Ngoài Afghanistan, Mỹ còn một cuộc chiến không hồi kết khác

0:00 / 0:00
0:00
Sau sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan, Đại sứ Mỹ ở Iraq khẳng định Washington sẽ ở lại Iraq trong chặng đường dài. (Ảnh: aa)
Sau sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan, Đại sứ Mỹ ở Iraq khẳng định Washington sẽ ở lại Iraq trong chặng đường dài. (Ảnh: aa)
TPO - Việc Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và cảnh tượng hỗn loạn khi Mỹ rút quân và sơ tán khỏi quốc gia này đang rung chuông cảnh báo ở một quốc gia láng giềng, nơi Washington đang có một “cuộc chiến không hồi kết” khác.

Những tương đồng và khác biệt giữa Baghdad và Kabul được các chính trị gia và chuyên gia Iraq nêu ra trong những ngày gần đây, trong đó nhiều người bày tỏ cảm giác sốc và hoang mang trước sự sụp đổ đột ngột của Mỹ ở Afghanistan.

“Không ai nghĩ việc rút quân sẽ diễn ra như thế này. Họ thậm chí để lại cả vũ khí cá nhân lại. Rút quân như vậy là kiểu gì?”, Bayar Mustafa, nhà nghiên cứu tại ĐH Kurdistan-Hewler ở Erbil (Iraq) nói với Asia Times.

Tổng thống Joe Biden là nhà lãnh đạo thứ ba liên tiếp của Mỹ ủng hộ kết thúc những cuộc chiến không hồi kết. Ngày 26/7 vừa qua, ông Biden tuyên bố sẽ rút khỏi Iraq vào cuối năm nay.

Trong khi đó, chính quyền ở Baghdad có nhiều điểm tương đồng với chính phủ vừa sụp đổ ở Kabul, vì Iraq vẫn trong tình trạng mong manh sau 18 năm liên quân do Mỹ đứng đầu tấn công rồi ở lại nước này.

Một trong những điểm tương đồng đó là một chính phủ trung ương không thể kiểm soát cả nước, trong khi tồn tại nhiều vấn đề như tham nhũng, bè phái và bất lực.

Baghdad và Erbil – thủ phủ ở miền bắc của người Kurd – đã nhận lượng viện trợ về tài chính và quân sự rất lớn của Mỹ và các đồng minh kể từ năm 2003.

Nhưng các lực lượng an ninh Iraq phần lớn do phương Tây đào tạo vẫn rất chia rẽ, và sự trung thành cũng như hiệu quả của họ vẫn còn là dấu hỏi, tương tự như các lực lượng an ninh quốc gia do Mỹ đào tạo ở Afghanistan.

“Hiện tại có một nhóm cố vấn quân sự Mỹ ở Iraq với khoảng 2.500 người. Con số đó tương tự ở Afghanistan trước khi Mỹ rút”, PGS Ibrahim Al-Marashi, công tác tại ĐH San Marcos ở California, cho biết.

Với những điểm tương đồng đó, “tâm lý dư luận Iraq hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi tác động của việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Họ đang băn khoăn rằng liệu còn có thể tin Mỹ sẽ ở lại, và điều gì sẽ xảy ra nếu họ đi?” PGS Al-Marashi nói.

Những tính toán phức tạp

Dù có những điểm tương đồng như vậy, tình hình giữa Afghanistan và Iraq vẫn có những khác biệt quan trọng.

Trước tiên, Mỹ đã cố thử rút khỏi Iraq, nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì sợ hậu quả tai hại.

Năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đó rút lực lượng Mỹ khỏi Iraq, rất lâu trước khi rút quân khỏi Afghanistan. “Điều đưa họ quay lại là IS. Khoảng 66.000 binh lính Iraq được Mỹ đào tạo và vũ trang đã bị chỉ khoảng 500 tay súng IS đánh bại”, ông Mustafa nói. Năm 2014, IS càn quét một dải đất rộng lớn suốt từ Iraq sang Syria.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng với lực lượng người Kurd và một nhóm dân quân người Shiite ở Iraq đã tổ chức chiến dịch phản công. Khi đó, IS gần như bị đánh bại nhưng vẫn hoạt động lẻ tẻ ở cả Iraq và Syria. “Cần rút ra một bài học lớn về những yếu kém của chính phủ Baghdad và tầm quan trọng của việc Mỹ hiện diện”, ông Mustafa nói.

Một khác biệt lớn nữa giữa Iraq và Afghanistan là ngoài IS vẫn còn một lực lượng nữa hưởng lợi nếu Mỹ rút đi.

“Đó là Iran. Nếu không còn Mỹ ở đó, Iran sẽ rảnh tay trên khắp Iraq và Syria rồi sang tận Li-băng”, ông Ala’Aldeen nói.

Các nhóm thân Iran từ lâu đã kêu gọi Mỹ chấm dứt hiện diện ở Iraq. Một số nhóm còn tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq trong những tháng gần đây, sử dụng cả máy bay không người lái và rốc-két. Trong khi đó, các lực lượng dân quân ở Iraq có quan hệ với Iran không phải tấn công để giành quyền kiểm soát đất nước, giống như Taliban, vì họ đã có mặt trong quốc hội, ông Al-Marashi cho biết.

Thực tế là các đảng thân Iran của người Shiite đang có ảnh hưởng lớn trong chính trị Iraq. Chính những nhóm này đã gây áp lực để đưa Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi đến Washington trong tháng 7 vừa rồi nhằm thuyết phục Tổng thống Biden thông báo sẽ chấm dứt các hoạt động chiến trường của Mỹ. “Nếu không còn ủng hộ của Mỹ, các nhóm đối lập trong nước sẽ mất đi sức mạnh quan trọng để đối đầu và ngăn chặn Iran thiết lập vai trò bá chủ”, ông Ala’Aldeen nói.

Sự ủng hộ quân sự của Mỹ đối với các lực lượng người Kurd ở Iraq cũng khiến một nước láng giềng khác khó chịu: Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cáo buộc một số lực lượng được Mỹ hậu thuẫn có quan hệ với phong trào ly khai người Kurd PKK, nên yêu cầu Washington dừng hỗ trợ họ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào căn cứ của KKK ở miền bắc Iraq. Ankara còn duy trì một loại “đài quan sát” quân sự trong lãnh thổ Iraq. “Nếu Mỹ rút, những lực lượng đó và Iraq sẽ yếu hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran”, ông Ala’Aldeen đánh giá.

Từ sau sự sụp đổ của chính phủ ở Kabul, giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng tình hình ở Iraq sẽ không như vậy.

Rút lui “rõ ràng không nằm trong tâm trí của Tổng thống Biden”, Đại sứ Mỹ ở Iraq Matthew Tueller nói với các phóng viên người Kurd tại Erbil ngày 11/8. Ông hứa rằng Mỹ ở lại Iraq “trên chặng đường dài”.

Những sự kiện ở Afghanistan rõ ràng đã dẫn đến một số suy nghĩ mới ở Iraq và cả khu vực. “Nhiều người đang cố gắng định vị lại, tính toán lại và đánh giá lại vai trò của Mỹ ở Iraq”, ông Mustafa nói. Phải chờ xem những tính toán lại đó sẽ dẫn đến thay đổi gì trong những tháng tới, và đó nhất định không chỉ là vấn đề chính trị nội bộ của Iraq.

Theo AT
MỚI - NÓNG