Một sáng thu năm 2010, ông Chữ nhắn mai đi với tao có việc… Quen tính ông chả dám hỏi lại. Nếu bận thì nhắn không đi, thế thôi.
Xe cứ ngược Sông Đà Hòa Bình. Chả hiểu ông Chữ có sự gì mà bữa nay đánh bộ đồ ký giả màu ghi khá tươm. Chứ thường nhật ông ăn vận cũng loàng xoàng. Tới địa điểm khách tập kết tham quan lòng hồ Thủy điện Sông Đà đợi một lúc có mấy chiếc xe mang biển ngoại giao xịch tới. Khách Triều Tiên. Chợt nhớ Anh hùng Lao động Trần Thọ Chữ, từ khi về hưu gánh thêm việc là Chủ tịch CLB Hội Hữu nghị Triều - Việt kiêm thành viên Hội Hữu nghị Việt- Triều vẫn thường bận việc của Hội như thế.
Lại cũng nhớ thêm. Mùa thu năm 1965, chuyến tàu chở lưu học sinh Việt Nam đi Triều Tiên học tập trong đó có anh thanh niên Trần Thọ Chữ đã được ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội khi ấy là Ma Dong San ra tận ga Hàng Cỏ tiễn. Năm tháng vèo qua, ông Đại sứ Ma Chol Su đang ngồi trước tôi đây trên con tàu du lịch lòng hồ Sông Đà là con trai của vị sứ thần CHDCND Triều Tiên Ma Dong San năm ấy!
Được một buổi trời trong dập dềnh trên làn nước biếc lòng hồ Sông Đà như sáng ấy quá là thú vị. Và lòng người chắc cũng văn vắt trong như thế? Cứ ngó động thái thân mật, vui vẻ của ông Chữ đang chủ động chuyện trò với khách bằng tiếng Triều đủ biết ông Chữ hào hứng thế nào? Tôi cầm chắc thể nào mà ông Chữ lại chả thông tin cho khách những năm tháng sôi động trên công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình mà mình trực tiếp tham gia với tư cách đơn vị chủ công, công ty xây dựng công trình ngầm. Cũng có nghe phong thanh, Triều Tiên vốn là quốc gia có nhiều thành tựu của việc xây dựng các công trình ngầm. Chắc kinh nghiệm những năm tháng học tập trên đất Triều của ông Chữ phải được sử dụng ít nhiều nên trên mới chọn ông làm giám đốc đơn vị ngầm thiện chiến này? Còn gì thú vị và hào sảng hơn, sáng thu nay có dịp đãi khách một món quà đặc biệt là thành quả của gần 20 năm xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á? Như một niềm vui nhân đôi, có nhà máy điện lại có lòng hồ du lịch…
Nhưng trật lấc cả. Ấy là khi thoảng nhẹ bên tai tôi lời dịch của anh cán bộ ngoại vụ về câu chuyện hào hứng của ông Chữ với khách. Rằng ông cũng chỉ giới thiệu phác qua với khách về công trình. Mà chủ tâm lẫn chủ đích của khách là chuyến đi này nhờ ông Chữ theo đường thủy giúp cho cuộc tham quan vị trí mà vua Lê Thái Tổ một lần đi đánh dẹp thổ phỉ đề thơ ở Đà Bắc!
Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh. Thuở Lê Lợi ngược sông Đà để lên xứ Mường Lễ của Đà Bắc diệu vợi nhiêu khê là thế. Diệu vợi cho đến tận cuối thế kỷ 20 này mới thênh thang một đường thủy như sáng ấy êm ru trên lòng hồ biếc. Mờ xanh phía tít dưới kia, thủy điện Sông Đà như chiếc đũa thần có phép rút đất. Mà nhân chứng của những thứ như huyền thoại về những người thợ Sông Đà bữa nay chỉ mỗi ông Chữ đây thôi? Mới chỉ như hôm kia bữa qua thôi mà thoắt đã thành thuở là thời rồi? Sông Đà của một thời gian nan và thương mến…
Liên tằng suốt gần hai mươi năm trừ ngày nghỉ, không có buổi nào tại nhà điều độ Trung tâm của Công trình Sông Đà lại không có buổi giao ban vào lúc năm giờ chiều. Và tất nhiên trong tất tật các đơn vị liên quan đến tiến độ công trình chả thể thiếu Công ty ngầm của ông Chữ. Những cuộc cọ xát, tranh cãi về chất lượng, tiến độ… Nhưng để ý chất giọng trầm khàn cùng dáng điệu lừ khừ nhưng quyết liệt của ông Chữ trong mỗi cuộc giao ban thấy trong cung cách quản lý mệnh lệnh của thời bao cấp ấy đang ló dạng những ý tưởng kinh tế thị trường và quản lý kinh tế ở một thì tương lai 20 năm sau chúng ta bắt buộc phải nhập cuộc, phải bập vào?
Nhưng tại khu tập thể Công ty ngầm, tại căn phòng luôn bừa bộn của ông Chữ, có thể là nửa đêm lúc tan ca giao ca hoặc bất kể lúc nào vẫn thường diễn ra những cuộc giao ban ngẫu hứng, bất thình lình. Nhưng rất hiệu suất. Người ở công trường về, người ở khu tập thể đi ca thấy cửa mở hay sáng đèn có thể ghé qua phòng ông Chữ. Căn phòng mé chái nhà thông thống hai gian có thể họp mệt thì ngả ngớn nằm ngủ ngay tại trận. Thi thoảng có điều kiện thì tổ chức tí chất tươi cải thiện. Những việc bàn soạn thống nhất, các mệnh lệnh chỉ thị của Tổng chỉ huy công trình ngầm và bao thứ giao việc, nhận việc hầu hết đều diễn ra tại hai cái gian nhà này. Tôi đã được gặp và làm quen với những tay có máu mặt của công ty ngầm cũng tại đây. Mới đầu thì gặp gỡ phỏng vấn bài bản lắm. Nhưng sau động thái giới thiệu chắp nối của ông chủ nhà Trần Thọ Chữ là tiếp nối ngay rất tự nhiên những tình cảm của thông hiểu thân gần. Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Tươi của đội khoan rồi các anh hùng Đỗ Yên Sơn, Nguyễn Bá Lộc, Cao Lại Quang sau này đám báo chí cứ coi như người nhà. Anh thợ Tạ Duy Anh ở đội thí nghiệm rụt rè co mình mé góc giường nhà ông Chữ ngày ấy sau này hoành tráng hẳn một chiếu riêng làng viết lách nước Việt với Bước qua lời nguyền… và bây giờ đang làm thiên hạ phát mệt với cuốn Mối Chúa. Và bức tranh cổ động khổ lớn mừng ngày thông hầm năm 1984 tác giả là các nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, Giáng Vân khi ấy ở phòng Thi đua tuyên truyền cũng được hoàn tất ở đây khâu cuối cùng (có ý để lấy ý kiến mọi người?). Cái dòng chữ đề mé trên bức tranh Hạnh phúc thuộc về những người đúng hẹn của tác giả Nguyễn Lương Ngọc đã nhanh chóng phổ biến khắp công trường sông Đà như một thứ Slogan của công trình Thanh niên Cộng sản. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc sau này nổi danh độc đáo với cuộc đi bộ xuyên Việt với nhà văn Hòa Vang. Thương hoa thì chả biết thế nào nhưng bao nhiêu là người đã tiếc Ngọc. Tiếc chàng trai tài hoa nguyên thợ đường hầm Sông Đà đoản mệnh. Rồi theo lời giục nhắc của GĐ Trần Thọ Chữ, những buổi tụ vui ấy chả thể thiếu giọng đọc thơ trầm ấm truyền cảm như một thứ hịch của nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Tiến Lăng của công ty ngầm diễn thơ của tác giả Nguyễn Đức Tùng (cũng là một thợ hầm): Chúng tôi đi không có nếu và nhưng/Bước điệp trùng giữa muôn vàn thớ đá…
Nghĩ thêm khi ngắm ngó sự quần tụ đầm ấm và chất lượng của anh em nhà công trình ngầm. Có thể là hoàn cảnh công trường đặc thù công việc cần sự tập hợp điều hành của GĐ Trần Thọ Chữ thì mới quây tụ được những nhỏ lẻ của tử tế, tài năng thành sức mạnh lớn, xôm tụ? Những khoảng ấm áp nho nhỏ ấy đã gom lại thành thứ lửa của nhiệt tình?
Chợt nhớ đến một cú đánh của số phận với ông Chữ. Sau Sông Đà, thủ lĩnh công trình ngầm Trần Thọ Chữ được điều vào công trường lớn xây dựng thủy điện Ialy. Một lần trên đường công tác ngồi xe với ông Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc, xe bị tai nạn. Cả hai ông đều bị thương rất nặng. May đều qua khỏi. Nhưng phần nặng hơn ông Chữ gánh với di chứng cà nhắc và bại thận. Nhiều người cho rằng nếu ông Chữ không bị thương thì cuộc đời ông có lẽ rẽ hướng khác? Nhưng tôi lại mạo muội nghĩ khác. Cái khác ấy cũng là cái ý nghĩ khác của ông Chữ?
Cơ chế sáng suốt hay cá nhân may mắn? Chả biết! Nhưng công trình Sông Đà đã từng góp cho cơ chế, nói là yếu nhân cũng được đi. Những giám đốc Phan Ngọc Tường sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ; giám đốc Ngô Xuân Lộc thành Bộ trưởng Bộ Xây dựng và sau này là Phó Thủ tướng. Những thợ kỹ thuật, cán bộ chuyên môn quản lý, cán bộ phong trào sau này là những bộ trưởng, thứ trưởng như Nguyễn Hồng Quân, Đinh La Thăng, Đinh Tiến Dũng, Cao Lại Quang… Yếu nhân Sông Đà thủ lĩnh ngầm Trần Thọ Chữ với bề dày thành tích, lý lịch sáng choang, nếu lấy cái đích quan chức mà nhắm mà ngắm, mạo muội nghĩ nào ông có kém cạnh gì? Nói sức khỏe kém sút sau tai nạn, ông Trần Thọ Chữ vẫn sang phụ trách một đơn vị thuộc Bộ Xây dựng vốn yếu kém vươn lên thành khấm khá vững mạnh đó thôi? Tôi đồ rằng vị trí quan trường có vẻ không hạp với ông thì phải. Để ý trong các buổi giao ban quyết liệt ở công trường sông Đà hay phải dự những buổi họp trọng nào đó, Trần Thọ Chữ có vẻ không thoải mái? Rằng ông luôn cựa quậy thay đổi tư thế vì những ý nghĩ, ý tưởng nó đang hành ông. Mà sau khi phát biểu mà sau lúc nói tuột nói hết ra nom ông sắc diện tươi tỉnh hẳn. Chợt nhớ Nguyễn Du có câu quan trường doanh lợi lụy tiếu tần (chốn quan trường nó lụy đến cả cái mỉm cười và nhíu mày của mình). Cứ nghĩ lẩn thẩn, một Trần Thọ Chữ thoải mái hào sảng trong đám ba quân công trình ngầm từng bao phen tả xung hữu đột để đảm bảo tiến độ tốt nhất cho công trường, quây tụ anh em bạn bè chiến hữu vì việc to nghĩa lớn của đất nước phỏng bền vững được bao lăm với chức to ghế lớn nhỉ? Trong số 168 công nhân hy sinh ở công trường sông Đà, nhiều đám ông đến thắp hương bật khóc tức tưởi… Nghe anh em còn nói lại, ông anh luôn sốt mến với phong trào đền ơn đáp nghĩa. Có mẹ Nguyễn Thị Chanh ở Yên Phong, Bắc Ninh cứ 6 tháng một lần ông biếu Mẹ 1,2 triệu đồng. Số tiền này được trích từ phụ cấp Anh hùng lao động và phụ cấp thương tật của ông. Đám thuộc hạ không biết nên khóc hay cười khi một lần nghe ông anh bộc bạch tao là cái thằng khô khan ngay cả đối với vợ mình, suốt mấy chục năm chung sống, cho đến lúc mất chưa bao giờ mình tặng bà ấy được một bông hoa…
Vậy nói cú đánh của số phận là nói sức khỏe ông anh cứ tuột dốc sau cú tai nạn ấy! Cột sống, xương chậu và đặc biệt hệ thống thận lãnh đòn đủ nên liền nhiều năm, ông anh một tháng phải đi chạy thận mấy lần.
… Đám viết lách già trẻ từng nếm trải Sông Đà một thuở, một thời xin bái biệt ông anh!