Cảnh sát giao thông "được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện liên lạc... của cá nhân, tập thể" là một trong những nội dung của Thông tư 01/2016 do Bộ Công an ban hành sẽ có hiệu lực từ 15/2. Trước ngày quy định được áp dụng, một số người lo lắng sẽ xảy ra việc cảnh sát sẽ lạm quyền.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng điều này có thể bị kẻ mạo danh cảnh sát giao thông lợi dụng, trong khi người dân không biết phân biệt "người thật, người giả thế nào". "Nếu cảnh sát trưng dụng điện thoại của tôi thì việc bảo mật thông tin cá nhân của tôi thế nào, chưa kể còn có thể làm gián đoạn liên lạc gây ảnh hưởng công việc rồi lỡ các cơ hội khác của tôi... Quan trọng hơn cần có quy định rõ việc bồi thường, trách nhiệm của người sử dụng", anh Tuấn nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Tuyên (nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Hà Tĩnh) cho hay việc cảnh sát trưng dụng phương tiện của người dân (xe máy, ôtô) để truy đuổi tội phạm ở nhiều nước áp dụng từ lâu. Tuy nhiên việc "trưng dụng phương tiện liên lạc" như quy định của thông tư thì ông cho rằng đã xâm phạm bí mật cá nhân của người tham gia giao thông.
"Việc quản lý tài sản cá nhân bị trưng dụng, có người thực thi tốt nhưng cũng có người không, khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Tôi cho rằng xét về tổng thể và hiệu quả lâu dài thì cần thay đổi quy định này", vị cựu viện phó nêu quan điểm.
Trích dẫn điều 24 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, một luật sư cho rằng chỉ Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng giao thông - vận tải, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện và không được ủy quyền cho người khác. Tuy nhiên, luật cũng quy định chỉ áp dụng trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và chỉ áp dụng khi nhà nước đã áp dụng các biện pháp huy động khác mà vẫn không thể thực hiện được.
"Chiếu theo luật này thì trong điều kiện bình thường, các vị tư lệnh ngành trên cũng không thể áp dụng các biện pháp trưng dụng tài sản của người khác huống chi nói đến việc giao quyền cho cảnh sát giao thông", một luật sư phân tích.
Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp, Đà Nẵng) nhận xét: "Đây là quy định khó khả thi, bởi khi cảnh sát giao thông có quá nhiều quyền thì người dân càng bị ảnh hưởng".
Theo luật sư, thông tư cho phép cảnh sát được trưng dụng nhiều loại phương tiện nhưng lại không quy định "có cần được sự đồng ý của người bị trưng dụng hay không". "Giả sử bất ngờ tôi bị cảnh sát giao thông trưng dụng điện thoại có cài mật khẩu, trong tâm lý hoảng hốt làm sao tôi có thể đọc ngay. Và khi cảnh sát đang truy bắt tội phạm, dùng điện thoại của tôi thì liệu có nhớ mật khẩu vừa được nghe lúc trước hay không. Vì thế việc trưng dụng tài sản của dân là điều khó thực hiện và cũng không nên thực hiện", luật sư nêu quan điểm.
Ông cho rằng trong những trường hợp cấp bách, thiếu phương tiện hoặc xe bị hỏng, cảnh sát có thể trưng dụng của người dân, nhưng cũng phải tính đến chuyện chúng ta chưa thực hiện triệt để quy định về xe chính chủ. Nếu người bị trưng dụng sau đó lên công an nhận lại phương tiện nhưng không chứng minh được nguồn gốc cũng rất khó xử lý.
Người dân khi phát hiện cảnh sát lạm quyền khi trưng dụng có thể phản ánh về đường dây nóng của Cục CSGT. Ảnh minh họa: Bá Đô
"Trong trường hợp người dân bị trưng dụng quá nhiều phương tiện, hậu quả về pháp lý rất khó phân định. Cảnh sát giao thông sẽ rất dễ chứng minh rằng không có mục đích vụ lợi mà đang làm nhiệm vụ nên phần bất lợi tôi tin chắc sẽ nghiêng về người dân", ông nói.
"Tôi cho rằng nội dung thông tư chưa được chuẩn bị chu đáo cho sát với thực tiễn. Bây giờ chưa có hiệu lực, dừng lại vẫn còn kịp, cơ quan ra thông tư cần thẳng thắn lắng nghe để làm sao cho phù hợp với người dân", luật sư nêu quan điểm.
Trước lo lắng của nhiều người, trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Cục CSGT khẳng định, Thông tư trên ban hành dựa trên nội dung của nhiều luật, nghị định, pháp lệnh đã có hiệu lực. Quy định trưng dụng phương tiện được căn cứ khoản 15, điều 15 Luật Công an nhân dân sửa đổi năm 2014.
"Công an, cảnh sát nói chung có quyền được huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra", vị lãnh đạo viện dẫn quy định của điều luật.
Về việc khi trao quyền này cho cảnh sát giao thông có thể dẫn đến lạm quyền, gây thiệt hại tài sản cho người dân, lãnh đạo Cục CSGT cho rằng pháp luật đã có nhiều quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của người làm nhiệm vụ. "Nếu lạm dụng, cảnh sát sẽ bị xử lý nghiêm. Người dân phát hiện cảnh sát lạm dụng có thể ghi nhận rồi phản ảnh qua đường dây nóng của Cục", lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh.
Nhà chức trách khuyến cáo có thể nhận biết kẻ mạo danh qua việc cảnh sát khi làm nhiệm vụ, tuần tra phải có quyết định, thẻ ngành, thẻ đeo ngực, quân hàm và nhiều đặc điểm nhận biết khác.
Nếu người dân không đồng ý, cản trở cảnh sát trưng dụng phương tiện mà gây ra hậu quả, tùy theo mức độ có thể bị xử lý theo Nghị định 171 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông về hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ. Cảnh sát trưng dụng phương tiện sai quy định cũng bị xử lý, làm hư hỏng tài sản thì phải đền bù.