Người dân Quảng Ngãi ồ ạt xây nhà dưới vực sâu chờ đền bù

Những ngôi nhà trở nên nhỏ bé bên bờ vực sâu hút. Ảnh: Thạch Thảo.
Những ngôi nhà trở nên nhỏ bé bên bờ vực sâu hút. Ảnh: Thạch Thảo.
Đón đầu dự án thủy điện, người dân huyện miền núi Sơn Tây chở gỗ, vật liệu xuống vực sâu dựng hàng chục ngôi nhà chờ đền bù.

Khu dân cư Nước Cà Bông, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây nằm trên đỉnh núi bên dòng sông Đăk Sê Lo. Từ đây phóng tầm mắt xuống lòng sông, những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi trở nhỏ bé bên bờ vực sâu hút.

Một cán bộ đứng chỉ tay về hướng Đông và nói đó là nhà dân xây để đón đền bù thủy điện Sơn Trà 1C, nhưng chính ông cũng không biết xuống đó bằng cách nào.

Không có đường chính vào, lại nằm bên dòng sông luôn chực chảy xiết khi mưa nguồn đổ xuống, nhà xây xong đều bỏ hoang.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án thủy điện Sơn Trà 1C có công suất 9MW, tổng đầu tư 317,6 tỷ đồng do Công ty Cổ phần 304 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Dự kiến, dự án triển khai trên 71 ha ở sông Đăk Sê Lo thuộc khu vực giáp ranh xã Sơn Lập - Sơn Tinh (huyện Sơn Tây) và xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà).

Người dân Quảng Ngãi ồ ạt xây nhà dưới vực sâu chờ đền bù ảnh 1

Một ngôi nhà cấp bốn, hai gian được xây bằng gạch, xi măng. Ảnh: Thạch Thảo.

Hồi đầu tháng 3, Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã thống nhất đề xuất của nhà đầu tư, kiến nghị Bộ Công thương phê duyệt bổ sụng các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc.

Chỉ hơn hai tháng sau, nhà cửa, chuồng trại, ao cá... bất ngờ xuất hiện như nấm sau mưa trên chiều dài khoảng 3 km dọc sông Đăk Sê Lo.

Phía Tây đỉnh núi, con đường xuống bãi cát bên sông lởm chởm đá. Cán bộ xã cho biết người dân phải vượt qua con đường này để chuyển gỗ, vật liệu xuống.

Trên bãi cát, những ngôi nhà dựng tạm với nền đất, vách lồ ô và mái tôn. Một số là nhà sàn kiên cố, rường cột bằng gỗ keo, bạch đàn, sàn nhà bằng tre, vách bằng gỗ, lợp mái tôn, diện tích khoảng 50-70 m2. Được xây trên nền đất yếu, những ngôi nhà này có nguy cơ sạt lở cao.

Cá biệt, ngôi nhà xây bằng gạch, bêtông, lợp tôn mới được hoàn thành hai gian, bốn cửa, diện tích khoảng 60 m2. Người dân cho biết, trị giá ngôi nhà khoảng 80 triệu đồng, vì đường xuống núi gập ghềnh nên chi phí vận chuyển cao.

"Thấy một lãnh đạo xã mới về hưu làm đến năm cái nhà thì chúng tôi cũng đua nhau làm thôi. Trước đây ở huyện cũng có dự án thủy điện, nhiều nhà được đền bù khủng", một người dân lý giải.

Người dân Quảng Ngãi ồ ạt xây nhà dưới vực sâu chờ đền bù ảnh 2

Một số nhà sàn được xây kiên cố với gỗ bạch đàn, tre lồ ô và mái tôn. Ảnh: Thạch Thảo.

Trước tình trạng này, cuối tháng 8, UBND huyện Sơn Tây chỉ đạo xã Sơn Tinh và Sơn Lập lập hai đoàn kiểm tra. Báo cáo của các xã cho biết, có 33 nhà ở và 7 chuồng trại đã và đang thi công. Trong đó có 27 nhà và 4 chuồng trại mới. 

Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, tuyên truyền cho người dân không xây nhà trái pháp luật, vì đây là đất canh tác, không phải đất ở. "Về trực quan, việc xây nhà như vậy là không thể chấp nhận được", ông nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng cho hay, hiện tỉnh mới cho nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án thủy điện Sơn Trà 1C, chưa có văn bản chính thức nào cho phép nên chưa thể xác định khu vực nằm trong dự án.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Sơn Tinh và Sơn Lập đều cho rằng việc này khó xử lý. "Trước đây vẫn có một số hộ dân làm nhà ở, chuồng trại chăn nuôi", ông Đinh Văn Hòa - Phó chủ tịch xã Sơn Tinh cho biết trong báo cáo.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch xã Sơn Lập nói: "Hiện thủy điện vẫn chưa được phê duyệt. Chừng nào có bản đồ quy hoạch thì mình dễ nói bà con chứ bây giờ mình cấm dân cũng căng quá". Ông cho biết thêm, các đoàn kiểm tra đến thường không có người ở nhà nên khó xác định chủ nhà.

Sau chỉ đạo của huyện, khi các đoàn kiểm tra đã về, người dân vẫn tiếp tục xây nhà mới bên sông Đăk Sê Lo. Những ngôi nhà nối nhau chen chúc, nhưng không có ai ở, vì chỉ để nuôi... "mộng đền bù".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.