Ngôi làng có hơn 50 giáo sư và phó giáo sư

 Đình làng Nguyệt Viên nơi lưu giữ danh sách và tôn vinh những người con trong làng đỗ đạt.
Đình làng Nguyệt Viên nơi lưu giữ danh sách và tôn vinh những người con trong làng đỗ đạt.
Làng Nguyệt Viên là một trong những làng có truyền thống hiếu học bậc nhất ở xứ Thanh. Xưa kia làng có 11 người đỗ khoa bảng được ghi danh ở Văn Miếu. Hiện nay, làng có 7 giáo sư, 47 phó giáo sư và tiến sỹ, hơn 100 sinh viên đang theo học tại các trường ĐH-CĐ…

Chúng tôi về thăm làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa vào những ngày cuối năm Giáp Ngọ, khi cây cầu Nguyệt Viên nối đôi bờ sông Mã mới được khánh thành. Niềm vui của người dân nơi đây khi có cây cầu mới bắc qua sông rút ngắn được quãng đường từ làng vào trung tâm thành phố Thanh Hóa. Bên cạnh đó, cây cầu lớn nhất Thanh Hóa này cũng được Bộ Giao thông Vận tải chọn tên của làng để đặt tên là cầu Nguyệt Viên.

Ngôi làng có hơn 50 giáo sư và phó giáo sư ảnh 1

Ông Cao Xuân Mạc - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa).

Làng Nguyệt Viên từ thời nhà Mạc có tên là Nguyệt Nổ. Vào năm 1637, trong một lần đi thuyền trên sông Mã qua đây, thấy khúc sông đẹp, phong cảnh hữu tình thơ mộng, người dân sống bên bờ sông có nhiều nét đẹp văn hóa nên vua Lê Thánh Tông đã đổi tên làng thành Nguyệt Viên.

Xưa kia, làng Nguyệt Viên nổi tiếng ở xứ Thanh, được nhiều người biết đến là “làng khoa bảng” hay “làng đại khoa”. Cả xã Hoằng Quang có 22 người đỗ khoa bảng thì làng Nguyệt Việt có 11 người, tất cả đều được ghi danh tại Văn Miếu ở Hà Nội và Huế. Người đỗ khoa bảng cuối cùng của làng Nguyệt Viên vào năm 1945 là ông Lê Viết Tạo, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

Ngôi làng có hơn 50 giáo sư và phó giáo sư ảnh 2

Các học sinh ở làng Nguyệt Viên luôn nâng cao tinh thần tự học, tiếp nối truyền thống cha ông để học thành tài.

Hiện nay, làng có 4 thôn, 650 hộ, hơn 3.000 khẩu và có 27 dòng họ lớn nhỏ khác nhau. Ông Cao Xuân Mạc - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Quang chia sẻ, làng Nguyệt Viên là một trong 3 làng lớn của xã Hoằng Quang, luôn đứng đầu về phong trào khuyến học của xã.

“Cả xã có 455 hội viên tham gia Hội Khuyến học thì làng Nguyệt Viên chiếm 50%. Hàng năm con em trong làng được Hội trao phần thưởng cũng chiếm số đông. Điển hình trong năm học 2013 - 2014, cả xã Hoằng Quang có 390 em đỗ ĐH, CĐ; 639 em đạt giải học sinh giỏi các cấp được trao thưởng thì làng Nguyệt Viên chiếm 50% số học sinh nói trên”, ông Mạc dẫn chứng.

“Mỗi cặp vợ chồng trong làng chỉ sinh từ 1 đến 2 con nên việc học hành của con cái được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu. Các gia đình dù kinh tế còn khó khăn nhưng luôn đầu tư hết mức để con cái có môi trường, thời gian học tập tốt nhất. Từ chỗ ăn, chỗ ngủ, góc học tập của con cái luôn được các bậc phụ huynh quan tâm, chăm lo”, ông Mạc cho biết thêm.

Trong số 27 dòng họ ở làng Nguyệt Viên, có dòng họ Lê Viết đã được công nhận là dòng họ hiếu học cấp tỉnh. Các dòng họ khác như: Lê Văn, Cao Văn, Ngô Thọ… trong làng đều đã được công nhận là dòng hóa hiếu học cấp thành phố. Các dòng họ này đều có quỹ khuyến học riêng, hàng năm hoạt động rất hiệu quả.

Ngôi làng có hơn 50 giáo sư và phó giáo sư ảnh 3

Làng Nguyệt Viên nằm bờ Bắc sông Mã nổi tiếng ở xứ Thanh là làng khoa bảng.

Để làm tốt phong trào khuyến học của địa phương trong những năm qua, hội khuyến học xã Hoằng Quang đã phải vượt qua mọi khó khăn. Trong đó, việc vận động người dân tham gia công tác hội là một trong những trở ngại lớn nhất. “Gia đình nào có con cái học hành tốt thì họ hăng hái tham gia, những gia đình có con học kém thì họ ngại tham gia vì sợ mỗi lần đi sinh hoạt, hội họp con mình bị đưa ra để phán ánh”, ông Mạc cho hay.

Về những người đỗ đạt cao trong làng Nguyệt Viên, ông Mạc thống kê: “Làng Nguyệt Viên hiện có 7 người là giáo Sư, 47 người là phó giáo sư và tiến sỹ, hàng trăm sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước. Đây là con số mà khó có làng nào ở Thanh Hóa hiện nay có được”.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG