Lai Châu:

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nằm sát khu vực dân cư, mỗi lần nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu hoạt động lại xả khói, nước thải ra môi trường với mùi hôi thối nồng nặc khiến hàng trăm hộ dân ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) khiếp sợ. Dù người dân và chính quyền bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục.

“Sống chung” với ô nhiễm

Phản ánh đến Tiền phong, người dân tại bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn gây ra.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 1

Nước thải từ bãi tập kết mủ cao su thải ra môi trường.

Những ngày cuối tháng 5, PV Báo Tiền Phong có mặt tại bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm.

Ghi nhận, Nhà máy chế biến mủ cao su nằm trên tuyến đường từ TP.Lai Châu nối các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ (thuộc bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm). Xung quanh khu vực nhà máy là đất canh tác nông nghiệp, nguồn nước và nhà cửa của nhiều hộ dân. Bên trong nhà máy, mủ cao su tập kết chất thành đống lớn.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 2

Dòng nước phía sau khu vực Nhà máy chế biến mủ cao su có màu đen và mảng bám màu vàng đục.

Người dân và chính quyền địa phương xác nhận, khu vực này chỉ có một nhà máy chế biến mủ cao su. Từ khi nhà máy hoạt động, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Anh Trần Công Khanh (bản Phiêng Chá) cho biết, mỗi khi nhà máy hoạt động, khói từ nhà máy thải ra khiến người dân ngạt thở. Nhiều lần anh có ý định bán nhà vì không thể ở được.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 3

Theo người dân, khói từ Nhà máy chế biến mủ cao su có mùi hôi thối.

Không chỉ khói, nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm. Ông Tao Văn Mùn (bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm) bức xúc cho biết, nước sinh hoạt xuất hiện cặn màu vàng. Tuy chưa có giám định về mức độ ô nhiễm nhưng cán bộ xã động viên gia đình lấy nước khác về sử dụng để đảm bảo sức khỏe.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 4
Nước sinh hoạt của người dân có mảng bám đục ngầu và bốc ra mùi hôi thối.

Theo người dân, ngoài việc ô nhiễm nguồn nước, không khí, sản xuất nông nghiệp của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Trần Văn Chiến (bản Phiêng Chá) cho biết, trước đây, cuộc sống của người dân rất bình ổn. Từ khi nhà máy cao su hoạt động, xả thải, sản lượng lúa và chăn nuôi bấp bênh.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 5
Cá của gia đình anh Tao Văn Hung (bản Phiêng Chá) bị chết liên tục.

Khắc phục qua loa?

Sau khi người dân địa phương phản ánh, từ tháng 7/2023 đến nay, UBND xã Nậm Tăm liên tiếp có 5 văn bản báo cáo gửi UBND huyện Sìn Hồ về việc Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 6
Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu được khởi công xây dựng từ tháng 12/2018.

Trong báo cáo có nội dung ngày 24/8/2023, hơn chục hộ dân bản Phiêng Chá kéo nhau đến trụ sở xã Nậm Tăm phản ánh về quá trình nhà máy hoạt động từ 15-23h, mùi hôi thối bốc ra khiến người dân có các triệu chứng tức ngực, khó thở, đau đầu, cay mắt, buồn nôn, không ăn được cơm.

Sau đó, hai Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ phối hợp với các lực lượng chức năng có biên bản làm việc với lãnh đạo Nhà máy chế biến mủ cao su và người dân.

Biên bản nêu rõ, qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác đánh giá có hiện tượng như phản ánh của người dân, không khí trong và ngoài khu vực nhà máy, có mùi hôi thối nồng nặc. Tại hiện trường, 4 điểm đang xả nước thải trực tiếp ra ngoài không qua hệ thống thu gom, xử lý.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 7
Người dân bản Phiêng Chá dẫn PV lên khu vực phía sau nhà máy xả thải.

Đoàn công tác yêu cầu nhà máy phải đưa các điểm tập kết mủ cao su sau sơ chế vào nhà có mái che; không để tình trạng nước thải trực tiếp ra môi trường; nghiên cứu giải pháp cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một số hộ gia đình dưới hạ lưu.

Người dân 'kêu trời' vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su ảnh 8
Mủ cao su được tập kết thành đống trong nhà máy.

Đến ngày 8/3/2024, Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu có báo cáo số 12 gửi UBND xã Nậm Tăm về việc khắc phục hiện trạng theo biên bản yêu cầu. Thế nhưng đến nay người dân sinh sống quanh khu vực nhà máy vẫn liên tục phản ánh đến chính quyền về tình trạng ô nhiễm và bốc mùi hôi thối.

Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

MỚI - NÓNG
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
Tỉnh thành nào tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
TPO - Trong 10 địa phương tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước, nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương chỉ có Hải Phòng, TPHCM có bước cải thiện đáng kể khi vượt lên trên Hà Nội, trong khi Cần Thơ và Đà Nẵng ở nửa cuối.