Người con đầu tiên của bản vùng biên xứ Nghệ đỗ Đại học Y Hà Nội

TPO - Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vi Thị Thảo (học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An) là một trong 7 học sinh dân tộc ít người có điểm thi khối KHTN cao được tỉnh Nghệ An tuyên dương. Thảo cũng là người đầu tiên của bản nghèo vùng biên xứ Nghệ đỗ ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa.

Mái nhà sàn vùng biên nuôi giấc mơ thành bác sĩ

Trong căn nhà sàn đơn sơ ở bản Kẽm Đôn, xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), Vi Thị Thảo chia sẻ chỉ có học mới giúp em thoát khỏi cái nghèo. Nữ sinh người Thái là chị cả trong gia đình 3 chị em. Cũng như bao gia đình khác ở bản, cuộc sống của gia đình Thảo quanh năm bám mặt ruộng đồng, nương rẫy. Để nuôi 3 chị em Thảo ăn học, hàng ngày bố mẹ Thảo phải qua nước bạn Lào mưu sinh. Thế nhưng, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng. Bao năm cố gắng làm ăn nhưng gia đình Thảo vẫn chưa thoát nghèo.

Người con đầu tiên của bản vùng biên xứ Nghệ đỗ Đại học Y Hà Nội ảnh 1

Em Vi Thị Thảo bên căn nhà sàn của gia đình.

Học hết cấp 2 ở trường nội trú huyện, Thảo thi đỗ vào trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An. Do gia cảnh nghèo, mấy chị em Thảo đều theo học trường nội trú tỉnh, huyện. Tiếp bước chị cả, hiện em gái của Thảo cũng học trường nội trú tỉnh, em trai út học nội trú huyện.

Thảo học đều các môn nhưng đam mê nhất vẫn là môn Toán. Ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ tự học sáng, trưa, chiều và tối. Thảo tâm sự: “Bố mẹ em lấy nhau từ năm 16 tuổi. Năm nay mẹ em mới 38 thôi nhưng vất vả, lam lũ nên trông mẹ già đi nhiều. Em thấy mẹ khổ quá nhiều nên em tự nhủ và quyết tâm phải học tốt nhất có thể”.

Và những nỗ lực của nữ sinh nghèo người Thái được đền đáp xứng đáng với kết quả 12 năm liền em luôn đạt học sinh giỏi và ghi tên mình vào trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa để hiện thực hóa ước mơ.

Thảo cho biết, ngày xuống thành phố Vinh dự lễ tuyên dương của tỉnh, em được cả nhà “hộ tống” xuống chia vui. “Mẹ và các em của em chưa bao giờ được xuống Vinh nên tranh thủ dịp này đi cùng. Xuống đó, gia đình em tranh thủ đi thăm tượng đài Bác Hồ, thăm quê Bác”, Thảo bộc bạch.

Người con đầu tiên của bản vùng biên xứ Nghệ đỗ Đại học Y Hà Nội ảnh 2
Thảo cùng mẹ và em trai trong Lễ tuyên dương học sinh đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 do tỉnh Nghệ An tổ chức.

“Thảo tuy trầm tính, ít nói nhưng ở em có tinh thần chịu khó, rất ham học và nỗ lực vươn lên từng ngày. Em là học sinh ngoan, học đều các môn. Trong các đợt thi thử tổ chức ở trường, Thảo đều đạt điểm cao. Được tỉnh tuyên dương và đỗ vào trường y là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó của em”, cô Trần Thị Liên - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết.

Cả bản chỉ có 3 - 4 người học đại học

Ngoài tìm hiểu về hành trình theo đuổi ước mơ thành bác sĩ của Vi Thị Thảo, chúng tôi còn biết bản Kẽm Đôn, xã Tri Lễ nơi em sinh ra và lớn lên có 100% đồng bào người Thái sinh sống. Cuộc sống người dân nơi đây khốn khó. Đa phần khi học xong, các thanh niên đều xuống thành phố hoặc khu công nghiệp tìm việc làm.

Người con đầu tiên của bản vùng biên xứ Nghệ đỗ Đại học Y Hà Nội ảnh 3

Nữ sinh bản nghèo vùng biên xứ Nghệ đầu tiên đỗ Đại học Y Hà Nội.

Biết tin Thảo đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa, bà con bản Kẽm Đôn ai cũng vui lây. Họ vui vì ở bản có rất ít người đỗ đại học. Nếu tính thêm Thảo, cả làng mới chỉ có 3 - 4 người được học đại học bởi không phải ai cũng đủ điểm xét tuyển. Thảo cũng là người con đầu tiên của bản nghèo này đỗ vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa.

“Lên 12 em cũng hơi dao động giữa việc chọn sư phạm hay bác sĩ nhưng em thấy trong bản có mấy chị học sư phạm, một chị học dược rồi thế là em nghĩ bản mình còn thiếu bác sĩ nên em quyết định theo y. Qua tìm hiểu em thấy trường nơi em đăng ký theo học có chế độ miễn học phí 100% cho con em hộ nghèo nên em chọn theo đuổi giấc mơ bác sĩ. Hơn nữa, bà nội em cũng hay bệnh nên em muốn trở thành bác sĩ để sau này có thể tự mình chữa bệnh cho bà”, Thảo chia sẻ.

Từ bản nghèo theo học trường y là một chặng đường không đơn giản, nhiều khó khăn, thách thức đang chờ nữ sinh nghèo người Thái. Tin rằng với nỗ lực và quyết tâm của mình, Vi Thị Thảo sẽ thực hiện được ước mơ để trở về giúp đỡ bà con quê hương.

MỚI - NÓNG
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
'Làm lụng bao năm nhưng chỉ một trận lũ là trắng tay'
TPO - Mưa kéo dài trên diện rộng đã khiến mực nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên cao gây ngập lụt nhiều thôn, xóm ven sông trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến trưa 12/9 nhiều thôn ở xã Việt Long vẫn chìm trong biển nước, có người dân ngậm ngùi chia sẻ: "Làm lụng, tích họp nhiều năm nhưng chỉ cần một trận lũ về là trắng tay"