Cách đây hai năm vợ chồng chị Duyên (Nam Định) vẫn còn làm việc trên Hà Nội. Anh chị thuê phòng trọ và nhờ bà ngoại bà nội thay phiên nhau lên trông cháu. Nhìn rõ sự mệt mỏi của hai bà do phải đi lại nhiều và thêm phần sốt ruột nhà cửa ruộng vườn ở quê, anh chị có chút phân vân.
Thuê người thì không đủ điều kiện và không yên tâm, chồng Duyên lại là con trưởng trong nhà chỉ có hai anh em trai. Suy đi tính lại, cuối cùng anh chị quyết định về quê sống cùng bố mẹ chồng.
Ông bà vui ra mặt vì gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con, bà vừa được gần ông vừa được gần cháu. Còn cuộc sống của vợ chồng chị Duyên khó khăn hơn vì mức lương ở quê quá rẻ mạt. Nhưng đôi vợ chồng trẻ này vẫn chấp nhận đánh đổi.
Lương thấp nên mỗi tháng vợ chồng chị chỉ góp được với ông bà 2 triệu để bà chủ động đi chợ nấu ăn. Nhưng rồi, buổi sáng thì hai vợ chồng ăn chống đối do không quen kiểu ăn của ông bà (sáng nào cũng ăn cơm). Buổi tối thì hôm nay vợ không ăn cơm nhà, ngày mai chồng không ăn cơm nhà.
Có hôm, cả hai vợ chồng đều không ăn ở nhà, do liên hoan công ty, liên hoan sinh nhật đồng nghiệp,….Có hôm khác thì vợ chồng lỡ rủ nhau đi ăn mảnh nhưng quên không báo về nhà. Những hôm ấy, kiểu gì về nhà cũng có chuyện mẹ chồng chị. Vì thế, rút kinh nghiệm lần sau, kỷ niệm ngày gì đó, muốn đi ăn mảnh thì vợ chồng phải nghĩ cách nói dối để hoãn cơm nhà.
Cứ tình trạng diễn biến như vậy, một hôm, mẹ chồng chị gọi hai vợ chồng chị Duyên ngồi nói chuyện. Bà nói: “Mẹ sẽ không lấy tiền ăn của chúng mày nữa, chúng mày thích ăn gì thì mua, chúng tao ăn khác chúng mày… Rồi thích ăn lúc nào thì ăn không phải chờ đợi nhau lỡ việc của nhau ra”.
Chồng chị Duyên nhất định không đồng ý việc ăn riêng bởi nhà có mấy người lại sống chung nhà, ăn riêng không tiện. Hơn nữa việc ăn riêng sẽ gây mất đoàn kết. Sau một hồi giải thích thì bà có vẻ xuôi cái vụ ăn riêng, nhưng tiền ăn vẫn không nhận. Thế là từ đó bà có gì ăn nấy, vợ chồng chị Duyên thích ăn gì thì mua thêm.
Mọi việc êm thấm được khoảng gần một năm, thì nhân mấy việc làm mẹ chồng ức sẵn trong lòng nên bà lại đề cập đến chuyện ăn riêng. Và lý do vẫn là những lý do cũ đã đề cập ở lần trước. Đương nhiên chồng chị Duyên lại không đồng ý.
Về phía chị Duyên, do chồng chị làm lương không cao, lại đang ở nhà của ông bà, nên cũng chẳng dám ý kiến gì, mọi chuyện do chồng quyết định và chị nghe theo. Chị chỉ đang băn khoăn rằng, mọi nhà thì đều là con cái xin ra ở riêng, ăn riêng, nhưng nhà chị thì ngược lại. Mẹ chồng đã hai lần xin ra ăn riêng, chị có nên tiếp tục ăn chung nữa không?
Nói về chuyện ăn chung ăn riêng, mẹ chồng chị Hải Anh (Ninh Bình) cũng chia sẻ rằng, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhà chị không đến nỗi tồi. Nhưng hai thế hệ ăn chung với nhau nên mọi thứ khác quá. “Chúng nó chẳng biết tiết kiệm gì cả, hơi một tý là đổ đi, thừa đồ ăn mặn cũng đổ đi, lãng phí quá” - Mẹ chồng chị hay kêu ca vậy.
Chị Hải Anh thì cho rằng không muốn ông bà phải khổ nữa: “Ngày xưa không có mới phải tiết kiệm, bây giờ con cháu trưởng thành rồi muốn cho ông bà hưởng thụ những món ăn ngon, mới lạ. Nhiều khi đồ ăn thừa qua mấy ngày ông bà vẫn ăn vì tiếc, mình có bỏ đi thì bảo mình lãng phí, trong khi ăn mấy thứ đó đâu có tốt”.
Người con dâu này còn kể nhiều tình huống tiết kiệm quá mức của ông bà mà chị thấy thật không phải lối: “Bát mì tôm mình ăn thừa ít nước bỏ vào bồn rửa bát rồi, bố chồng còn tiếc mang lên húp nốt cho đỡ phí. Miếng bì lợn sống đã vứt vào túi rác ông vẫn còn nhặt ra” - Chị Hải Anh bức xúc.
Có lẽ vì suy nghĩ giữa hai thế hệ khác nhau như thế, nên mẹ chồng chị cứ nằng nặc đòi ăn riêng, trong khi nhà có mỗi chồng chị là con trai một. Sống cùng nhau nên chị muốn cả nhà ăn chung cho đầm ấm, cho vui cửa vui nhà và tình cảm thêm thắm thiết.
Dù mẹ chồng chị năm lần bảy lượt đòi ra ăn riêng nhưng Hải Anh vẫn nhất quyết không chịu. Chị cũng giải thích cho ông bà hiểu trong từng hành động tiết kiệm vô lý. Dần dần ông bà cũng hiểu ra vấn đề hơn.