Quặn thắt một hủ tục
Trong bảng lảng trời chiều qua con đèo Tung Ke uốn lượn, về với người Ba Na lần này trong tôi mang nhiều cảm giác lạ lẫm. Với tôi, người Ba Na hiền hậu và mộc mạc lắm, nhưng khi nghe bà Đinh Nay Huỳnh (60 tuổi, làng Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Suê) kể về hủ tục rùng rợn chôn con theo mẹ khiến người nghe đau đớn, xót xa.
Người Ba Na truyền tai nhau một lời nguyền: “Yàng (thần linh) bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo mẹ thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, nếu ai không làm theo thì cả làng bị con ma bắt”.
Đã mấy mùa rẫy trôi qua, chị Đinh Bách vẫn chưa tin vào sự thật con mình được cứu sống. Ánh mắt chị chùng xuống khi nhớ về quá khứ: Vào cuối năm 2012, người làng kéo đến nhà và bắt chị phá thai vì không có chồng mà có con. Chị kể: “Do khát khao có mụn con để bầu bạn, chị ngủ với một người đàn ông trong làng. Khi thai lớn, người làng biết được bắt Bách phải bỏ thai theo lệ làng. Lúc này bà Huỳnh báo với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động dân làng. Sau thời gian dài đấu tranh tư tưởng, cuối cùng dân làng để Bách sinh con”.
Bà Huỳnh vốn không phải người ở làng Tung Ke. Gia đình bà chuyển về đây sinh sống vào năm 1995 vì bà được nhận làm giáo viên của một trường học ở làng này. Từ đây bà bắt đầu chứng kiến những cái chết vô tội. Trầm ngâm một lúc bà Huỳnh chia sẻ: “Tục chôn con theo mẹ đã tồn tại ở làng Tung Ke bấy lâu nay và trở thành luật làng. Theo hủ tục, nếu người mẹ chẳng may tử vong khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải bỏ xuống huyệt chôn theo mẹ. Nếu người mẹ đẻ con mà chưa kết hôn, đứa trẻ sẽ bị chính người mẹ giết chết. Tục lệ này cũng áp dụng với phụ nữ có chồng nhưng chồng chết mà mang thai với người khác”.
Giọt nước mắt của người thân, của người mẹ đứt ruột đẻ con ám ảnh từ miếng ăn đến giấc ngủ bà Huỳnh. Bà quyết định đứng lên chống hủ tục, cứu những sinh linh vô tội. Bà trình báo cơ quan chức năng và cùng chính quyền, đến từng buôn làng, hộ gia đình vận động mọi người bỏ hủ tục lạc hậu. Bà được bầu làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã Ayun. Hằng ngày, bà đi bộ đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, tuy nhiên hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức khiến bao công sức của bà dường như đi vào ngõ cụt. Cứ như thế, người làng Tung Ke chìm đắm trong hủ tục từ đời này qua đời khác.
Thiên sứ của làng Tung Ke
Ngôi nhà nhỏ cấp 4 thấp tè ngày nắng cháy như cái lò nung rực lửa. Người đàn bà thân hình nhỏ thó, nước da đen nhẻm búi tóc cho đứa con gái, bà bảo: “Đứa trẻ này được mình cứu sống từ năm 2012, nó tên Đinh Nay Thương. Mẹ nó là Đinh Hem sát vách nhà mình. Giờ nó là con gái cưng của mình”.
Nhờ trái tim ấm tình thương của mẹ Nay Huỳnh và tấm lòng vượt qua hủ tục, Đinh Nay Thương chẳng còn là hài nhi mong manh đợi chết trong bụng mẹ thuở nào. Thương giờ là cô học trò tiểu học lanh lợi, hiền lành và hồn nhiên tựa nhánh hoa rừng.
Ngồi dưới nền nhà, bà Nay Huỳnh từ từ lật mở ký ức gắn với Nay Thương. Giọng trầm đục lẫn tiếng thở dài, bà Nay Huỳnh kể: “Lúc mang bầu Thương vào tháng thứ 7, bà Hem bị sốc thuốc cỏ dẫn đến tử vong. Khi tôi qua nhà đã thấy Hem ngừng thở. Áp tai vào bụng Hem cảm nhận được sự sống của đứa trẻ vẫn còn. Sợ họ giết đứa trẻ trong bụng, tôi giả vờ hét lên trước người nhà Hem là nó còn sống để đưa đi cấp cứu. Hem được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để mổ cứu lấy thai nhi. Thương ra đời như thế.
Để giành sự sống cho đứa trẻ bà Huỳnh phải rời viện vào đêm tối rồi đưa đứa trẻ về nhà. Bà đóng cửa ở trong nhà 3 ngày để trông nom Thương vì sợ người ta đến bắt Thương đi. Mấy ngày sau bà lên xã làm thủ tục nhận con nuôi, xin nghỉ việc 2 tháng ở nhà lo cho đứa trẻ. Sau đó bà đến nhà Hem để thuyết phục cho bà nhận Thương về nuôi, nếu Yàng có trừng phạt bà sẽ chịu. Bà được sự đồng thuận của gia đình Hem.
Bà Huỳnh chia sẻ: “Thương được cứu về từ tay tử thần nên nó có sức sống phi thường hơn những đứa trẻ khác. Nó lớn lên bằng nước cơm pha với đường. Bắp non giã với nước chứ không có giọt sữa nào. Nó lớn lên ai cũng bảo giống tôi. Nghĩ mà vui”.
Cơn gió mùa khô hất tung lớp bụi ngoài sân làm mờ cả khoảng không. Giọng bà Nay Huynh vẫn chậm đều: “Một ngày gió lạnh của năm 2005, bà nhận được hung tin một đứa bé có nguy cơ bị giết. Nguyên do chị Đinh Sang (chồng đã mất) bỗng dưng nay lại có thai. Người thân và bà con dân làng cho rằng chị phản bội chồng nên nhất quyết đòi giết đứa bé. Khi bà Nay Huỳnh cùng chính quyền xã đến nơi, chứng kiến cảnh người phụ nữ quằn quại trong cơn đau đẻ, những người thân của gia đình chồng đã mất đang cầm sẵn gậy gộc với khuôn mặt dữ tợn chực chờ giết đứa trẻ. Bà Nay Huỳnh liền lao vào đỡ đẻ cho bà mẹ trẻ. Khi đứa bé òa khóc chào đời, bà ôm đứa bé bỏ chạy đến trạm y tế, vừa chạy vừa phải lấy thân mình che những đòn roi từ người thân của chồng chị Đinh Sang đang hướng thẳng đứa bé. Đứa bé sau đó được một cán bộ tại trạm y tế nhận nuôi để tránh bị dân làng làm hại. Sau này, nó nhận bà Nay Huỳnh làm mẹ đỡ đầu vì có công cứu sống.
Hiện nay những tập tục lạ ở ngôi làng đồng bào Ba Na nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, khiến những ai nghe kể đều lạnh người được đẩy lùi và không còn tồn tại ở làng Tung Ke này. Đó là kết quả nhiều năm dày công tuyên truyền vận động. Đinh Nay Thương và 2 đứa trẻ được bà Nay Huỳnh cứu sống năm xưa là minh chứng hùng hồn cho sự văn minh, tiến bộ. “Tôi hy vọng dân làng sẽ được tiếp cận nhiều thông tin để loại trừ một số hủ tục, tránh những mất mát không đáng có. Nếu có điều kiện, bản thân tôi vẫn muốn nhận nuôi những đứa trẻ bị chối bỏ bởi hủ tục. Đó là những đứa trẻ vô tội”, bà Nay Huỳnh giãi bày.
Theo cán bộ Đoàn xã Ayun, hủ tục chôn con theo mẹ ở xã Ayun nay đã được đẩy lùi, nhưng câu chuyện về người phụ nữ Ba Na dũng cảm chống lại ý Yàng cứu những đứa trẻ vô tội được bà con nhắc mãi. Những người trẻ như chúng tôi rất ngưỡng mộ cô Nay Huỳnh và sẽ nỗ lực cùng cô để những hủ tục không còn cơ hội quay lại.