Ngôi trường được xây từ bộ đèn dầu cổ

Ngôi trường mầm non gắn với câu chuyện cảm động về Lê Công Anh Đức. Ảnh: Nguyễn Dương.
Ngôi trường mầm non gắn với câu chuyện cảm động về Lê Công Anh Đức. Ảnh: Nguyễn Dương.
Trường mầm non Lê Công Anh Đức (xã Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam) được xây dựng từ nguồn kinh phí quy đổi bộ đèn dầu cổ có giá trị hàng tỷ đồng. Tên ngôi trường gắn với chủ nhân quá cố của bộ sưu tập.

Năm 2012, trường mầm non Lê Công Anh Đức với cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất huyện Điện Bàn được khánh thành và đi vào hoạt động trong niềm vui của người dân, chính quyền xã Điện Hồng. Bởi từ thời điểm đó, con em họ không còn phải học tại căn phòng cũ kỹ, dột nát được UBND xã dựng tạm.

Ngôi trường tọa lạc trên diện tích hơn 5.000 m2 giữa cánh đồng thôn Đa Hòa, xã Điện Hồng, với 13 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia. Đây là nơi học tập, vui chơi cho gần 400 trẻ nhỏ trong độ tuổi 3-5 tại địa phương.

Ngôi trường được xây từ bộ đèn dầu cổ ảnh 1

Trong cuốn tập tài liệu nhà trường lưu giữ, nâng niu, có ghi đầy đủ thông tin về cuộc đời với niềm đam mê đèn cổ của Đức. Ảnh: Nguyễn Dương.

Cô Nguyễn Thị Phương Liên, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "Ngôi trường được khánh thành, đã biến ước mơ của chúng tôi thành hiện thực. Tất cả đều nhờ công sức của anh Lê Công Anh Đức - một người con quê hương Điện Hồng mà tất cả cô trò chúng tôi chưa từng được gặp mặt một lần".

Trong cuốn tập tài liệu xây dựng và phát triển trường được nhà trường nâng niu, có cuốn sách do gia đình ghi đầy đủ về tiểu sử cuộc đời của chàng trai Lê Công Anh Đức.

Từ nhỏ, Đức đã có niềm đam mê lớn với đồ cổ, đặc biệt là đèn dầu. Năm lớp 4, Đức đã dành thời gian đi sưu tầm tem. Đến năm 22 tuổi, là kỹ sư vô tuyến điện, anh đã đi khắp các tỉnh thành và một số quốc gia để sưu tầm đèn dầu cổ. Ước mơ của anh là sẽ mở được một bảo tàng tư nhân để lưu giữ những chiếc đèn dầu cổ mà mình cất công sưu tầm. Từ đó, sẽ tích góp một nguồn kinh phí cho việc xây dựng trường học tại quê hương.

Ngôi trường được xây từ bộ đèn dầu cổ ảnh 2

Ngôi trường khang trang, rộng rãi với đầy đủ phòng chức năng và trang thiết bị dạy học. Ảnh: Nguyễn Dương.

Năm 2002, anh Đức đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông khi mới 32 tuổi, chưa vợ con. Ông Lê Công Chiêm (trú quận Bình Thạnh, TP HCM, cha của Đức) cho biết, sau khi Đức mất, có nhiều người ngỏ lời muốn mua bộ sưu tập đèn dầu cổ, nhưng gia đình từ chối bán.

Để thực hiện ước mong của con trai là giữ trọn bộ sưu tập hơn 500 đèn dầu cổ cho mọi người chiêm ngưỡng và phải mang lại công ích cho xã hội, năm 2011 gia đình đã bàn bạc và thống nhất chuyển giao toàn bộ số cổ vật này cho Bảo tàng huyện Điện Bàn. 

"Gia đình lấy số tiền 6,2 tỷ đồng từ việc quy đổi đó để xây dựng trường mầm non công lập, giúp ích cho việc giáo dục đào tạo con em tại quê hương", ông Chiêm chia sẻ.

Phó hiệu trưởng trường mầm non Lê Công Anh Đức cho biết, mỗi mùa khai giảng hay mỗi dịp Tết thiếu nhi, gia đình ông Chiêm đều về thăm trường, trao những phần quà, học bổng cho các cháu, sắm sửa thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường phục vụ trong việc giảng dạy.

"Việc làm của gia đình Đức, chúng tôi rất cảm phục và gửi lời biết ơn. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục ở địa phương đi lên đều nhờ sự tâm huyết đó. Đây là tấm gương cho tất cả mọi người nói chung và là động lực giúp các cháu học tại trường nói riêng phấn đấu học tập để sau này trở thành người có ích cho xã hội", cô phó hiệu trưởng bày tỏ.

Theo Nguyễn Dương

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.