Anh cạo gió mũ cối. Ảnh:Trần Nguyễn Anh. |
Một mình anh Hùng với 1 con dao, 1 cái cuốc, 1 sợi dây thừng đã làm nên căn lán ba gian. Mái lợp 3 lớp, trên cùng lợp lá dừa nước, giữa lợp tôn cũ và dưới cùng giăng bạt. Chúng đủ trở thành một không gian mát mẻ để những công nhân nằm đấm bóp.
Anh Hùng nguyên là cựu chiến binh chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979: “Chuyện dựng lều lán đã thành nghề rồi”. Lúc xảy ra trận chiến, đơn vị anh ở trên lưng đồi một dãy núi lớn, 3 tháng chỉ ăn mì hạt, 10% gạo dành nấu cháo cho người ốm, nhưng đơn vị vẫn nằm mai phục địch, cho đến khi chiến dịch kết thúc thắng lợi. Anh Hùng nói: “Chiến tranh đã dạy cho tôi tính kiên trì và sự yêu quý cuộc sống”.
Vợ chồng anh quê ở Vĩnh Phúc. Anh sinh ra trong gia đình làm nghề thuốc ta. Ông của anh thọ 103 tuổi. “Ông tôi 90 tuổi còn ra đồng cắt lúa, mọi người ngăn, cụ bảo: tao còn làm được mà. Cả đời cụ chỉ uống thuốc ta và chăm chỉ lao động”.
Anh em của anh có người làm bác sĩ, đời sống khá giả. Anh được truyền lại nghề thuốc ta, phải thời thuốc Tây lên ngôi, cuộc sống anh đâm ra vất vả nhất nhà.
Anh có lòng tự trọng, không nhờ vả ai. Năm 1992 anh vào Sài Gòn: “11 năm liền tôi không có nơi trú thân, cứ ngày ngày đạp xe đi làm giác hơi, đấm bóp, mỗi ngày đạp hàng trăm cây số. Tiền làm được, ra bưu điện gửi về nuôi con”.
Cuộc đời của anh đã an nhàn một chút, khi vào năm 2002 có người quen mua mảnh đất rộng 12.000m2 ở cuối thành phố, bảo anh xuống đó dựng lều mà ở, trông coi đất hộ. Vậy là anh có một nơi nương thân.
Vợ con anh cũng kéo vào, nhà ngoài Vĩnh Phúc khóa lại, 2 sào đất cho bạn bè làm. Anh nói: “Dù ở trên đất người ta, mưa gió ngập trời, nhưng có nơi trú thế này cũng quý rồi”.
Anh bảo cuộc đời người ta tưởng có lúc nhàn: “Gửi tiền về nuôi con, cứ tưởng nó học hết cấp hai, không dè nó học lên cấp ba, rồi vào đại học, thế là mình cứ leo theo. Giờ nó lập gia đình, sinh con, giao cháu cho mình. Không làm thì lấy gì ăn. Mình ăn, lại còn phải kiếm gì cho con cháu ăn nữa”.
Đồ dùng giác hơi. Ảnh:Trần Nguyễn Anh. |
Công việc của anh gắn với giới công nhân: “Người khá giả họ đi vào tiệm mát xa, xông hơi, spa, chỉ có anh em khuân vác, cửu vạn cần đến chúng tôi”.
Đêm đêm anh đạp xe đi vào các khu đông công nhân thuê, ở các khu chế xuất, các nhà máy. Người ta đã quen bóng dáng của anh, xơ vin, quần áo sạch sẽ, một cái cặp đựng ống giác hơi, lọ dầu gió, cái thẻ bài lính Mỹ chắc đã chết trận từ thời nào dùng cạo gió.
“Ê! Đấm cho tôi một lát đi bố”. Anh dừng lại, xem nó có phải đứa nghiện ngập không, cái bọn trời ơi đất hỡi ấy không dại dây vào. Nhìn thấy đám công nhân đang trúng cảm, trúng gió, lờ đờ, không mua thuốc uống, anh lại dừng ghé vào.
Anh Hùng bảo: “Người ta trúng gió, phải trị bằng nhiều loại thuốc. Theo kinh nghiệm gia đình chúng tôi, bấm huyệt, giác hơi cũng giảm được nhiều. Xông hơi còn ngấm nước, giác hơi người ta không cần tiếp xúc với nước, nhưng giác hơi cần kinh nghiệm và tay nghề cao”.
Có ông thợ hớt tóc tập tọng làm giác hơi, lửa đốt cháy lưng của khách, sau phải bỏ. Ở trong khu ấy, mấy người tự mua đồ về giác hơi cho nhau, đổ cồn vào đốt, cháy cả mông, đi viện tốn hơn 3 triệu bạc. Anh Hùng nói: “Chúng tôi làm nghề thuốc ta đã mấy đời nên chẳng xảy ra những chuyện
như thế”.
Chị Liên làm công nhân, thuê trọ gần đấy, kêu đau đầu. Chị chạy qua, nhờ chị Hải vợ anh Hùng cạo gió. Lúc sau, thấy khỏe, lại chạy đi làm. Ở nhà mất đứt ngày công, xót lắm. Nhiều công nhân bảo thuốc uống mãi, lờn, không thôi. Đến khi cạo gió, lại thấy khỏi, đi làm được.
Hai vợ chồng phân công nhau, vợ cạo gió cho nữ công nhân còn chồng cạo cho nam. Anh Hùng nói: “Tôi vào Sài Gòn hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ làm cho người nữ nào. Tôi không thích làm như thế, mang tiếng lắm”.
Chị Hải đợi các nữ công nhân tới cạo gi. Ảnh:Trần Nguyễn Anh . |
Anh bảo anh đi làm gặp phải những cô đi cạo gió, nhưng chỉ cạo cho đàn ông! Chẳng biết tay nghề đến đâu nhưng người ta bảo họ chỉ lợi dụng cái nghề cạo gió thôi, để làm những việc mờ ám khác.
Một số phần tử giả danh cạo gió để bán ma túy vào các khu công nhân, bị bắt. Lại có những đứa giả cạo gió, chờ khi khách thiu thiu, ăn trộm điện thoại của khách rồi lặn mất. Chưa kể những quán cạo gió mọc lên với những cô gái son phấn, ăn mặc hở hang, không biết tay nghề tới đâu.
Chị Hải nói: “Tất cả những thứ đó không liên quan đến chúng tôi. Người tỉnh tôi vào đây làm cạo gió khá đông, mọi người đều khuyên bảo nhau giữ lấy danh dự của nghề nghiệp tổ tiên để lại”.
Cái lều của họ có 4 chiếc giường, hai chiếc gia đình dùng, hai chiếc để khách nằm. Nam riêng, nữ riêng. Chị vợ bảo: “Nhiều vị tới, hỏi có em út gì không? Chúng tôi bảo chỉ có vợ chồng chúng tôi. Họ ngạc nhiên lắm. Chúng tôi chỉ sống bằng sức lao động, cả cạo gió mát xa gần tiếng đồng hồ lấy 30 ngàn đồng”. Anh Hùng giải thích: “Năm 1992 tôi vào đây giá cạo gió đấm bóp tương đương ba cân gạo, giờ chỉ còn hai cân”.
Khu công nghiệp nằm ở vùng sâu vùng xa của thành phố, bên sông rộng, xung quanh chẳng có gì giải trí ngoài vài quán cóc. Công nhân thậm chí cũng thuê nhà cách đó dăm cây số.
“Thỉnh thoảng chuyên gia nước ngoài cũng ra đây cạo gió, đưa theo phiên dịch” - anh Hùng tự hào nói - “Lãnh đạo huyện gọi chúng tôi đến nhà cạo gió cho bố mẹ họ, vì các cụ vẫn thích đông y”.
Mỗi lần đi cạo gió, anh mặc áo trắng, quần xanh, đội mũ cối, đạp xe đạp. Tay chân rửa sạch, đồ nghề dùng cồn lau sạch sẽ. “Mình là người cạo gió chuyên nghiệp không phải mấy kẻ đấm lưng giải trí”.
Người ta gọi anh là “ông cạo gió đội mũ cối” để phân biệt với những người cạo gió khác. Anh nói từng là lính nên làm việc gì cũng “dứt khoát, đúng mực, để người ta tin”. Anh thậm chí còn biết chữa nhiều thứ như bong gân, trật khớp, nhưng vẫn giản dị với cái tên gọi “anh cạo gió mũ cối”.
Chị Hải sốt cao, mua thuốc uống không hạ. Xung quanh đồng không mông quạnh. Anh đi tìm lá trầu không, tìm khắp nơi không có. Cuối cùng anh vào nhà lãnh đạo huyện để mua mấy lá trầu.
Chẳng biết nhà người ta trồng cảnh hay ăn? Họ bảo: “Anh làm nghề cạo gió chứ gì, cho anh mấy lá trầu không lấy tiền đâu”. Anh đem về hòa lá trầu cùng dầu hỏa, cạo gió cho vợ, tự khắc hết sốt. Sau đó thỉnh thoảng anh cũng cạo gió cho nhà vị lãnh đạo huyện ấy.
Cuộc sống khó khăn, nhiều khi hai vợ chồng thiếu đói. Mỗi ngày có chừng ba, năm công nhân vào nhờ cạo gió. Nơi này, tất cả đều nghèo như nhau. Vợ chồng người cạo gió sống nhờ công nhân, những người công nhân cảm cúm trông nhờ vào họ. Cuộc sống nơi cuối huyện đầu sông là như thế.
4/2013