Trả lời câu hỏi vì sao lại cho xe buýt đi vào làn xe máy, ông Thanh nói: Từ năm 2005 về trước, làn xe ô tô chỉ có một làn, hai bên còn lại dành cho xe máy. Vì áp lực giao thông nên Sở GTVT mới trộn lại, dành thêm làn xe hỗn hợp gồm ô tô và xe máy. Vì vậy, phải cho xe buýt đi vào làn xe máy. Hiện nay vận dụng khác, làn ô tô nào xe buýt cũng được đi. Trường hợp làn ô tô đã chật, nếu cách ngã tư dưới 100m thì cho phép xe buýt đi vào làn xe máy để thoát khỏi đám đông rồi phải đi vào làn ô tô.
Đại diện Sở GTVT TPHCM cũng thừa nhận nhiều bất cập trên đường liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước như thiếu cơ sở giao thông tĩnh cho xe buýt đậu một cách đàng hoàng. Lòng lề đường bị lấn chiếm làm xe buýt khó vào trạm dừng, phải đỗ giữa đường đón trả khách, gây phản cảm và xung đột với dòng phương tiện lưu thông phía sau.
Ngoài ra, theo ông Thanh DN vận tải cũng có trách nhiệm, thể hiện ở chỗ ký hợp đồng, có quan tâm đến quyền lợi và các biểu hiện không bình thường của lái xe như nghiện bia rượu, sử dụng ma túy, chất kích thích không. Lái xe khi xuất bến, nghỉ giữa ca nếu có biểu hiện bất thường thì phải ngăn chặn, xử lý. Theo Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, xe buýt ở TPHCM gây ra 10 vụ TNGT làm 11 người thương vong.