Video: Dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu chậm tiến độ do vướng đền bù, giải tỏa. |
Dự án trạm xử lý nước thải Liên Chiểu nằm cuối KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu,) khởi công từ tháng 6/2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án mới cơ bản hoàn thành khối nhà điều hành và một số hạng mục. Dự án có dự toán đầu tư hơn 230 tỷ đồng, chậm tiến độ do vướng công tác đền bù giải tỏa. |
Nước thải ở KCN Hòa Khánh dẫn về trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và các công trình phụ trợ có công suất 20.000m3/ngày đêm, xây dựng trên tổng diện tích 100.000m2. |
Dự án hiện còn 20 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, đa số các hộ dân tại đây làm nhà trên đất nông nghiệp, không phải là đất ở nên áp giá đền bù theo quy định nhà nước là quá thấp nên người dân chưa đồng thuận. |
Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho biết: Các phòng, ban và UBND quận đã có báo cáo gửi UBND TP, các sở, ngành tìm phương án giải quyết cho các hộ dân. Theo quy định của Luật đất đai hiện hành các hộ dân không có cơ sở xem xét giải quyết bố trí tái định cư. |
Một nhà dân trong vùng dự án đã nhận hỗ trợ, đền bù và di dời nhưng vẫn còn 20 hồ sơ chưa giải quyết xong. |
Một nhà dân nằm giữa dự án, xung quanh là các ngôi nhà đã được tháo dỡ, đập bỏ. Người dân vùng dự án đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị được nâng mức giá đền bù hỗ trợ, được bố trí chỗ ở để ổn định cuộc sống sau khi di dời. |
Việc triển khai dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp mà còn đưa người dân khu vực thoát khỏi cảnh chưa mưa đã ngập… Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch hoàn thành dự án đã kéo dài tới 5 năm vì vướng mắc trong giải tỏa, đền bù. |
Một nhà thờ nằm trong dự án vẫn chưa thể đền bù, di dời vì chưa đạt sự đồng thuận của người dân. |
Bà Trần Thị Gái (78 tuổi, một hộ dân sống tại đây) cho biết: Gia đình về đây ở từ lâu, nhà cửa không có tranh chấp. Mức áp giá đền bù theo đất nông nghiệp là quá thấp, người dân không đủ để mua đất, chứ đừng nói đến việc làm nhà, ổn định cuộc sống sau di dời. "Sống ở đây khổ lắm, ô nhiễm, ngập lụt liên tục. Người dân mong muốn thành phố có hỗ trợ thỏa đáng để người dân sớm di dời", bà Gái nói. |
Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Để giải quyết chính sách an sinh xã hội cho các hộ giải tỏa có chỗ ở, Thành ủy Đà Nẵng có Thông báo 341/KL-TU ngày 4/11/2022. Theo đó, đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở giai đoạn sau ngày 1/7/2004, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ các căn cứ pháp lý, cơ sở xác định thời điểm kết thúc tính từ sau ngày 1/7/2004 đến thời điểm nào. Trên cơ sở đó, rà soát, tính toán đầy đủ, chính xác số lượng các trường hợp cần giải quyết và nguồn lực đảm bảo, đặc biệt cần đánh giá tác động khi ban hành chính sách này, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến. |
Liên quan đến dự án, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho chủ trương thực hiện trong thời gian tới. |