Hậu Giang:

Người dân lo hết xăng, tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng hóa thiếu cục bộ do tâm lý tiêu dùng của người dân. Nghe thông tin giá xăng dầu sắp tăng nên người dân lo sợ, tranh thủ mua xăng dầu để sử dụng và tích trữ, điều này làm cho cửa hàng xăng dầu thiếu hụt hàng cục bộ, không điều tiết kịp thời...

Chiều 12/10, Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã khảo sát nắm tình hình tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, tổng số có 45 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nhiên liệu, giảm 21 cửa hàng so với ngày 11/10. Trong đó, có 31 cửa hàng hết xăng dầu; 12 cửa hàng hết xăng, còn dầu và 2 cửa hàng hết dầu, còn xăng.

Người dân lo hết xăng, tăng giá ảnh 1

Rất đông người dân đổ xăng tại một cây xăng ở TP Vị Thanh, Hậu Giang.

Nguyên nhân hàng hóa thiếu cục bộ là do tâm lý tiêu dùng của người dân. Lo sợ, hoang mang khi nghe thông tin giá xăng dầu sắp tăng nên người dân tranh thủ mua để sử dụng và tích trữ, dẫn đến lượng người tập trung đổ về các cửa hàng xăng dầu đông hơn ngày bình thường; làm cho cửa hàng xăng dầu thiếu hụt hàng cục bộ, không điều tiết kịp thời, gây ra mất an ninh trật tự và an toàn phòng cháy chữa cháy.

Sở Công Thương Hậu Giang đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho các doanh nghiệp (DN) có lãi để duy trì hoạt động; đồng thời, chỉ đạo thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Cơ quan này cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của địa phương, Cục QLTT tỉnh, các sở ngành liên quan và địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về KDXD trong thời gian tới.

Người dân lo hết xăng, tăng giá ảnh 2

Tỉnh Hậu Giang hiện có tổng số 233 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 7 thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn.

Tại Hậu Giang, hiện có 6 thương nhân phân phối đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống. Đối với các đơn vị này, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho viết cam kết. Tuy nhiên, hàng hóa đến hiện tại vẫn chưa ổn định và đảm bảo để cung cấp và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các DN này vượt qua khó khăn, nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp đầu mối cam kết không để thiếu hụt xăng dầu

Là DN xăng dầu lớn có trụ sở tại Hậu Giang, Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) khẳng định, mặc dù công ty đang gặp khó khăn trong tình trạng mua hàng giá cao bán giá thấp nhưng công ty không để thiếu hụt xăng dầu trong hệ thống phân phối, đồng thời cũng hỗ trợ các thương nhân nhằm đảm bảo ổn định lượng xăng dầu để phục vụ người dân tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Mai Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT NSH Petro, tất cả các đại lý trong hệ thống của NSH Petro hiện vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của người dân các tỉnh thành ĐBSCL. Thời gian tới, NSH Petro nỗ lực huy động các nguồn hàng để đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho hệ thống 100 đại lý trực thuộc và bán lẻ...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.