> Hủ tục rùng rợn giữa thâm sơn, cùng cốc
> Phép thuật kì bí của tộc người trên đỉnh Trường Sơn
Chuyện của người anh
Đăk Tô cuối năm 1972, là điểm giao tranh ác liệt giữa hai phía. Nơi đây có đồi Sạc Li (Charlie) đẫm máu từng đi vào nhạc. “Căng thẳng vô cùng, cái chết có thể ập đến bất kỳ lúc nào, nên gia đình tôi cùng nhiều người được bộ đội đưa chạy đến thôn Mang Rương, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông” - ông Nguyễn Đình Hạnh, anh trai bà Hương kể.
Ông Hạnh hiện giờ là trưởng khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. “Đến thôn Mang Rương cuối năm 1972 - ông kể tiếp - ở hết năm 1973 thì về. Hương sinh năm 1962, là đứa em thứ 4 trong 6 anh em chúng tôi. Lúc về, bất ngờ Hương bị sốt cao, liệt cả hai chân.
Anh em tôi cõng nó đi được gần 3 tiếng đồng hồ, bất ngờ nó nói: Con đau quá, cho con xuống đi, nếu mẹ bắt con đi, thì con chết ở đây, con phải ở lại làng. Mẹ tôi đành lòng gửi nó lại nhà ông A Niên, hẹn ngày trở lại đón. Đâu chừng giữa năm 1974, tôi quay lại làng Mang Rương để đón. Làng không cho. Họ chỉ cho gặp ban đêm, tuyệt đối không cho gặp ban ngày. Tôi thuyết phục nó cả tuần, nhưng nó không chịu.
Tôi nói bây giờ giải phóng rồi (Đăk Tô giải phóng năm 1974-PV), hết bom Mỹ rồi, em về với mẹ, với anh em đi. Nó gật, nhưng đi được một đoạn đường, bỗng nhiên quay qua nói không, dứt khoát không, rồi trở lại làng. Thôi đành chịu…”.
Năm 1982, Hương đi rừng bị trúng chông xuyên qua đùi, được đưa ra trạm xá ở huyện Tu Mơ Rông chữa. Hay tin, ông Hạnh vào, nói nhỏ với các y tá người Kinh rồi dẫn Hương trốn về Đăk Tô chạy chữa. Được bốn ngày, cả làng Mang Rương rùng rùng kéo ra với giáo mác súng đạn, bao vây nhà ông Hạnh suốt tuần. Họ đòi trả Hương lại cho làng.
“Ầm cả huyện. Tôi đưa nó trốn lên Diên Bình cách đây mấy cây số. Căng thẳng vô cùng. Mấy ông công an, ủy ban huyện gọi tôi lên, nói: Hoặc để gia đình yên ấm, hoặc để đồng bào họ phá nhà, phá làng, chúng tôi chịu rồi đó, ông tính sao? Nói thật, lúc đó tôi định đưa em trốn về luôn Phù Cát-Bình Định là quê tôi, nhưng áp lực địa phương dữ quá, tôi và mẹ đành khóc giao em Hương lại cho họ thôi”.
“Là con gái người Kinh, cuối cùng sống bằng xác lẫn hồn người đồng bào thiểu số, sống trong đói nghèo, bệnh tật, con cái không được học hành. Tôi cũng không hiểu nổi”. Ông Nguyễn Đình Hạnh – anh trai bà Hương |
“Cô Hương lúc đó có muốn ở lại không?”. “Có. Nó khóc, muốn xin ở lại với mẹ và anh em, nhưng cuối cùng tôi đành thả tay”. “Theo chú vì sao ngay từ nhỏ, cô Hương đã không muốn về làng?”. “Tôi dám chắc là nó đã bị mấy ông già làng ở đó “thuốc”- một hình thức bùa ngải ấy. Tôi khẳng định điều đó, vì đến bây giờ bùa ngải đồng bào là thứ chưa ai dám chắc là không có. Lúc đưa nó về lần đầu, tôi nghi rồi, ba mẹ anh em còn đó, sao nó không chịu về? Đi rồi đòi quay lại ngay.
Thêm nữa, lúc về, nó chỉ đường đi là vạch cây rừng, leo núi, đi 3 tiếng đồng hồ chưa đến đường lớn, trong khi đường xe chạy được, đi nửa tiếng là đến đường lớn, thì nó tuyệt đối không chịu, như muốn mình chán mà bỏ. Năm 1982, Hương 20 tuổi. Khi tôi dẫn về nhà, nó nằng nặc đòi về làng, không chịu nhận, không thèm biết mẹ và các anh em. Chúng tôi phải mời mấy ông thầy cúng để giải thuốc, bùa. Sau lần cúng đó, nó tỉnh ra ngay, ôm mẹ tôi mà khóc.
Nhưng kỳ lạ, khi gặp lại mấy ông già ở làng, hai bên nói gì đó, chỉ một lát sau, nó nói một câu đau xót: “Thôi, không cha mẹ anh em gì hết, tôi muốn về làng thôi”. “Có thông tin, lúc đó cô Hương đã có người yêu nên muốn quay về?”. “Không đúng. Trở lại làng, họ ép nó có chồng ngay. Thế là hết. Người đồng bào ở đó theo mẫu hệ, họ quý con gái lắm. Nhà ông A Niên chỉ có một đứa con gái, nên quyết giữ con Hương. Thôi, số nó vậy đành vậy thôi”.
Ông Hạnh kể tiếp: Có lần gặp, tôi nói thôi về đi, anh cho đất làm nhà, nhưng nó không về. Nói thật, nếu nó về, tôi cũng không biết tính sao, đất đâu, tiền đâu mà cho nó, rồi con nó hai đứa, chồng, bố chồng nữa. Nghĩ thương em mà chịu. Là con gái người Kinh, cuối cùng sống bằng xác lẫn hồn người đồng bào thiểu số, sống trong đói nghèo, bệnh tật, con cái không được học hành. Tôi cũng không hiểu nổi…”.
Từ chỗ bà Hương đến chỗ ngôi nhà cha mẹ bà ở Đăk Tô, chỉ hơn 40 km. Đường sá bây giờ đã phong quang. Nhưng, khoảng cách địa lý lẫn giềng mối ruột thịt máu mủ, lắm khi trở nên vô nghĩa với định mệnh chia lìa vô hình nào đấy, một định mệnh đoạn tuyệt mà cả người trong cuộc lẫn bên ngoài không lí giải nổi. Chiến tranh, một vết chém ngang lưng tạo ra bao cuộc chia ly, đẩy số phận bà Hương đi về một khung trời khác, hoán đổi gần như triệt để thân xác và tâm hồn để rồi khước từ tất cả những gì thân yêu nhất bằng một chữ không, như vô thức lại như cắn răng mà chịu. Thôi đành phải quay về một một định đề cũ mèm, rằng chuyện người đàn bà “mất trí” tên Hương ấy, cũng là chuyện của kiếp người vốn cay đắng phần nhiều…
Cuộc trò chuyện toàn “không”
Bà Hương cùng cháu nội và con trai. |
Mưa mịt mùng. Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa. Những ngôi nhà người Xê Đăng dưới chân núi Tu Mơ Rông, trong mưa, như những cái nấm bạc khổng lồ bất động. Tôi hỏi nhà bà Hương, tình cờ anh thanh niên A Ng Rựa dẫn đường là con trai cô. Anh khoát tay về phía ngôi nhà sàn cách đó mấy mét.
“Cô Hương đấy à?”. Đáp lại câu hỏi, người đàn bà quay đầu nhanh vào vách nứa. Sau lưng bà là tấm áo choàng sặc sỡ thò ra một bàn tay bé xíu đỏ hồng. Đó là con gái mới 2 tháng tuổi của A Ng Rựa, tức cháu của bà Hương. A Ng Rựa nói anh có một em trai, đang đi bộ đội. Vợ A Ng Rựa đang đi rẫy.
Tôi ngồi xuống sàn, tiến dần về phía bếp lửa. Như không thể quay đâu được nữa, bà đành chết lặng một góc. “Cô vào đây năm nào?”. Vừa hỏi, tôi vừa nhìn kỹ bà. Răng rụng đã mấy chiếc hàm trên, còn hàm dưới như bị mài mòn. Chiếc mũ được bỏ ra, một mảng tóc bị cắt sát, lộ ra cái mụn lớn. Tôi nhắc lại câu hỏi.
“Không nhớ”. “Lúc đó mấy tuổi ?”. “Không nhớ”. “Cô sinh năm nào?”. “62”. “Ở mãi đây từ nhỏ à?”. “Không, trước ở trên núi”. Bà nói một tràng tiếng Xê Đăng với bố chồng ngồi ở góc nhà. Im lặng rồi bất ngờ quay lại đối diện tôi, nhưng mắt nhìn vào sàn nhà, buột miệng như khước từ: “Không biết”.
Âm điệu tiếng Kinh nơi bà dường như phai đi mất chín mươi phần trăm rồi, sót lại vài ba từ thông dụng nhất. Hỏi có nhớ tên bố mẹ không, anh em cô ở Đăk Tô có ai ra thăm không, có nhớ tên anh em không, có về thăm nhà không. Đáp lại tôi đều là những từ “Không”. “Hồi đó bộ đội đưa cô về đây à?”. “Ừ”. Bỗng nhiên bà ngẩng lên: “Hồi đó mẹ và 6 anh em lên đây”. “Năm nào?”. “Không nhớ”. “Sao cô ở lại?”.
“Sốt rét. Bị đau nên anh em không cõng về”. Nhưng khi tôi hỏi “Đưa về rồi cô lên lại phải không?”, thì bà lại gật. “Sao bố mẹ còn mà cô không về?”. Bà đưa hai tay lên ôm mặt. Gian nhà chừng 3m2 như cứng lại, im bặt. “Cô lấy chồng năm nào?”. “Không nhớ”. Tiếng mưa quất vào vách nứa lúc mạnh lúc nhẹ, như tiếng khóc nấc cố nén rồi bùng vỡ. “Bố mẹ mà cũng không nhớ tên à?”. “Mẹ tên Lý. Bố không nhớ”. Bà quay sang ông già, nói chuyện một tràng dài. “Bố nuôi là A Niên. Mẹ là Y Don”. “Cô họ gì?”. “Không nhớ”. “Nguyễn phải không?”.
Im lặng thật lâu, rồi bà gật, mà tôi nghĩ không biết là gật theo quán tính hay bộ nhớ đã cùn mòn, ủ mục hết các tín hiệu ngôn ngữ, con số, mặt người, quê quán. “Cô đổi họ năm nào ?”. “Không đổi, ở đây gái là Y, trai là A”. “Cô nhớ quê không ?”. “Nhớ chứ”. “Sao không về?”. “Người ta nuôi mà”. “Nhưng lúc về nhà, sao không ở lại luôn?”. “Lúc đó mẹ và anh Hạnh khóc, không muốn cho đi, tôi cũng muốn ở lại, nhưng người làng không chịu”. “Hồi dưới đó, cô có đi học không ?”. “Lớp 3”. “Bây giờ cháu về Đăk Tô tìm ông Hạnh, cô gửi lời thăm không?’. “Không biết gửi lời thăm”.
Lòng tôi như có rạn vỡ khi nghe câu đó. Tôi rút tiền biếu bà. Bà thốt lên “cảm ơn”, rồi lần đầu tiên từ lúc nãy giờ, bất ngờ bà nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt hơi sắc, cái nhìn như thảng thốt, như lặng im trầm mặc cây rừng, lại đau nhói như xoáy tận bản thể, như muốn hỏi, muốn chấm than, muốn kết luận, lại muốn chia lìa.