Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền cho biết, ông “treo dao” từ tháng 1. Do đòi hỏi công tác của ngành pháp y TPHCM, mãi năm 2007, ông mới được nghỉ hưu ở tuổi 69. Trung tâm Giám định pháp y thành phố thành lập năm đó đề nghị ông tiếp tục công việc giám định viên, nên ông lại hoãn hưu.
Chuyện nghề
Khi đến tuổi 77, ông nói: “Nghề nhạy cảm, nên nghỉ cho đúng lúc. Lớn tuổi rồi phải biết lường trước, phải thấy trước mình sẽ dễ sai sót, thiếu bao quát mà nếu bỏ sót điều gì đó là dễ làm sai lệch kết quả giám định, ảnh hưởng đến quá trình điều tra hoặc tìm ra bệnh lý”.
Bác sĩ Tuyền thường được đồng nghiệp trẻ gọi là “sư phụ”, “bố” vì thâm niên 49 năm làm giám định pháp y kể từ lúc ông tốt nghiệp chuyên ngành giải phẫu bệnh lý năm 1966 tại Đại học Y Hà Nội. “Công việc tôi cũng như phóng viên mấy anh, đi đêm về hôm, gọi giờ nào đi giờ đó, 1-2 giờ sáng lao ra khỏi nhà là chuyện thường”, ông cười.
Chúng tôi nhắc lại lần chứng kiến ông vừa mổ xác xong là ra ngoài “quất” ngay tô phở, trong khi cánh phóng viên không ai nuốt nổi muỗng cơm và cả tháng sau còn ớn lạnh khi nhìn thấy thịt lợn, thịt bò. Ông lại cười khì. “Anh biết không, mùi tanh, hôi thối nó bám vào niêm mạc lỗ mũi, nó theo mồ hôi ngấm vào da, cho nên sau khi mổ xong một xác chết trương sình thì toàn thân đều bốc ra cái mùi đó”, ông nhăn mặt. “Thậm chí, mở miệng nói chuyện cũng có mùi xác thối. Leo lên ô tô đi về phải kéo kính xuống vì cả ê kíp ai cũng nặng mùi. Vừa bước vào nhà, vợ con là biết ngay mới mổ xác thối rữa và lúc đó phải tự động mà ra sô pha ngủ, không thể vô phòng nằm”, ông kể.
Nhắc đến gia đình, ông nói: “Cũng như mấy anh, muốn theo nghề này, phải làm sao để tình thương lấn át cái nghề của mình, vợ con sẽ dễ dàng cảm thông. Luôn dành trọn bầu không khí vui vẻ khi ở nhà”. Ông gật đầu “gặp nhiều chớ” khi chúng tôi hỏi có khi nào mổ tử thi người quen, bạn bè. Ông nhớ đến trung tá CSGT tên Bừng, bạn ông, đột tử ở nhà. Bác sĩ Tuyền gặp nhiều khó khăn với ca này vì khi mổ, ông kết luận nguyên nhân chết vì nhồi máu cơ tim, nhưng người nhà từ Hà Nội vào cho rằng bạn ông bị giết. “Những lúc gặp xác người quen, tự nhiên tình cảm và nhiệm vụ được đưa lên bàn cân xem cái nào nặng hơn. Nhưng tôi luôn bị nhiệm vụ đè nặng”, ông nói.
Phá án
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền. Ảnh: Quốc Ngọc
Ông kể mình không đến nhà ai vào ngày Tết vì sợ người ta kiêng kỵ, chỉ trừ những người rất thân trong gia đình. “Tôi là thầy thuốc chưa bao giờ rờ tới bệnh nhân sống, chỉ toàn xác chết thôi… Cái chúng tôi tìm ngược lại với y học lâm sàng, đó là nguyên nhân dẫn đến chết để giải quyết 2 vấn đề cung cấp bằng chứng phá án và giải phẫu bệnh lý”, ông tự hào.
Ca đầu tiên của bác sĩ Tuyền khi còn là sinh viên là một cô bé mới 6 tháng tuổi, khi chết hãy còn rất đẹp. Bé đẹp đến nỗi ông run tay. Bé chết vì viêm phổi. “Khi một người đẹp chết, họ vẫn rất đẹp, nhưng quan trọng với tôi lúc đó chỉ là tại sao họ chết, phải tìm nguyên nhân để cho cõi sống được thêm những kinh nghiệm để chữa trị những ca tương tự, hoặc cơ sở để phá án”, ông nói.
Một vụ xảy ra ở quận 8, TPHCM, tòa xử mãi không được cho đến khi ngành pháp y vào cuộc. Bác sĩ Tuyền xác định hướng dao đâm chết nạn nhân và kết luận nó phải được thực hiện bằng tay trái, chứ không đúng như bị cáo đã khai bằng tay phải. Hồ sơ vụ án được lật lại. Vụ việc sáng tỏ: Người cha gần 80 tuổi nhận tội thay cho con trai độc nhất của mình. Trong lúc cự cãi, anh này đã đâm chết hàng xóm; người cha chỉ hiện diện lúc án mạng xảy ra.
Về cái chết của cô X. làm việc cho một khách sạn ở Bạc Liêu, kết luận chính thức là cô chết do tai nạn giao thông, đập đầu xuống đường. Không đồng ý, gia đình làm đơn gửi Bộ Công an; vụ việc phải điều tra lại. Bộ trưng cầu bác sĩ Tuyền xuống giám định. Ông phải khai quật xác đã chôn gần 1 năm. “Xem xét hộp sọ, tôi thấy đúng là chấn thương sọ não, tuy nhiên không phải do té ngã mà phải do tác động của một lực rất mạnh vào đầu. Trên xương sọ còn thấy đó có thể là một vật đầu tròn đâm vào sọ”, ông kể. Cuối cùng, từ kết quả này, công an tỉnh điều tra kết luận cô X. bị người tình là một thủ kho giết. Người này giết cô X. để có thể yêu cháu gái của chính cô X.
Theo ông, nghề giám định pháp y cũng có thể “xơ múi”, người giám định chỉ cần “xê dịch” tí xíu kết quả cũng có thể dẫn đến sai lệch vụ án.
Có người trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở Viện Kiểm sát, công an, trường luật hỏi khi ông khi đang đứng trên bục giảng: “Thưa ông Tuyền, ông có là người trong sạch không?”. Ông trả lời: “Thưa, từ giờ phút này trở về trước đây, tôi trong sạch. Nhưng còn sau giờ này cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thể biết được. Tôi sẽ cố gắng để trong sạch”.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền sinh năm 1938 ở Cà Mau. Ông vào chiến khu lúc 5-6 tuổi vì cha mẹ đều tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông thuộc diện học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Học ở Trung Quốc 3 năm, rồi về Hà Nội học Đại học Y Hà Nội khóa 1960-1966. Theo yêu cầu của Ban Thống nhất T.Ư, ông đi chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ miền Nam. Khi ra trường, ông về làm việc ở phòng giải phẫu bệnh lý thuộc Viện Chống lao của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Năm 1975, ông về Sài Gòn công tác ở Bệnh viện Bình Dân làm pháp y vụ và thành lập Tổ Pháp y TPHCM mà ông là tổ trưởng kiêm tổ viên.