Một là ghi hình cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Hai là chứng kiến phía Sài Gòn thực hiện Hiệp định Paris giữa vùng giáp ranh như thế nào.
Lúc ấy, nhà báo Chu Chí Thành mới cưới vợ được 20 ngày. Đám cưới giữa tháng 1 thì đầu tháng 2/1973 đã có lệnh đi Quảng Trị. Đúng những ngày trăng mật hạnh phúc nhất, anh đã chấp hành mệnh lệnh cấp trên tạm biệt người vợ mới cưới lên đường làm nhiệm vụ.
Dân quân Quảng Trị bắt tay người lính Sài Gòn |
Phương tiện di chuyển là chiếc U oát Liên Xô. Tờ mờ sáng, hai nhà báo đã rời Hà Nội rồi đi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trên đường đi gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, nhiều hố bom mới được san lấp, có cung đường phải đi vòng hàng chục cây số vượt qua bờ ruộng, con đê do dân công cắm cờ báo hiệu khu vực bom chưa nổ. Cả những trận mưa lớn khiến đường đất nhão nhoét, xe sa lầy xuống hố nhưng rất may nhờ được xe bộ đội kéo lên, thành thử vào đến Quảng Trị thì muộn hơn dự kiến. Đến Đông Hà, hai anh gặp quân quản trao đổi công tác rồi lập tức triển khai công việc luôn, đến vùng giáp ranh quan sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn theo Hiệp đinh Paris năm 1973.
Nhà báo Chu Chí Thành sinh năm 1944, ông là sinh viên Tổng hợp văn khóa 1963 – 1966. Tháng 9 năm 1975, ông được cử sang CHDC Đức học ảnh báo chí 5 năm liền. Khi về nước, ông tiếp tục công tác tại TTXVN cho đến khi nghỉ chế độ. Năm 1994, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa IV, và đến khóa V (1999) làm Phó Chủ tịch Hội. Nhiệm kỳ 2005 đến 2009, ông giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2022 vừa qua, nhà báo Chu Chí Thành được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho bộ ảnh “Trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn – Quảng Trị”, trong đó tấm hình hai người lính bá vai nhau là điểm nhấn vô cùng nhân văn cho cả bộ ảnh.
Trong những ngày không trao trả tù binh Chu Chí Thành và Trần Mai Hưởng tiếp cận chốt Long Quang. Đây vẫn là điểm đánh nhau quyết liệt. Phía địch đào hào, đắp ụ cát và sẵn sàng nhả đạn. Hai bên giành giật từng mét đất. Phía Sài Gòn nghe tin Hiệp định Paris ký đình chiến nên đã triển khai quân giành lại Cửa Việt. Khi quân địch tấn công hòng chiếm lại Cửa Việt, quân ta vẫn đánh trả quyết liệt khiến chúng phải rút lui. Nhóm nhà báo vào đến nơi thấy xe tăng, thiết giáp địch vẫn còn bốc cháy nằm la liệt. Nhiều xác chết cháy đen, súng đạn vứt ngổn ngang bên bờ biển.
2 người lính |
Một hôm chính quyền địa phương cho du kích dẫn đường hai nhà báo đến vùng giáp ranh Long Quang. Tại đây các anh gặp nhóm quay phim Trung ương từ ngoài Bắc vào và cả các phóng viên nước ngoài cũng đang có mặt. Nhà báo Chu Chí Thành kể: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy hai người lính cộng sản và lính cộng hòa bá vai nhau thân mật cười nói. Và cũng lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy lính cộng hòa. Có những sáu, bảy lính Sài Gòn. Họ thân mật, vui vẻ bắt tay các chiến sĩ quân Giải phóng và nữ dân quân. Khi chị dân quân bắt tay người lính Cộng hòa, tôi đã chớp được hình ảnh hai người vào ống kính. Vừa thấy tôi giơ máy ảnh, anh lính Cộng hòa liền bá vai anh lính Giải phóng bảo: Nhà báo chụp cho chúng tôi tấm hình kỷ niệm.”
Hạnh phúc chiến thắng trở về |
Sau này anh mới biết chị dân quân bắt tay người lính Sài Gòn trong tấm ảnh là o Chính, Bí thư xã Triều Trạch - Quảng Trị. Mấy chục năm sau có dịp quay lại Quảng Trị thì anh hay tin chị đã mất. Ngay chiều hôm đó, Chu Chí Thành về phân xã Giải phóng Quảng Trị tráng phim dưới hầm làm ảnh gửi ra Hà Nội. Sở dĩ mọi việc chuyên môn đều phải làm dưới hầm là vì tình hình an ninh những ngày này vẫn chưa được an toàn. Tuy không xảy ra đụng độ nhưng hai bên vẫn bố phòng cảnh giác lẫn nhau. Quân ta đã đào chiến hào và đặt hàng loạt vũ khí B40 chĩa sang phía địch để sẵn sàng nhả đạn một khi phía bên kia gây hấn.
Ba tháng sau, Chu Chí Thành và Trần Mai Hưởng quay ra Hà Nội đúng dịp lễ 1/5, ngày hòa bình đầu tiên trên đất Bắc. Giữa thủ đô, dòng người nườm nượp và cờ hoa tràn ngập khắp đường phố, không khí hân hoan, vui tươi đón ngày thống nhất đất nước cận kề. Việc đầu tiên là anh đến cơ quan báo cáo chuyến công tác và lên ban ảnh xem ma két bộ ảnh gửi ra, trong đó có ảnh chị dân quân bắt tay người lính Sài Gòn và bức ảnh hai người lính bá vai nhau.
Rất tiếc là phim chụp hai người lính đã bị ban biên tập bỏ đi, chỉ còn tấm phim chị dân quân bắt tay người lính Sài Gòn và số ảnh lính hai chiến tuyến cười nói vui vẻ. Sau, anh bóc tấm ảnh hai người lính bá vai nhau trên ma két mang về cất giữ hơn 30 năm. Sở dĩ tấm ảnh cỡ nhỏ cỡ 3x4 cm giữ được lâu là do ngày ấy chụp bằng phim đen trắng Orwo CHDC Đức chất liệu tốt, lại chụp bằng máy ảnh Nhật Minolta. Mấy chục năm sau, khi công nghệ phát triển, anh mang bức ảnh ra scan lại rồi phóng to lên trưng bày triển lãm.
Trong triển lãm cá nhân tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, ngoài những tấm ảnh chụp trao trả tù binh Cửa Việt - Quảng Trị, bức hình ghi lại khoảnh khắc quý giá có một không hai giữa hai người lính đã được rất nhiều đồng nghiệp, người xem ấn tượng, khen ngợi. Các nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Sài Gòn cũ như Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Văn Thông cũng cho rằng “Chúng tôi rất khâm phục nhà báo Chu Chí Thành khi chớp được khoảnh khắc những người lính ở hai chiến tuyến bá vai nhau thân tình cười nói như người một nhà. Đây là tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử”.
Chuyến đi công tác của nhà báo Chu Chí Thành năm ấy cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm đầy xúc động. Đấy là hình ảnh những người lính cộng sản được phía Sài Gòn trao trả vội vã cởi bỏ hết quần áo chỉ mặc quần đùi rồi nhảy ào từ xuồng máy xuống sông khi xuồng còn chưa tới bờ để nhào vào vòng tay của mẹ, của vợ trong đầm đìa nước mắt. Rồi cảnh chị y tá lội ra sông dìu anh thương binh cụt chân vào bờ vừa đi vừa khóc.
Cảm động nhất là khi Chu Chí Thành chứng kiến đôi vợ chồng tù nhân, chị vợ tên Hà được trao trả đợt đầu ra đón chồng là thiếu tá San bị cụt một chân phải đi nạng. Hai người vừa gặp đã ôm chầm lấy nhau, đôi mắt hoe đỏ. Nhà báo Thành còn nghe tiếng anh chồng hỏi vợ trong nước mắt: “Em có khỏe không?”.
Trong không khí lịch sử có một không hai này, Chu Chí Thành giơ máy ảnh bấm liên tục để ghi lại những hình ảnh hiếm hoi vào ống kính. Sau này, bộ ảnh “Trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn - Quảng Trị” nhận được giải thưởng Nhà nước năm 2012. Riêng bức ảnh hai vợ chồng tù nhân, chị Hà và anh thương binh San ôm nhau mừng vui được gửi đi triển lãm CHDC Đức năm 1974. Tấm ảnh có tên là “Ngày chiến thắng trở về”.