"Romeo-Juliet phương Đông"
"Tình yêu là một thứ cảm xúc tuyệt diệu của con người đã được miêu tả trong văn học dân gian và nghệ thuật từ thời Trung Quốc cổ đại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khảo cổ, những bằng chứng trực tiếp phản ánh tình yêu "bằng xương bằng thịt" là vô cùng hiếm", bình luận của các tác giả nghiên cứu về 2 bộ xương ôm nhau trong "ngôi mộ tình nhân" ở Trung Quốc được NY Post dẫn lại.
Toàn cảnh ngôi mộ đơn sơ của cặp vợ chồng thời Bắc Ngụy. |
Theo Ancient Pages, ngôi mộ tình nhân được xác định khoảng 1.500 năm tuổi thuộc thời Bắc Ngụy (386-534) - một thời đại chính trị hỗn loạn ở Trung Quốc cổ đại.
Ngôi mộ được phát hiện tình cờ tại một công trường xây dựng ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái. Các nhà khảo cổ đã bị sốc khi phát hiện 2 bộ xương một nam một nữ ôm chặt lấy nhau trong một mộ cổ đơn sơ.
Trong ngôi mộ đơn sơ, người đàn ông nằm phía bên trái, một cánh tay dang ra ôm lấy phần bụng của bộ xương nữ nằm bên cạnh. Bộ xương nữ nằm áp mặt vào vai bộ xương nam, tay trái đặt ngang eo chồng. Trên ngón tay đeo nhẫn của cô có một chiếc nhẫn bạc đơn giản. Vật chứng này cùng với tư thế 2 bộ xương ôm chặt lấy nhau trong ngôi mộ đã khiến các nhà khảo cổ tin rằng, họ là một cặp vợ chồng.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết cặp vợ chồng này là ai hoặc họ chết như thế nào, nhưng có một số manh mối cung cấp một số giả thiết về điều này.
Cụ thể, nhờ bộ xương cốt được bảo quản tốt, các nhà nghiên cứu đã xác định được người chồng chết lúc 30 tuổi và bị gãy xương không lành ở cánh tay phải. Từ đó, ông Wang cho rằng, người đàn ông có thể là một chiến binh. Còn người phụ nữ khoảng 35 tuổi và dường như gặp vấn đề với một trong những chiếc răng khôn của cô ấy.
Theo NY Post, các nhà nghiên cứu tin rằng, cặp vợ chồng là những người bình thường trong xã hội Bắc Ngụy. Sau khi khai quật ngôi mộ, các nhà nghiên cứu đều đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cặp vợ chồng này lại chết trong tư thế đáng yêu như vậy?"
Hình (a) là vết gãy xương không lành của người chồng, hình (b) dấu hiệu viêm xương chi dưới ở hài cốt người chồng, hình (c) hình ảnh chiếc răng bị rụng ở hài cốt người vợ. |
Có một số giả thiết đã được đưa ra nhưng giả thiết người chồng chết vì bệnh tật trước và người vợ tự tử theo để được chôn chung một mộ với chồng với mong ước sang thế giới bên kia họ vẫn là cặp tình nhân được ủng hộ hơn cả.
“Việc tự do theo đuổi tình yêu được ca ngợi và việc tự tử vì tình cũng được chấp nhận”, ông Qian Wang, nhà cổ sinh học kiêm giáo sư tại Trường Cao đẳng Nha khoa thuộc Đại học Texas A&M của Mỹ chia sẻ.
Theo ông Wang, giả thiết người vợ tự tử chết theo chồng được ủng hộ còn vì nó phù hợp với các giá trị của thời đó. Cụ thể ở triều đại Bắc Ngụy của Trung Quốc, chuyện tình cảm nam nữ được ca tụng. Vào thời đại này cũng xuất hiện các câu chuyện tình yêu thắm thiết nhưng có kết cục buồn tương tự như chuyện tình "Romeo và Juliet" ở phương Tây.
Ông Wang lấy ví dụ câu chuyện dân gian "Chuyện tình bươm bướm", trong đó cô gái trong câu chuyện đã nhảy xuống ngôi mộ của người yêu để chết chung với người tình. Sau đó, linh hồn của họ biến thành bươm bướm, bay ra khỏi ngôi mộ và không bao giờ bị chia cắt nữa.
Tình yêu lãng mạn được cộng đồng ủng hộ do ảnh hưởng từ phương Tây?
Ông Qian Wang, nhà cổ sinh học kiêm giáo sư tại Trường Cao đẳng Nha khoa thuộc Đại học Texas A&M của Mỹ cho biết, việc hai người hoặc nhiều người được chôn cất chung trong cùng một ngôi mộ không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc cổ đại.
Trên thực tế, trong nghĩa trang hơn 600 ngôi mộ, được Viện Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây khai quật vào tháng 6/2020 cũng có ít nhất 2 ngôi mộ chôn cất chung khác. Nhưng 2 bộ xương gần như hoàn chỉnh ôm chặt nhau trong vòng tay là duy nhất và là "khám phá đáng chú ý". Nó tiết lộ cái nhìn hiếm hoi về văn hóa Trung Quốc trong khoảng thời gian này, ông Wang chia sẻ.
Vị giáo sư cũng cho biết, khi nhận được những bức ảnh về 2 bộ xương ôm chặt nhau trong vòng tay, ông đã rất sốc.
Hai bộ xương được bảo quản khá tốt. |
Bởi văn hóa Trung Quốc cổ đại chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo nên việc nam nữ, thậm chí vợ chồng thể hiện tình cảm với nhau là điều không được công chúng ủng hộ, thậm chí là một điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, bộ xương cặp vợ chồng thời Bắc Ngụy ôm chặt nhau đã cho thấy điều ngoại lệ, khi mà chính cộng đồng đã hỗ trợ đặt cặp vợ chồng nằm ở tư thế ôm chặt nhau sau khi họ qua đời. Điều này cũng khiến các nhà khảo cổ học tin rằng, cặp vợ chồng chắc hẳn đã có một câu chuyện tình yêu vô cùng bền chặt, cảm động, đủ sức lay động trái tim của mọi người.
"Bạn có thể tìm thấy những ngôi mộ chôn chung hoặc nhiều quan tài trong cùng 1 mộ, nhưng ở đây, chúng ta thấy một "vòng tay yêu thương". Điều đó cho thấy người quá cố đã được đặt vào quan tài trong tư thế đó (ngay sau khi chết). Đó không chỉ là biểu tượng của tình yêu mà nó còn thể hiện sự hỗ trợ của cộng đồng (dành cho cặp vợ chồng quá cố); sự tôn trọng tình yêu của cặp tình nhân từ những người đã chôn cất họ", ông Wang bình luận.
Một nghệ sĩ đã tái tạo lại hình ảnh cặp vợ chồng Bắc Ngụy khi mới qua đời. |
“Sự tự do bày tỏ và chủ động theo đuổi tình yêu trong văn hóa Trung Quốc đã trở nên nổi bật trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên và chiếc nhẫn thể hiện khát vọng tình yêu vĩnh cửu của đôi lứa", các nhà nghiên cứu giải thích thêm.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, việc chôn cất cặp vợ chồng thời Bắc Ngụy này có thể bị ảnh hưởng bởi các phong tục từ phương Tây hoặc “xa hơn nữa” do sự giao thoa văn hóa thông qua "con đường Tơ lụa" đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người bốc mộ.
Theo họ, khám phá về 2 bộ xương ôm chặt nhau "phản ánh một sự thể hiện độc đáo về cảm xúc yêu thương của con người khi mai táng, mang đến một cái nhìn hiếm hoi về quan điểm của con người đối với tình yêu, cuộc sống, cái chết và thế giới bên kia ở miền bắc Trung Quốc trong thời kỳ giao lưu văn hóa và sắc tộc mãnh liệt".