Ngôi nhà trọ 'phá giá' dành cho bệnh nhi

Ngôi nhà trọ 'phá giá' dành cho bệnh nhi
TP - Với tính cách và việc làm khác biệt, nhiều người đã gọi ông là Hiệp “khùng”.  Khu nhà trọ của ông được trang bị điều hòa, truyền hình cáp, wifi… nhưng lại được tính giá “bèo” khiến nơi đây luôn đông kín bệnh nhi và người nhà đến trọ. Ngoài việc tất bật với khu nhà trọ, ông Hiệp còn tích cực làm từ thiện và yêu thơ…
Ngôi nhà trọ 'phá giá' dành cho bệnh nhi ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Ông chủ nhà trọ “phá giá”

Gần đây, tôi liên lạc để tới gặp bà Nguyễn Thị Hường, một người phụ nữ quê Nghệ An hơn mười năm nay đã chăm sóc và chữa bệnh cho người con nuôi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới lọt lòng, nay lại mắc bệnh hiểm nghèo. Hỏi địa chỉ, được bà Hường cho biết hai mẹ con bà đang trọ tại nhà ông Hiệp “từ thiện” ở đường Đê La Thành (Hà Nội), gần Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nơi, nhìn quanh các biển nhà trọ nằm ở mặt tiền đường, tôi chẳng thấy nhà trọ nào có biển hiệu như bà Hường nói. Hỏi bác xe ôm ven đường, tôi lập tức được chỉ nơi cần đến nằm trong một ngõ nhỏ sâu hút. “Quanh Bệnh viện Nhi này ai chẳng biết bác Hiệp “khùng” mở nhà trọ với giá từ thiện. Cũng vì phá giá thị trường nên hồi trước ai đó đã phao tin bác ấy bị chết để mọi người đừng tìm đến nhà trọ đó nữa” - người xe ôm cho biết.

Khác với vẻ nóng nực bên ngoài, vừa bước vào nhà trọ của ông Hiệp “khùng” đã có cảm giác mát rượi của khí điều hòa lan tỏa. Tầng một nhà trọ được kê giường và phản để bệnh nhi và người nhà đến ở trong thời gian chữa bệnh. Tại đây nhiều người còn chủ động giặt giũ, nấu cơm, thân thiện với nhau như trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Hường cho biết: Chúng tôi đến đây đều từ các miền quê xa, thiếu đủ thứ, trong khi nhiều cháu lại mắc bệnh hiểm nghèo. Do việc điều trị dài ngày tốn kém, lại không có điều kiện nằm nội trú nên việc được ở nhà trọ của bác Hiệp với giá từ 10 đến 15 ngàn đồng/người/ngày là rẻ lắm rồi. Trong nhiều năm, mỗi lần ra Bệnh viện Nhi Trung ương để chữa bệnh cho con nuôi, bà Hường lại đến nhà ông Hiệp ở trọ. Nghèo hơn cả nghèo nên mẹ con bà Hường được ông Hiệp tính 10 ngàn đồng/người/ngày. Tại đây, những người gia cảnh quá khó khăn như bà Hường được tính giá trọ như thế. “Tại khu trọ này, những đồ dùng như xoong, nồi cơm điện, phích nước, móc quần áo…, ông Hiệp đều cho người ở trọ mượn khi cần” - bà Hường cho biết.

Khu nhà trọ của tôi mở ra khiến giá cả xung quanh khu vực này phải hạ hết xuống mới cạnh tranh được. Đây là điều rất tốt cho bà con bởi không phải lúc nào nhà tôi cũng đủ phòng”. 

 Ông Nguyễn Thế Hiệp

Đang nói chuyện, bà Hường chợt chỉ một người đàn ông từ trên gác đi xuống và cho biết đó là chủ nhà. Ông Hiệp có gương mặt góc cạnh, cá tính, mặc quần áo xoàng xĩnh như đa số người nhà bệnh nhi tại đây. Thoáng nghe bà Hường giới thiệu, ông Hiệp lại gần tôi cười khà: “Đúng rồi, mình là Hiệp khùng”. Trước sự thoải mái của chủ nhà, tôi bèn nhắc lại chuyện bác xe ôm vừa kể về lời đồn thổi ông bị chết thì được ông gật đầu xác nhận. Biết tôi là nhà báo, ông nói: “Để viết về những cảnh khổ cần sự giúp đỡ thì ở đây nhiều lắm”. Rồi ông ngồi xuống phản, giới thiệu một số bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo đang trú tại khu trọ.

Sinh ra ở Hà Nội, nhưng sau khi xuất ngũ năm 1985, cựu chiến binh Nguyễn Thế Hiệp lên Thái Nguyên làm công nhân, lập gia đình và ở tại đó. Năm 1995, khi nhà máy ít việc, ông xin nghỉ “một cục” và đưa vợ con về Hà Nội sống. Ông dồn tiền mua mảnh đất gần Bệnh viện Nhi Trung ương và xây nhà để ở. Rồi có những tối ra đường, ông Hiệp gặp rất nhiều bệnh nhi và người nhà ngủ ngoài đường. Hỏi chuyện, ông biết đó đều là những người nghèo đưa con cháu ở tỉnh xa về đây chữa bệnh, nhưng do không có điều kiện nội trú lẫn ở trọ nên họ đành vạ vật ngủ ngoài đường. Thấy vậy, ông Hiệp bèn dành hai phòng của gia đình để cho bệnh nhi và người nhà vào ở với giá rẻ hơn hẳn những nhà trọ trong khu vực. Nhưng dù có lấy giá rẻ “bất ngờ”, vẫn có những người không thể ở trọ. Ông Hiệp kể, một hôm trời rét, ông ra ngoài thấy hai bố con ôm nhau ngủ trên hè nên mời họ về nhà. Người bố nói: “Số tiền trọ đó hôm sau hai bố con có thể mua suất cơm bụi. Chúng tôi chịu rét còn được, chứ chịu đói không nổi”. Lần khác, ông Hiệp gặp ở hè đường một cháu bé nằm giữa, hai bên là bà và mẹ, tất cả cùng ôm nhau ngủ. Ông Hiệp mời về nhà trọ nhưng họ nói không có tiền, nên đã cho ở miễn phí. “Những chuyện đó khiến tôi làm sao có thể lấy giá nhà trọ như mọi người được”- ông Hiệp cho biết.

Năm 2008, ông Hiệp thuê thêm mảnh đất gần nhà để mở rộng khu trọ thành nhà 3 tầng với 44 phòng, trong đó chỉ giữ lại 2 phòng cho gia đình. Khi đó, có người hỏi: “Vì sao ông lại theo đuổi mô hình này?”- ông Hiệp đáp: “Hằng ngày, tôi tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn lang thang cơ nhỡ, buổi tối chỉ ngủ ở vỉa hè, ghế đá… Có những người đi xin cháo từ thiện ăn qua ngày nên cần làm một chút gì đó để giúp đỡ họ mà mình vẫn sống được”. Với người nghèo, đây là mức giá hiếm có nên khu trọ của ông ngày nào cũng có hơn một trăm lượt khách vào ra. Trong khi đó, những khu nhà trọ lân cận giá đều cao gấp vài lần.

Ngôi nhà trọ 'phá giá' dành cho bệnh nhi ảnh 2 Ông Nguyễn Thế Hiệp (bế cháu bé) cùng các bệnh nhi và người nhà trong khu trọ của ông. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Làm từ thiện và yêu thơ

Khi câu chuyện “vào phom”, ông Hiệp bèn mời tôi lên phòng của mình. Leo qua những bậc cầu thang nhỏ, tôi lên tới tầng 3, vào căn phòng rộng chừng sáu thước vuông, đồ đạc tất thảy đều cũ kỹ. “Vợ chồng tôi chỉ có một con gái, nay đã lập gia đình. Vợ tôi thường đến ở với gia đình con nên chỉ một mình tôi trông coi khu nhà trọ này” - ông Hiệp kể. Rồi ông cho biết, tiếng là giữ lại hai căn phòng cho gia đình, nhưng nhiều khi khách đông ông cho họ thuê nốt, còn mình chui vào kho hoặc lên sân phơi ngủ. Ông bảo, mình cho thuê thế là để khách có chỗ ở chứ không phải vì tiền. Bởi khi góp được một khoản tiền, ông lại dành phần lớn để làm từ thiện.

Năm 2014, ông Nguyễn Thế Hiệp đã công đức hơn 80 triệu đồng vào việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Ngô Quang Bích (một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, đồng thời là một danh nhân văn hóa đất Việt) tại căn cứ Khe Châu (xã Xuân An, Yên Lập, Phú Thọ). Cùng năm đó, ông Hiệp đã thành lập và tài trợ phần thưởng khuyến học Ngô Quang Bích cho những học sinh thuộc hộ nghèo học giỏi và những học sinh đạt giỏi cấp huyện trở lên của xã Xuân An. Phần thưởng này được tiến hành trong 10 năm, kể từ 2014. Năm 2016, ông Hiệp được Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam ra quyết định để làm Chi hội phó Chi hội HTGĐLS quận Ba Đình (Hà Nội). Với cương vị này, trong hai năm 2016 và 2017, ông Hiệp đã nhiều lần cùng Chi hội HTGĐLS quận Ba Đình đi trao quà cho các gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở một số địa phương…

Ngôi nhà trọ 'phá giá' dành cho bệnh nhi ảnh 3 Ông Nguyễn Thế Hiệp (bìa trái) và bố con anh Đỗ Ngọc Khánh. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Nay đã 70 tuổi, nhưng ông Hiệp còn khá khỏe mạnh. Ông vốn xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm giáo học ở huyện Bình Lục (Hà Nam). Bố ông ra Hà Nội từ trước năm 1954 để dạy học. Do mẹ mất sớm, bản thân là con út nên ông Hiệp không có điều kiện học lên cao, nhưng vẫn ngấm được khí chất gia đình. Ông Hiệp yêu thơ và cũng từng làm thơ. Năm 1979, khi đi bộ đội đóng quân tại khu vực biên giới Cao Bằng, ông Hiệp từng làm thơ. Ông đọc cho tôi bài “Biên giới mùa xuân 1979” mình làm khi đó: “Năm tháng ơi có thể nào quên/Đường hành quân bốn mùa ra trận/Mùa xuân này hoa đào hoa mận/Khoe sắc tươi chào đón chúng con đi/… Bên mùa hè thanh thoát một vầng trăng/Trên chốt tiền tiêu ghép vần thơ chiến sĩ/Đường hành quân chưa một giây ngưng nghỉ/Giữa muôn cao hùng vĩ chúng con đi” . Hoặc sự lãng mạn của anh lính trẻ Nguyễn Thế Hiệp với bài thơ “Tiếng hát ven điểm chốt” cũng tại thời điểm 1979: “Tiếng em hát giữa trời xanh/Vang lên đỉnh chốt làm anh bồi hồi/Ơi hời em gái yêu ơi/Chốt đây anh giữ bầu trời của em/Áo em hồng ánh hoa sen/Và đôi mắt biếc sao quem quá chừng…”. “Bài Biên giới mùa xuân 1979 của tôi được đăng ở báo Cao Bằng năm đó. Hồi ấy phụ cấp hàng tháng của lính được 5 đồng, tôi ra tòa soạn lĩnh nhuận bút bài đó được hẳn 8 đồng, mừng quá mang về khao cả tiểu đội”- ông Hiệp cười cho biết. Rồi ông kể thêm, sau này do cuộc sống bươn chải nên ông ít có điều kiện làm thơ, nhưng vẫn rất yêu thơ. “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức hàng năm tôi vẫn luôn tới tham dự”- ông Hiệp nói.

Trở lại câu chuyện nhà trọ, ông Hiệp tâm sự, có lẽ những việc làm khác đời của ông tại nhà trọ khiến một số người gọi ông là Hiệp “khùng”. Có người lại bảo chắc là đầu óc ông có vấn đề. Còn ông lại vui vẻ nhận mình là Hiệp “khùng”. Nhưng cái sự “khùng” của ông  có lúc lại nhận được những ứng xử bất ngờ. Một lần ông ra quán bún thang gần nhà ăn, đến khi trả tiền thì chủ quán nhất định không lấy. Lần khác, lúc trả tiền taxi về nhà thì người lái xe không nhận, và nói: “Con biết bố rồi. Số tiền đó con không lấy đâu để bố giúp người khác”. “Trước những sự việc như thế tôi cũng ngại, nhưng rồi thấy vui. Bởi qua đó mới thấy những người tốt trong xã hội có rất nhiều” - ông Hiệp bày tỏ.

Ngôi nhà thứ hai

Bữa đến nhà ông Hiệp “khùng”, tôi gặp bố con anh Đỗ Ngọc Khánh (quê xã Vân Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ) đã ở trọ tại đây được gần được 3 năm. Khi cháu Đỗ Thị Bạch Dương (sinh năm 2002) mắc bệnh, anh Khánh đã đưa con lên Bệnh viện E để chạy thận, hai ngày một lần. Do không thể liên tục đi về, anh Khánh tìm nơi ở trọ nhưng chưa có nơi nào hợp lý. Được người quen giới thiệu, anh Khánh tìm đến nhà ông Hiệp, thấy nơi đây tuy không gần Bệnh viện E nhưng giá cả và điều kiện sinh hoạt đều hơn hẳn nơi khác nên đã thuê trọ. Mang xe máy lên nơi trọ, anh Khánh đều đặn chở con gái lên Bệnh viện E chạy thận rồi về, đến nay đã được gần 3 năm. Anh Khánh cho biết: “Bác Hiệp chỉ lấy mỗi bố con 10 ngàn đồng/ngày, nhưng được dùng mọi thứ nên bố con tôi coi như được miễn phí”. Còn cháu Đỗ Thị Bạch Dương nói: “Bố con cháu luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình”.

MỚI - NÓNG