Người dân Cà Mau còn lơ là, chủ quan trước bão 16

TPO - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải nhận định người dân còn lơ là chủ quan trước cơn bão mạnh Tembin (bão số 16).

Chiều ngày 24/12, ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đã tổ chức 2 đợt rà soát, triển khai các giải pháp ứng phó bão Tembin (bão số 16).

Ông Nguyễn Tiến Hải nhận định: “Người dân còn lơ là, chủ quan trước bão mạnh, đang di chuyển nhanh, có khả năng đổ bộ trong ngày mai. Việc hỗ trợ lực lượng chằng chống nhà cửa, di dời dân, sắp xếp tàu bè cần có biện pháp mạnh”.

Người dân Cà Mau còn lơ là, chủ quan trước bão 16 ảnh 1 Ông Nguyễn Tiến Hải họp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau phòng chống bão số 16.

Trong ngày 24/12, di chuyển người già, người bệnh, trẻ em được hơn 8.000 người trong tổng số 98.535 người cần sơ tán tránh trú bão. Bà con còn chủ quan, bị động trong việc chằng chống nhà cửa. Thống kê mới nhất, chỉ có 12.432/26.756 nhà thuộc diện chằng chống. Chính quyền hỗ trợ dây buộc, hỗ trợ lực lượng cho người dân chằng chống nhà cửa với mức hỗ trợ chi phí khoảng 150.000đ/hộ nghèo.

Ông Nguyễn Tiến Hải nói: “Dù đã chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết nhưng người dân còn thờ ơ, chủ quan vì hơn 20 năm qua không có bão đổ bộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục, kiên quyết phòng chống bão số 16”.

Người dân Cà Mau còn lơ là, chủ quan trước bão 16 ảnh 2 Rất khó tìm gặp cảnh chằng chống nhà cửa tránh bão vùng nông thôn, ven biển.

Làm việc với Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Cà Mau và các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị tăng cường tần suất, nội dung phòng chống bão và mạnh dạn áp dụng biện pháp cần thiết để người dân chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản vì bão số 16 mạnh hơn, nguy hiểm hơn bão Linda 1997.

 Cũng như tỉnh Cà Mau, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, có tình trạng người dân, chính quyền cơ sở thờ ơ trước thông tin bão số 16. “Tỉnh Bạc Liêu cũng có nhiều cửa biển, có nhiều nhà dân sinh sống được xây dựng thô sơ, nền đất thấp. Nếu bão vào như dự báo thì thiệt sẽ rất lớn. Vì vậy, tỉnh ưu tiên hàng đầu việc di dời dân. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng người dân, thậm chí có chính quyền cơ sở còn chủ quan” – ông Trung nói. 

Ông Trung cũng cho biết thêm, tỉnh này còn 167 tàu đánh bắt đang hoạt động xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay có 1 tàu chưa liên lạc được. Ngành chức năng cũng đã tiến hành cưỡng chế 30 tàu vì không chấp hành di dời vào nơi trú bão. Riêng 76.100ha nuôi tôm của người dân đang được ngành chức năng hỗ trợ thu hoạch. 

Cũng liên quan đến công tác ứng phó với bão số 16, ông Đào Anh Dũng – Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nhận định: “Nhận thức của người dân còn thờ ơ, nếu bão vào thì TP.Cần Thơ thiệt hại nặng, nhất là về nhà cửa. Vì vậy, các ngành chức năng liên quan hết sức quan tâm công tác truyền thông giúp cho người dân hiểu rõ về tác hại của bão.” 

Ông Dũng cũng chỉ đạo, trong ngày mai, những người dân ở nhà lồng bè, sống trên chợ nổi Cái Răng, tàu du lịch, tàu chở hàng trên sông Hậu phải ngưng hoạt động ngay. Riêng người dân sống ở chợ nổi Cái Răng cũng phải di dời vào bờ hết, không cho mua bán. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ chiều mai cho đến khi có thông báo mới.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.