Người dân ở TP.HCM tháo chạy khỏi các tòa nhà cao tầng. Ảnh: Bee.net.vn. |
Nhà cao tầng ở Hà Nội, TPHCM rung lắc
Nhiều nhân viên văn phòng làm việc trong các tòa nhà cao tầng ở TPHCM cảm nhận rất rõ rung lắc và lập tức chạy ra khỏi tòa nhà. Rung lắc xảy ra lúc 16 giờ, tạo cảm giác chao đảo, khoảng trong 30 giây đến một phút.
Chị Đỗ Thanh Thủy, làm tại tòa nhà Centec Tower (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) cho biết, chị có cảm nhận rung lắc khoảng 20-30 giây trong tòa nhà. Nhiều người trong các văn phòng của tòa nhà hoảng hốt chạy xuống đường.
Cùng thời điểm trên, anh Đỗ Việt Phương, làm tại tầng 14, tòa nhà Flemington Tower (đường Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM) cũng cảm nhận rung lắc và chóng mặt.
"Văn phòng ở trên cao nên cảm nhận rõ lắm! Mọi người đều đứng dậy vì rung lắc và thấy chóng mặt", anh Phương nói.
Anh Phương cho hay, vừa gọi điện về nhà, bảo vợ có động tĩnh gì là phải ôm con chạy ngay. "Chạy ra đường chứ ở trong nhà nguy hiểm hơn" – Anh Phương nói.
Một nhân viên văn phòng tại quận 11, TPHCM nói: "Khoảng 15h50, chúng tôi đang làm việc thì thấy tòa nhà rung lắc, vội bỏ chạy hết xuống đường".
Một số người sống, làm việc ở một số tòa nhà cao tầng tại Hà Nội cho biết, cũng cảm nhận được rung lắc nhẹ vào chiều nay.
Nhiều người dân ở tòa nhà 156 Xã Đàn (Hà Nội) lao xuống đường khi phát hiện rung lắc. Ảnh: Minh Đức. |
Anh Nguyễn Thành làm việc tại tòa nhà 156 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) nói, khoảng 16 10 phút, anh đang làm việc tại tầng chín, bống thấy choáng váng, mọi thứ nghiêng ngả. Anh Thành lao ra cầu thang thì thấy khá nhiều người chạy thang bộ, lúc đó mới biết có động đất.
Chị Phạm Thùy Giang, làm việc tại tòa nhà này nói, đang ngồi soạn thảo hợp đống, thấy màn hình máy tính và mọi thứ trên bàn rung lên, liền chạy ra ngoài, vội chạy xuống thang bộ.
Theo quan sát của phóng viên tại tòa nhà 156 Xã Đàn, hàng chục người bỏ bàn làm việc thoát ra khỏi tòa nhà vì sợ.
Ảnh hưởng từ động đất Indonesia
Theo ông Lê Huy Minh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất sóng thần Việt Nam, người dân ở các nhà cao tầng cảm nhận thấy rung động cho thấy khu vực TPHCM bị ảnh hưởng nhẹ của trận động đất ở Indonesia vừa xảy ra. (Xem video).
Độ rung động ở TPHCM khoảng cấp ba (theo thang MSK-64) nên không gây ảnh hưởng nhiều.
Ông Minh cho biết, các cơ quan cảnh báo sóng thần đã cảnh báo về sóng thần trên khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu có xảy ra sóng thần thực sự thì cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam, do sóng thần từ nơi xảy ra động đất sẽ lan truyền đến khu vực Ấn Độ Dương.
Vị trí xảy ra trận động đất. |
Trước đó, lúc 15h38, một trận động đất lớn xảy ra ở vùng biển Indonesia, độ sâu tâm chấn 10km. Cảnh báo sóng thần đã được phát đi.
Theo Cơ quan Khí tượng và Khảo sát Địa chấn Hoa Kỳ, trận động đất có độ lớn đến 8,7 độ richter, trong khi mạng quan sát động đất Geofon cho rằng lên đến 8,9 độ richter.
Hoàng Phong – Đức Hoàng tổng hợp