫn có suy nghĩ cơ quan mình phải bồi thường là ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm cá nhân”.

> Ngăn chặn việc né trách nhiệm bồi thường
> Nguy cơ tội phạm lọt lưới vì cán bộ sợ bồi thường oan, sai

Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), nói như trên, khi trao đổi với Tiền Phong về công tác bồi thường của Nhà nước thời gian qua.

Đề nghị bỏ những quy định gây khó dân

Thưa ông, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã ra đời cách đây 3 năm, nhưng vì sao người bị thiệt hại vẫn gặp khó khăn khi thực hiện quyền yêu cầu bồi thường?

Nhìn vào kết quả giải quyết bồi thường ở cả 3 hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án cho thấy bước đầu quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại đã được thực hiện. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công vụ.

Còn vì sao người bị thiệt hại vẫn gặp khó khăn? Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tôi thấy nổi lên là vấn đề căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Cụ thể, Điều 6 của Luật quy định việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật. Việc quy định như vậy đã đặt thêm điều kiện cho người bị thiệt hại so với quy định của Bộ luật Dân sự.

Cho rằng bị Công an Cầu Giấy, Hà Nội ra quyết định xử phạt sai, anh Đỗ Đức Đông (đứng phía trong) khởi kiện, yêu cầu bồi thường
Cho rằng bị Công an Cầu Giấy, Hà Nội ra quyết định xử phạt sai, anh Đỗ Đức Đông (đứng phía trong) khởi kiện, yêu cầu bồi thường.

Vậy theo ông, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, có nên bỏ quy định tại Điều 6 của Luật?

Tôi cho rằng, về lâu dài cần sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng bỏ quy định này. Có thể sửa quy định theo hướng gộp quy trình xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và quy trình giải quyết bồi thường là một.

Theo đó, khi có căn cứ bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, người bị thiệt hại chỉ cần đề nghị cơ quan quản lý công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại bồi thường. Phía cơ quan giải quyết sẽ thực hiện đồng thời 2 thủ tục trên để bảo đảm tính liên tục và giảm thủ tục phải thực hiện cho dân.

Để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong khi chưa thể sửa đổi, bổ sung Luật, chúng tôi đang xây dựng thêm 4 thông tư nữa liên quan đến công tác bồi thường, dự kiến trong năm 2013 sẽ hoàn thành. Những vướng mắc, bất cập như về thủ tục, thời hạn, thời hiệu… sẽ dần được tháo gỡ .

Công chức vi phạm hoàn trả ít

Ý kiến của ông ra sao khi quy định của Luật về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, mức hoàn trả trong nhiều trường hợp còn thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước phải chi trả bồi thường?

 Anh đã có hành vi sai trái gây ra hậu quả thì phải hoàn trả tương xứng. Nhà nước không thể cứ mãi bỏ tiền ra để bồi thường khi anh thực hiện hành vi sai trái.

Ông Trần Việt Hưng

Hiện mới có 11 vụ việc cán bộ, công chức vi phạm có trách nhiệm hoàn trả, trong khi đó Nhà nước đã giải quyết bồi thường cho 137 vụ việc với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng. Ở đây có cái khó là xác định lỗi cố ý hay vô ý theo Điều 608 Bộ luật Dân sự.

Cái khó thứ hai là vì cùng là công chức với nhau, mối quan hệ nhân viên - thủ trưởng dẫn tới nể nang, có khi là lỗi cố ý nhưng lại đưa vào lỗi vô ý để hoàn trả ít đi. Đúng là quy định về mức hoàn trả và trách nhiệm hoàn trả quá thấp, nên chưa bảo đảm tính răn đe.

Được biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng một thông tư liên quan đến trách nhiệm hoàn trả. Ông có thể cho biết thông tư sẽ được xây dựng theo hướng nào để khắc phục hạn chế trên?

Theo kế hoạch, trong năm 2013 Bộ Tư pháp sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ. Thông tư sẽ được xây dựng theo hướng xác định các căn cứ cụ thể để xác định mức độ lỗi và mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ. Đồng thời, quy định chế tài xử lý người thi hành công vụ cụ thể cho từng trường hợp. Về lâu dài, sẽ kiến nghị sửa đổi Luật theo hướng tăng mức hoàn trả cho cả 2 trường hợp lỗi vô ý và lỗi cố ý.

Tôi nghĩ nếu Thông tư liên tịch này được ban hành thì sẽ làm tốt hơn công tác hoàn trả và xử lý cán bộ. Anh đã có hành vi sai trái gây ra hậu quả thì phải hoàn trả tương xứng. Nhà nước không thể cứ mãi bỏ tiền ra để bồi thường khi anh thực hiện hành vi sai trái.

Cảm ơn ông!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.