Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận

Cảnh sát ném lựu đạn cay về phía người biểu tình ở thành phố Minneapolis (Mỹ) ngày 26/5. Ảnh: AP.
Cảnh sát ném lựu đạn cay về phía người biểu tình ở thành phố Minneapolis (Mỹ) ngày 26/5. Ảnh: AP.
TPO - Sau khi cảnh sát xịt hơi cay vào người biểu tình ôn hòa ở Đại học California, Kamran Loghman, nhân viên Cục Điều tra liên bang của Mỹ (FBI), người từng biến hơi cay thành chất hóa học cấp độ vũ khí, tỏ ra hối hận vì công trình của mình.

Thành phần và tác dụng

Hơi cay là một hợp chất hóa học kích ứng mắt, gây cảm giác bỏng rát, đau đớn, mù tạm thời, khó chịu tạm thời, thở dốc… Hơi cay được sử dụng để kiểm soát bạo loạn, kiểm soát đám đông, trấn áp tội phạm, tự vệ (bao gồm tự vệ chống lại chó, gấu…).

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 1 Bình xịt hơi cay được thiết kế trông như thỏi son. Ảnh: Glitzy Shopper.

Hơi cay trở thành chất hóa học cấp độ vũ khí dưới bàn tay của Kamran Loghman khi ông làm việc cho FBI vào những năm 80. Loghman cũng viết cẩm nang sử dụng hơi cay cho các sở cảnh sát ở Mỹ.

Hơi cay thường được để trong bình xịt nhỏ để dễ mang đi hoặc giấu trong túi quần, túi áo, ví. Hơi cay cũng có thể ở dạng đạn (lựu đạn cay), được bắn đi từ súng bắn sơn. Nhiều loại lựu đạn cay chứa thuốc nhuộm khó tẩy (màu có thể nhìn thấy bằng mắt thường, hoặc chỉ hiện ra dưới tia tử ngoại). Căn cứ vào màu thuốc nhuộm trên da hoặc trên quần áo mà cảnh sát xác định ai là người tham gia biểu tình, bạo loạn…

Sau khi cảnh sát xịt hơi cay vào những người biểu tình ôn hòa (ngồi trên đường nhỏ) tại Đại học California năm 2011, Loghman thấy hối hận vì công trình hơi cay của mình. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cách sử dụng chất hóa học nào lại không đúng, không thích đáng đến thế”, báo Mỹ The New York Times dẫn lời Loghman.

Dù được coi là tác nhân khó gây chết người, hơi cay vẫn dẫn tới một số trường hợp tử vong. Hoạt chất chính trong hơi cay là capsaicin, một chất hóa học được chiết xuất từ quả ớt.

 Chiết xuất oleoresin capsicum (OC) từ ớt đòi hỏi capsicum phải được nghiền mịn, từ đó capsaicin được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ như ethanol. Dung môi sau đó được làm bay hơi và phần còn lại giống sáp chính là OC.

Độ mạnh của hơi cay phụ thuộc vào hàm lượng capsaicin và các capsaicinoid liên quan (viết tắt là CRC). Có 6 loại CRC khác nhau.

Hơi cay dành cho cá nhân (bình xịt dùng để tự vệ) thường có hàm lượng 1,3-2%. Chính phủ Mỹ xác định rằng, để xua đuổi gấu, hơi cay phải có hàm lượng CRC tối thiểu 1% và không quá 2%.

Trong khi Mỹ sử dụng CRC, Anh dùng desmethyl dihydrocapsaicin (hơi cay PAVA), Nga dùng pelargonic acid morpholide (MPK), Trung Quốc dùng nhiều thành phần hóa học như khí CN, CS, OC…

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 2 Cảnh sát Hong Kong được trang bị súng bắn lựu đạn cay để giải tán đám đông. Ảnh: Kyodo.

Hơi cay là một tác nhân gây viêm. Nó làm sưng phồng niêm mạc trong mắt, mũi, cổ họng và phổi, theo Oztive. Nó khiến mắt nhắm ngay lập tức, khó thở, chảy nước mũi, ho… Thời gian tác động của hơi cay phụ thuộc vào độ mạnh của nó, trung bình kéo dài 20-90 phút, nhưng hiện tượng mắt đau, mắt đỏ có thể kéo dài tới tận 24 giờ. Những người chưa từng tiếp xúc với OC thì khi bị xịt hơi cay sẽ có cảm giác như bị thiêu đốt.

Tạp chí Nhãn khoa điều tra và khoa học thị giác từng công bố một kết quả nghiên cứu rằng, mắt chỉ tiếp xúc OC một lần thì vô hại nhưng nếu tiếp xúc nhiều hơn thì có thể dẫn tới những thay đổi lâu dài về độ nhạy cảm của giác mạc, nhưng thị lực không bị giảm vĩnh viễn.

Việc xịt hơi cay trực tiếp ở cự ly gần có thể khiến mắt bị kích ứng nghiêm trọng hơn vì dòng chất lỏng tập trung có lực mạnh khi chạm vào giác mạc. Một số nhà sản xuất xử lý vấn đề này bằng cách thiết kế phun theo hình elíp.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 3Hiến binh Pháp quăng lựu đạn cay trong một cuộc biểu tình áo vàng ngày 11/5/2019. Ảnh: Getty Images.

Theo Ban đánh giá các lựa chọn khoa học công nghệ (STOA) của Nghị viện châu Âu, tác động của hơi cay là nghiêm trọng, bao gồm mù tạm thời, kéo dài 15-30 phút, cảm giác nóng rát trên da kéo dài 45-60 phút, co thắt thân trên khiến đối tượng dính hơi cay cúi người về phía trước, ho không kiểm soát dẫn tới khó thở, khó nói trong 3-15 phút.

Với những người bị bệnh hen, dùng thuốc hoặc phải hạn chế việc bị tác động đường thở, hơi cay có thể dẫn tới tử vong. Năm 1995, báo Mỹ The Los Angeles Times đưa tin, kể từ năm 1990 ở Mỹ, có ít nhất 61 ca tử vong liên quan việc cảnh sát sử dụng hơi cay.

Nhiều năm qua, cảnh sát nhiều nước sử dụng hơi cay để xử lý biểu tình, giải tán đám đông. Cảnh sát có lúc bị chỉ trích vì việc dùng hơi cay để xử lý phong trào biểu tình chống kì thị chủng tộc đang diễn ra khắp nước Mỹ.

Đầu tháng 6 này trên mạng xuất hiện một video thu hút sự quan tâm của người dân nhiều nước trên thế giới. Video cho thấy cảnh sát thành phố Seattle (Mỹ) xịt hơi cay vào người biểu tình ôn hòa, trong đó có một bé trai 7 tuổi, báo Anh The Guardian đưa tin ngày 15/6. Người lớn nhanh chóng đổ sữa vào mặt em bé để rửa trôi hơi cay.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 4

Đổ sữa vào mặt cậu bé 7 tuổi bị xịt hơi cay. Ảnh: The Guardian.

Ở nhiều nước, hơi cay được coi là một loại vũ khí “hạn chế”, chỉ có các đơn vị cảnh sát và một số lực lượng bảo vệ được sử dụng, theo Law Info China. Tuy nhiên, cũng có không ít nước cho phép người dân mua, sở hữu hơi cách với mục đích tự vệ, như Nam Phi, Mông Cổ, Thái Lan, Malaysia, Ảrập Xêút, Áo, Đan Mạch…, theo Security Pro.

Hơi cay bị cấm sử dụng trong chiến tranh, theo Điều I.5 của Công ước Vũ khí hóa học.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 5

Phụ nữ dùng bình xịt hơi cay để tự vệ chống kẻ cướp, dâm tặc… Ảnh: India Today.

Vụ bê bối hơi cay tại FBI

Trong một nghiên cứu năm 1993, các nhà khoa học quân sự Mỹ kết luận rằng, hơi cay có thể gây ra tình trạng đột biến, ung thư, mẫn cảm, nhiễm độc thần kinh, tim mạch, phổi và có thể gây chết người. Hơi cay vẫn được chấp nhận cho sử dụng ở Mỹ sau khi sản phẩm này vượt qua được các bài khảo nghiệm của FBI năm 1991.

Giám đốc Chương trình Vũ khí ít gây sát thương của FBI vào thời điểm nghiên cứu (năm 1991), đặc vụ Thomas W. W. Ward, đã bị FBI sa thải và bị kết án 2 tháng tù vì đã nhận tiền của một nhà sản xuất, cung ứng hơi cay quy mô lớn trong khi tiến hành nghiên cứu mà nghiên cứu này cuối cùng dẫn tới việc chấp thuận cho FBI sử dụng hơi cay, báo Mỹ The Washington Post đưa tin.

Các công tố viên nói rằng, từ tháng 12/1989 tới năm 1990, Ward mỗi tháng nhận khoảng 5.000 USD (tổng số là 57.500 USD) từ công ty Luckey Police Products ở bang Florida. Số tiền này được trả thông qua một công ty ở Florida do vợ Ward sở hữu, theo báo Mỹ San Francisco Chronicle.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 6 Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay vào người biểu tình. Ảnh: Getty Images.

Cách xử lý khi dính hơi cay

Capsaicin không tan trong nước. Thông thường, người bị dính hơi cay được khuyên chớp mắt thật mạnh, liên tục để nước mắt chảy ra cuốn trôi chất kích ứng khỏi mắt.

Một nghiên cứu về phương pháp thường dùng để xử lý đau đớn ngoài da (dùng thuốc Maalox, gel lidocaine 2%, dầu gội dành cho em bé, sữa, nước) kết luận rằng, không có khác biệt đáng kể về hiệu quả giảm đau của 5 phương pháp này, theo Informa World. Nhiều nhân viên cứu thương thường dùng dầu gội em bé để loại bỏ hơi cay với hiệu quả tương đối tốt.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 7 Diễn tập xịt hơi cay. Ảnh: US Navy.

Người dính hơi cay được khuyên không động tay vào chỗ dính hơi cay vì dễ làm hóa chất dính sang các bộ phận khác của cơ thể. Một số loại OC và CS sẽ tồn tại trong hệ hô hấp nhưng thị lực và sự phối hợp của mắt có thể hồi phục trong vòng 7-15 phút, theo tạp chí Police Marksman.

Một số loại hơi cay “3 tác động” có chứa khí CS. Để trung hòa loại hơi cay này, có thể dùng sodium metabisulfite. Loại hơi cay này cũng không tan trong nước nên cần rửa trôi như với hơi cay thông thường.

Người của FBI biến hơi cay thành hóa chất cấp độ vũ khí rồi hối hận ảnh 8 Lính thủy đánh bộ của Mỹ tập chiến đấu sau khi bị xịt hơi cay vào mặt. Ảnh: USMC News.
MỚI - NÓNG