Tối 5/7, hàng chục người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã dỡ bỏ lều bạt, chướng ngại vật ngăn xe rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Như vậy Hà Nội đã tạm qua nỗi lo ngập rác trong vài ngày tới.
Đây là động thái sau khi UBND thành phố Hà Nội chính thức có văn bản thay đổi một số chính sách cho người dân tái định cư. Ông Vũ Tiến Lực, Trưởng thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn) cho biết, chính sách mới là phù hợp với nguyện vọng của người dân. Ông Lực cũng bày tỏ mong mỏi sớm nhận hỗ trợ để di dời.
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, với tình trạng rác thải đã bị tắc 4 ngày nay không đưa được về bãi rác Nam Sơn thì phải cần khoảng 3-5 ngày để Công ty có thể thu gom hết số rác thải tồn đọng của những ngày qua để đưa về Khu xử lý rác thải Nam Sơn.
Tuy nhiên, sau mỗi lần Hà Nội ngập rác là một lần câu hỏi về năng lực xử lý rác thải của Thủ đô lại được đặt ra. Ngay cả bãi rác Nam Sơn cũng sẽ hết năng lực chôn lấp rác vào năm 2020. Trong khi đó, cả 4 dự án xử lý rác thải đều triển khai rất chậm chạp.
Cụ thể, ngoài dự án xây dựng nhà máy xử lý rác (1.500 tấn/ngày-đêm), có phát điện tại Khu Xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ), thành phố đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư, thì đến nay mới có Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất 4.000 tấn rác/ngày-đêm, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất 75MW) dự kiến khởi công trong tháng 5-2019, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong 18 tháng; thì tiến độ thực hiện 2 dự án tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (dự án xử lý rác thải thu hồi điện, công suất 1.000 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 15,5MW; dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn rác/ngày-đêm, phát điện 12MW), thực hiện rất chậm.
Ngoài nguyên nhân chủ đầu tư chưa lập xong thiết kế kỹ thuật; việc chậm triển khai còn do “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các bộ, ngành, trung ương.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư (đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư) báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án, hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất, trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất. Sở Công Thương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư báo cáo các thủ tục có liên quan đến quy hoạch phát triển lên lưới điện quốc gia, trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch lưới điện theo quy định...
Sớm giải quyết dứt điểm 'điểm nóng' Nam Sơn
Sáng 5/7, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp, nghe UBND huyện Sóc Sơn và các sở, ngành báo cáo việc tháo gỡ tình trạng người dân chặn xe chở rác vào khu xử lý rác thải Nam Sơn.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo: Với chính sách bồi thường, hỗ trợ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, ngoài việc bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2. Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với các trường hợp đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400m2 trở lên, UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Khi tiến hành chi trả tiền, thực hiện trả ngay cho các hộ có diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ. Phần diện tích đất vượt hạn mức, Thanh tra thành phố Hà Nội chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây. Nếu việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định, thì chi trả nốt. Nếu việc cấp giấy chứng nhận không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc...
Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Từ nay đến cuối năm 2019 phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để các hộ dân biết và chấp hành, không tiếp tục có các hành vị trái phép chặn xe vận chuyển rác.
“Trường hợp đã tuyên truyền vận động nhưng các hộ vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Công an thành phố để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện”, văn bản nêu. Thành phố cũng giao Công an thành phố chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn và phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng hỗ trợ, bảo vệ để thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trường Phong