Hà Nội 'ngập' rác, Chủ tịch huyện đối thoại với dân lúc nửa đêm

Xe rác xếp hàng trên phố phường Hà Nội những ngày qua
Xe rác xếp hàng trên phố phường Hà Nội những ngày qua
TP - Gần 1h sáng ngày 5/7, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đến khu lán chặn xe rác gặp người dân để đối thoại nhưng họ vẫn kiên quyết chặn xe rác ra vào bãi rác Nam Sơn. Trong khi đó, Hà Nội đang “vật lộn” để xử lý rác thải tồn đọng tại các quận trung tâm.

Trưa 5/7, người dân xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) vẫn tiếp tục dựng lều bạt, lập gác chắn không cho xe chở rác ra vào bãi rác Nam Sơn.

Đây đã là ngày thứ 5 liên tiếp người dân chặn xe rác để yêu cầu chính quyền sớm đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thích đáng cho người dân bị ảnh hưởng bởi Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác
Nam Sơn).

Theo người dân, 1h sáng ngày 5/7, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh bất ngờ đến khu lều lán chặn xe để đối thoại với người dân. Ông Minh thông tin về mức giá đền bù mới đã được cấp lãnh đạo đồng ý và sớm có văn bản về mức đền bù này, đồng thời ông Minh cũng bày tỏ mong muốn người dân có thể ngay lập tức tháo lán trại, ra về để cho xe rác đi qua.

Cụ thể, mức giá đền bù cho đất thổ cư thu hồi của dân sẽ vẫn giữ nguyên mức 863.000 đồng/m2
(mức này áp dụng đối với người đăng ký mua nhà ở tái định cư). Nếu hộ dân không đăng ký mua nhà ở tái định cư mức đền bù sẽ được cộng thêm 1.900.000 đồng/m2 đất. Các hộ tự tìm chỗ ở mới.

Dù vậy, một số người dân dựng lều chặn xe rác cho biết, họ không thể đại diện cho toàn bộ người dân trong vùng ảnh hưởng nên không quyết được nên đề nghị huyện có văn bản rõ ràng về việc này rồi sẽ cho xe rác vào bãi.

 “Gồng mình” chống rác

Hà Nội 'ngập' rác, Chủ tịch huyện đối thoại với dân lúc nửa đêm ảnh 1

Trong khi đó, tại các khu vực nội thành, lượng rác mỗi ngày tăng lên chóng mặt, các đơn vị thu gom rác phải tăng 100% quân số để xử lý rác. Hình ảnh các xe rác phủ bạt, xếp hàng dài có thể thấy tại con ngõ nhỏ đầu đường Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy), hay các bãi rác  Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), Lê Trọng Tấn, cầu Đen 

(Hà Đông)…

Đáng chú ý, tại khu đất hoang thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Yên Hòa) xuất hiện bãi rác lớn. Hằng ngày, rất nhiều xe thu gom rác của Cty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, thân xe in dòng chữ: “Xe phục vụ vệ sinh môi trường Cầu Giấy”  chở rác liên tục vào đây tập kết. Mùi hôi thối do rác thải tập kết nhiều ngày tại đây khiến khu dân cư xung quanh vô cùng
bức xúc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết thêm, đây là phương án tạm thời để xử lý tình huống bất khả kháng. Cụ thể, do bãi rác Nam Sơn bị chặn đường, nên quận chỉ đạo tạm đưa ô đất D30 (ô đất chưa có đầu tư xây dựng) để tập kết tạm. Ngoài ra, từ đêm 3/7, quận đã chỉ đạo san tải bãi rác này tránh ảnh hưởng đến khu dân cư. Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, để có thể xử lý tình huống xảy ra tại bãi rác Nam Sơn, quận yêu cầu mỗi phường trên địa bàn phải có bãi đất trống để tập kết. Yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, che chắn rác kỹ càng, rắc vôi bột… trong thời gian chờ đưa đi xử lý.

Theo đại diện một đơn vị thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm thì mỗi ngày quận phát sinh khoảng 300 tấn rác. Từ khi bãi rác bị chặn, đơn vị này đã phân luồng rác lên bãi rác Xuân Sơn. Tuy nhiên, bãi rác này chỉ cho phép 265 tấn/ngày nên không tránh khỏi việc tồn đọng rác. “Chúng tôi đã phủ bạt che chắn, rắc vôi bột xung quanh để đảm bảo vệ sinh cho khu vực”, vị này cho hay.

Để đảm bảo xử lý đưa rác khỏi nội đô, Sở Xây dựng Hà Nội đã có phương án phân luồng và lưu trữ rác tạm thời tại các địa bàn để vận chuyển về bãi rác Nam Sơn. Cụ thể, rác tại 4 quận nội thành gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa do Cty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đảm nhận vận chuyển, tập kết tạm thời tại điểm trung chuyển Cầu Diễn, Lâm Du.

Các quận Hà Đông (455 tấn/ngày), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày), Tây Hồ (197 tấn/ngày), Hoàng Mai (453 tấn/ngày), Cầu Giấy (320 tấn/ngày) phân luồng về chôn lấp tại bãi rác Xuân Sơn theo các khung giờ khác nhau.

Riêng đối với các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường lưu chứa tại các điểm tập kết tại
địa phương.

Lãnh đạo Cty Urenco cho biết, nếu tình trạng bãi rác tiếp tục bị “phong tỏa” thì đơn vị cũng chỉ còn năng lực tiếp nhận, xử lý rác trong 5 ngày.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.