Mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm vỏ ốc sên cháy cùng nhiều công cụ khác gần dấu vết của những lò sưởi cổ trong một hang dọc theo một vách đá ở Tây Ban Nha.
Phát hiện này cho thấy những người ở kỳ đồ đá cũ trên bán đảo Iberia đã bắt đầu ăn ốc sên sớm hơn so với láng giềng của họ ở khu vực Địa Trung Hải tới 10.000 năm.
Javier Fernández-López de Pablo, một nhà khảo cổ học thuộc Viện Cổ sinh thái và Tiến hóa xã hội Catalan, Tây Ban Nha, những con ốc sên có thể không đóng vai trò lớn về mặt năng lượng trong chế độ ăn uống của người ở kỳ đồ đá cũ, nhưng có thể cung cấp cho họ vitamin và các chất dinh dưỡng quan trọng.
Người Neanderthals có thể đã coi những con sên biển như một nguồn thực phẩm, nhưng không có nhiều bằng chứng về việc con người ăn ốc sên đất liền cho tới khoảng 20.000 năm về trước.
“Mặc dù ốc sên rất hay có mặt tại các điểm khai quật thời kỳ đồ đá, nhưng việc giải thích sự có mặt này như một nguồn thực phẩm là rất phức tạp,” Fernández chia sẻ với tờ Live Science.
Trước hết, ốc sên sống trong đất, vì thế chúng hoàn toàn có thể hội tụ tự nhiên tại một địa điểm. Ngoài ra, các loài động vật ăn thịt khác ăn động vật thân mềm, như nhím hay chim, hoàn toàn có khả năng bỏ lại những chiếc vỏ sau khi đã ăn con ốc sống bên trong.
Fernández và các đồng nghiệp đang khai quật tại một địa điểm ở Benidorm, Tây Ban Nha khoảng 3 năm về trước thì bắt gặp dấu hiệu của những cư dân cổ đại. Địa điểm này mang tên Cova de la Barriada, có chứa nhiều lò sưởi cổ, công cụ đá, xương động vật, và hàng trăm vỏ ốc sên bên cạnh những dấu vết của việc nấu nướng thời cổ đại. Theo Fernández, những mảnh xương động vật khác được tìm thấy tại đây dường như đã bị bẻ một cách cố ý để lấy tủy xương ra.
Các vỏ ốc đều bị đốt cháy và đều thuộc cùng một loài – Iberus alonensis – loài ốc sên mà ngày nay được coi như một nguyên liệu hấp dẫn thường có trong các món ăn Tây Ban Nha, ví dụ như món cơm thập cẩm paella chẳng hạn. Các vỏ ốc cũng được tìm thấy cùng với than của gỗ cây thông và cây bách xù. Ngoài ra, kích thước của những con ốc là khá đồng đều, cho thấy rằng chúng đã được thu thập sau khi phát triển đầy đủ, ở thời điểm khoảng 1 năm tuổi.
Nhìn chung, phát hiện mới cho thấy rằng những cư dân cổ xưa ở khu vực này coi ốc sên như một phần của chế độ ăn uống thông thường. Ốc sên là nguồn vitamin A, B3, B6 và B12 phong phú, ngoài ra chúng còn cung cấp một lượng cholesterol cần thiết cho người cổ đại.
Bằng việc chỉ ăn những con sên trưởng thành, người cổ đại đã phát triển phương thức nuôi trồng “bền vững” kéo dài khoảng 4000 năm, được xác định dựa vào kích thước của các vỏ ốc được tìm thấy trong nhiều lớp địa chất khác nhau.