Dạo này thấy hình ảnh Ngọc Hân tràn ngập Facebook và báo chí trong các bộ sưu tập áo dài mới. Có gì vui và đặc biệt khi Hân thực hiện các bộ sưu tập (BST) này?
Sau BST tranh Hàng Trống ra mắt trong Festival Áo dài Hà Nội 2016, Hân đang thực hiện BST áo dài con gà đón Tết, trong đó có vài mẫu do ba bé Bảo Ngọc-Nhật Minh-Bảo An diện xuất hiện trong chương trình đặc biệt Đón tết cùng VTV. Cùng lúc này có đạo diễn đặt hàng tám bộ áo dài con gà cho dàn diễn viên diện ra mắt phim Tết. Chủ đề này rất hợp cho Tết Đinh Dậu, tôi thấy khá thoải mái vì có tới hàng trăm sắc thái của họa tiết gà, chẳng hạn với trẻ con thì họa tiết vui nhộn hơn người lớn.
Thương hiệu áo dài Ngọc Hân mới mẻ, trong khi nhiều nhà thiết kế đóng đinh với áo dài nhiều năm nay. Ngọc Hân có lo ế?
Ôi, lúc này tôi đang vắt chân lên cổ, ngập đầu ấy chứ. Nhiều lúc muối mặt vì hàng tháng chưa thể hoàn thành đơn hàng cho khách (cười), nhu cầu may áo dài thời gian qua đã tăng đáng kể.
Vừa rồi Hân có BST áo dài đi Nhật Bản trong khuôn khổ giao lưu văn hóa. Phản hồi của các bạn Nhật có gì đặc biệt?
Bộ áo dài trong chuyến đi Nhật vừa rồi cho tôi nhiều cảm xúc, có bộ áo dài của tôi đấu giá được hơn một nghìn USD để làm từ thiện. Quan khách trầm trồ vì thấy họa tiết, văn hóa Nhật trên áo dài Việt. Bộ áo dài còn lên tạp chí trên máy bay, tôi nhận rất nhiều phản hồi của khách. Có chị người Việt làm việc tại Nhật, 11h rưỡi đêm đáp máy bay xuống Việt Nam lùng sục đến nhà tôi đặt áo dài để gặp gỡ đối tác là ông Trương Gia Bình và các quan khách ngoại giao. Đầu bếp Phan Anh trong chuyến giao lưu văn hóa ẩm thực ở Nhật đã chọn mấy mẫu áo dài trong BST để mặc khi nấu ăn và làm quà tặng. Tôi nghĩ đó cũng là cách để bạn bè quốc tế ấn tượng hơn với áo dài, là sự kết nối văn hóa.
Lo phát triển sự nghiệp đã khó, Hân có nghĩ ý tưởng gắn áo dài với quảng bá du lịch là điều quá to tát?
Nghề thời trang liên quan mật thiết tới quảng bá du lịch là đằng khác, nghề khác khó hơn. Tôi từng nghĩ đến việc làm BST về đất nước, không đơn giản chỉ bê nguyên cảnh đẹp đất nước lên tà áo, tôi muốn kể những câu chuyện khác biệt về văn hóa, con người mỗi vùng quê. Chẳng hạn, tôi vừa qua làng gốm truyền thống Phước Tích ở Huế, rất ấn tượng với các họa tiết tinh tế như họa tiết cung đình Huế, màu gốm đặc sắc. Tôi chụp ảnh rất nhiều và nắm bắt ý tưởng để đưa bản sắc, câu chuyện vào BST sau này. Sau nhiều trải nghiệm làm người mẫu trình diễn trong các chuyến giao lưu văn hóa lớn của quốc gia, tôi có khá nhiều kinh nghiệm và góp nhặt nhiều quan điểm xử lý khi mang bản sắc Việt ra thế giới.
Tại tọa đàm của các nhà làm áo dài ở Hoàng thành vừa qua, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội đưa ý tưởng biến áo dài thành sản phẩm du lịch, Hân nghĩ có khả thi?
Quá tiềm năng và khả thi ấy chứ. Tôi đang kết hợp với Hà Nội để có điểm giới thiệu, quảng bá áo dài, có thể sớm triển khai sau Tết. Du khách có thể tìm hiểu, chụp hình với áo dài vòng quanh phố cổ. Khách có nhu cầu có thể được đưa về các cửa hàng đo và đồ trả tận tay trong thời gian sớm nhất. Tôi cũng luôn mơ ước có một trung tâm áo dài kiểu Áo dài House thật lớn ở Hà Nội, vừa giới thiệu về trang phục dân tộc, vừa tạo điểm mua sắm thuận tiện cho khách.
Bên cạnh các cửa hàng, Ngọc Hân sở hữu xưởng in vải riêng. “May có xưởng in nên tôi rất chủ động trong thiết kế. Nhiều khách hỏi mẫu này mẫu kia còn không, tôi cười bảo, vài năm sau cũng chẳng lo, giờ không còn sợ hết vải như khi mua vải bên ngoài”, Hân nói.