Con gái người gác đèn biển
Ðến thị trấn biển Cửa Tùng, nơi cuối dòng Hiền Lương-Bến Hải, ngang cổng chợ Gio hỏi quán bún o Hoa ngon nức tiếng ai cũng tường, nhưng hỏi chị Phan Thị Hoa, con cụ Ðồng “nhân vật làm nên Câu hò bên bờ Hiền Lương” thì rất nhiều người lắc đầu “nỏ biết”. Thế rồi tôi cũng gặp được vợ chồng chị Hoa, anh Hồng trong nếp nhà ngói cấp bốn giữa vườn hồ tiêu sum suê hoa trái ở khóm Hòa Lý. Cô con gái của người gác đèn biển năm xưa giờ đã sáu mươi. Trước nhà chị là Trạm đèn biển Cửa Tùng, nơi đây thời đánh Mỹ, cha chị - cụ Phan Ðồng đứng chân gác đèn ngót hai mươi năm. Dòng ký ức một thuở về người cha già yêu dấu bất chợt chảy về trong câu chuyện của chị...
Sau khi có được hai con trai, cuối năm 1954, ông Ðồng, người thôn 9 xã Gio Hải, nay là xã Trung Giang huyện Gio Linh, tạm biệt vợ con tập kết ra Bắc. Ngày ông lên đường cũng là lúc vợ mang bầu đứa thứ ba. Tiếng ra Bắc tập kết nghe ngái xa thăm thẳm vậy mà chỗ ông đứng chân ở Trạm đèn biển Cửa Tùng-Vĩnh Linh, ngay vị trí trạm đèn biển bây giờ, cách bờ Nam làng cát quê ông chỉ một lần ới gọi đò. Cuối năm sau, ông bí mật về làng và chỉ kịp nhìn cô con gái tên Hoa vừa mới oa oa chào đời trong căn hầm bí mật, rồi vội vàng hôn vợ con tất tưởi quay lại bờ Bắc. Ngỡ vợ chồng con cái xa nhau vài tháng vài năm là cùng, ai dè dằng dặc những hai mốt năm. Ngày ra đi ông đúng tuổi 40. Ngày ông trở về đã là 61.
Chị Hoa bảo, ngày còn sống cha chị thường hay nhắc về “cái duyên để đời” gặp nhạc sĩ quê gốc An Giang trong Nam bộ nhưng làm việc ngoài Hà Nội vô ở Cửa Tùng mùa hè 1956. Ấy là Hoàng Hiệp. Cha kể với chị, sau ngày thống nhất đất nước, Hoàng Hiệp tìm về Cửa Tùng gặp lại Phan Ðồng. Kỷ niệm của nhạc sĩ với nguyên mẫu tình ca Câu hò bên bờ Hiền Lương cứ cuồn cuộn chảy… Lúc đi thực tế ở tuyến lửa đất thép Vĩnh Linh, mỗi lần tới thăm cây cầu giới tuyến Hiền Lương, dõi về bờ Nam nhạc sĩ Hoàng Hiệp lại lặng người da diết nhớ quê hương. Rồi mấy hôm liền lần ra phía biển Cửa Tùng, mắt nhạc sĩ luôn chạm phải một người đàn ông chiều chiều trèo lên đỉnh ngọn hải đăng nhìn về bờ Nam. Hỏi chuyện mới hay anh là Phan Ðồng nhân viên Trạm đèn biển Cửa Tùng. Anh Ðồng là vệ quốc quân Trung đoàn 95, quê áp bờ Nam vĩ tuyến 17, tập kết ra Bắc hai năm trước.
Ngày ra đi, anh hẹn vợ con hai năm sau sẽ về. Nhưng rồi Mỹ-Diệm phá vỡ Hiệp định Geneva. Mỗi chiều đứng ven bờ Hiền Lương, nỗi nhớ vợ con, nhớ làng cát bên bờ Nam càng cồn cào da diết trong anh. Rồi một chiều, nơi bờ Nam phía làng cát quê anh, bom đạn lửa trời ngùn ngụt. Anh khóc nức nở… Vậy là bài hát mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp hằng ôm ấp bấy nay được khởi nguồn từ buổi chiều gặp Phan Ðồng ngày đó.
Ca từ chan chứa tình yêu đôi lứa, nặng tình nước non, rung lên nỗi nhớ nhung da diết mượt mà Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê (...) Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai, nơi miền quê xa vắng , em có nghe thấu chăng lòng anh, tình này ta xây đắp nên thuỷ chung, không bao giờ phai!
Vợ chồng chị Hoa kể chuyện cha mình Phan Ðồng (ảnh nhỏ), nguyên mẫu của tình ca Câu hò bên bờ Hiền Lương. ẢNH: H.T.
Chuyện của nguyên mẫu
Chị Hoa bảo, bản tình ca nổi tiếng Câu hò bên bờ Hiền Lương vừa ra đời đã gặp chút trục trặc. Ấy là lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp trở lại Quảng Trị, đã kể với cha chị rằng: “Này anh Phan Ðồng, bài hát lúc mới chào đời không ít người “chụp mũ” là nhạc vàng ủy mị, đề nghị không cho phổ biến đó. Họ nói chiến tranh thế này mà nghe bài hát buồn quá... Song rất may, đến khi Bác Hồ nghe, Bác thích, khen bài hát đó chứa chan tình cảm nên nó được sống. Bởi câu chuyện của bài hát không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương sông Bến Hải, chuyện của riêng mảnh đất vĩ tuyến 17 Quảng Trị, mà có sức khái quát sự ngăn cách của hàng triệu gia đình ở hai miền Bắc-Nam của một thời bi thương, hào hùng”.
… Song, vợ con của nguyên mẫu bản tình ca nức tiếng ấy thì không gặp may... Chị Hoa kể, bà Khổng Thị Nậy mẹ chị vừa sinh con nhưng rất can trường bí mật hoạt động cách mạng. Hằng ngày bà đóng vai người buôn cá lân la vào bán cho các đồn bốt lính giặc để nắm tình hình vị trí đồn trú cho bộ đội ta nã pháo trúng đích. Bà đã anh dũng hy sinh lúc đang ở cương vị Bí thư Ðảng ủy xã Gio Hải, Huyện ủy viên Gio Linh. Anh trai đầu chị Hoa là Phan Ðình An giữ chức Xã đội trưởng Gio Hải cũng là liệt sĩ. Anh trai kế Phan Ðình Trung cũng hy sinh. Trong gia đình ở ngôi làng cát trắng ven biển Quảng Trị ấy chỉ còn mỗi mình chị Hoa. Ở lại quê nhà, thay mẹ, thay anh, chị Hoa xung phong vào du kích đánh giặc bám đất giữ làng. Gần 20 năm chiến tranh chị Hoa không gặp được cha. Nỗi nhớ về cha khiến chị thêm cồn cào gan ruột. Cuối năm 1972, cha chị tình cờ biết được con gái mình đang có mặt ở xã Vĩnh Kim, bên bờ Bắc sông Hiền Lương-Bến Hải, để nhận thêm quân về bờ Nam chiến đấu. Cha con gặp nhau, mừng tủi khóc cười sung sướng. Ðêm sau chị tạm biệt cha, trở về Nam.
Nước nhà thống nhất, năm 1976 chị cưới chồng. Anh Trần Huy Hồng, người cùng quê bờ Nam với chị. Biết hoàn cảnh của chị Hoa nên anh Hồng càng yêu thương vợ. Anh chị bàn nhau sang bờ Bắc mua nhà định cư ở thị trấn Cửa Tùng này để được gần gũi cha già mỗi ngày, để phần nào chia sẻ bù đắp những mất mát những tình cảm thiếu thốn chia ly bởi chiến tranh. Cha chị, cụ Phan Ðồng 58 tuổi Ðảng, 93 tuổi đời vào cõi thiên thu đận 2007.
Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (lời thơ Hoàng Hiệp-Ðằng Giao) ra đời vào cuối năm 1956, là điểm khởi đầu trong sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000 về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Ðông-Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.