Ngộ độc rượu: Nhẹ thì loạn thần, nặng thì tử vong

Ảnh minh họa: Gia đình&Xã hội
Ảnh minh họa: Gia đình&Xã hội
Gặp phải chuyện buồn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh nhân Đ.Đ.T (35 tuổi) trú tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) uống rượu 4 ngày liên tục. Bệnh nhân được người nhà đưa đến viện nhưng đã quá muộn nên tử vong sau đó một ngày...

Tử vong vì uống rượu liên tục 4 ngày liền

BS Nguyễn Đàm Chính- Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Đ.Đ.T cho biết: “Bệnh nhân này bình thường ít uống rượu nhưng do có chuyện buồn nên 4 ngày liên tục trong dịp Tết đều uống và uống nhiều loại rượu khác nhau.

Do anh ta uống xong là đi nằm nên người nhà không biết tình trạng của bệnh nhân, khi lay gọi không thấy anh phản ứng nên mới đưa vào viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi trả lời không chính xác.

Khi khám thấy đồng tử giãn nên chúng tôi xác định ban đầu là do uống phải rượu độc (nếu uống rượu bình thường thì đồng tử co). Sau đó làm các xét nghiệm thấy máu thành toan chuyển hóa nặng- đó cũng là một yếu tố để xác định do uống phải rượu độc”.

Mặc dù bệnh nhân được cấp cứu, thở máy, lọc máu… nhưng do đến quá muộn nên không thể cứu chữa được. Theo BS Chính: “Các hoạt chất trong rượu được chuyển hóa trong vòng 24h, vì vậy khi uống phải rượu độc chứa hàm lượng methanol cao nếu được đưa đến sớm trong vòng 24h thì có thể lọc dễ dàng.

Còn khi chuyển hóa thành axit fomic thì chất độc sẽ làm giãn mạch máu não, xuất huyết não, suy thận và toan chuyển hóa dẫn đến mạch giãn, tụt huyết áp.

Sau khi xét nghiệm thì lượng methanol trong máu của bệnh nhân Đ.Đ.T không phải là quá cao nhưng do vào muộn nên methanol đã chuyển hóa thành axit formic...”.

Theo PGS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đến ngày mùng 10 Tết Âm lịch, vẫn có 4 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm Chống độc. Các bệnh nhân này có độ tuổi từ 26 cho đến 50, vốn có tiền sử hay uống rượu.

Chưa có loại thuốc giải rượu nào được công nhận

Thông tin từ Khoa Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai: Tết Giáp Ngọ năm nay, lượng bệnh nhân tăng gấp đôi những dịp Tết trước. Vì vậy, số bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện đông hơn ngày thường nên các bác sĩ hết sức vất vả.

Điều này rất khác với các bệnh viện khác khi nhiều bệnh nhân được cho về để về sum họp với gia đình nhưng Khoa Chống độc thì ngày Tết lại tiếp nhận bệnh nhân nhiều hơn.

PGS.TS Phạm Duệ cảnh báo, không chỉ trong mà sau Tết, khá nhiều thanh niên đã phải nhập viện vì uống rượu quá nhiều. Cuối năm thì liên hoan chia tay, đầu năm thì lai rai rượu chè khi gặp mặt. Hàng ngàn cái cớ “chính đáng” để có thể nâng chén.

Những bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Khoa Chống độc thường là đã ngộ độc nặng, biểu hiện như hôn mê, nôn mửa do uống quá nhiều hoặc rượu rởm.

“Tuy nhiên, trong dịp Tết vừa qua, do vụ Rượu nếp 29 gây ngộ độc nặng làm tử vong nhiều người đã được cảnh báo, các cấp chính quyền vào cuộc nên tình trạng ngộ độc do rượu rởm ít hơn. Bộ Y tế chỉ cho phép nồng độ methanol trong rượu không quá 0,5%.

Thường những ca ngộ độc rượu là do uống nhiều và uống nhiều loại rượu khác nhau. Nhưng để biết được rượu rởm hay không phải xét nghiệm mới có được kết quả chính xác”, PGS.TS Phạm Duệ cho biết.

Ngoài ngộ độc rượu thì trong dịp Tết này tình trạng ngộ độc do uống thuốc sâu, thuốc ngủ tự tử cũng tăng cao chiếm 50% so với các ngộ độc còn lại.

BS Chính khuyến cáo: Hiện nay chưa có loại thuốc giải rượu nào được công nhận. Tất cả các sản phẩm có tên là “giải rượu” trên thị trường đều chỉ là sản phẩm có chức năng hỗ trợ gan trong quá trình uống rượu. Phác đồ điều trị tại Trung tâm Chống độc không sử dụng các sản phẩm thực phẩm đó nên người sử dụng cần hết sức thận trọng.

 Một số mẹo giải rượu

Uống nhiều nước

Mất nước cơ thể do rượu là nguyên nhân chính của triệu chứng nôn nao. Nhằm ngăn chặn tình trạng mất nước, sau khi uống rượu nên uống nhiều nước.

Ví dụ, uống một cốc nước lớn sau khi tiệc tan, uống tiếp cốc nữa trước khi đi ngủ, điều này giúp ngủ ngon và sáng dậy không mệt mỏi.

Sáng sớm hôm sau khi dậy nên uống một ly nước đầy, nên uống nước ở nhiệt độ phòng, không nên uống nước lạnh hay nước đá.

Cung cấp chất điện giải, vitamin Cũng có thể cung cấp nước cho cơ thể và bổ sung chất điện giải (electrolyte) bằng cách uống nước tăng lực hoặc nước dừa. Nên cho vài lát gừng tươi vào nước sẽ giúp làm dịu cơn nôn nao khó chịu hoặc dùng nước cam ép để cung cấp năng lượng hữu ích. Nên dùng thêm trái cây tươi để bổ sung vitamin và nước.

Tránh chất cafein

Chất cafein có thể làm cho tình trạng mất nước thêm trầm trọng. Vì vậy, vào buổi sáng sau khi uống rượu không nên uống cà phê, trà hay các sản phẩm có chất cafein.

Ăn một bữa ăn sáng tốt “Tốt” có nghĩa là nó giúp phục hồi năng lượng, đẩy lùi di chứng say còn rơi rớt. Thực phẩm sẽ hỗ trợ sức khỏe dạ dày, nên ăn bánh mì nướng, bơ và trứng. Trứng là thực phẩm giàu protein và vitamin B, giúp cơ thể phục hồi nhanh sau say.

Giấc ngủ chất lượng

Muốn giảm say, hạn chế những tiêu cực sau say rượu thì đi ngủ là cách tốt nhất. Sau khi thức dậy, nên uống nhiều nước, ăn bữa sáng chất lượng sẽ thấy người khỏe ra.

Cẩn trọng với thuốc chữa đau đầu Rượu vào làm nhiều người đau đầu, bèn tìm đến thuốc giảm đau. Nếu thấy đau đầu dữ dội có thể uống thuốc giảm đau như Aspirin hoặc Ibuprofen, nhưng nên uống vào lúc buổi sáng thức dậy. Không được dùng thuốc có gốc Acetaminophen khi trong cơ thể đang có rượu, sự pha trộn này gây nguy hiểm cho cơ thể.

Kiêng kỵ sau khi uống rượu Hãy nên nhớ đã uống rượu bia thì không lái xe và ngược lại. Điều này không chỉ phạm luật mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Không nên dùng Tylenol, Paracetamol hoặc Acetaminophen với rượu vì nó gây tổn thương cho gan, nếu dùng thuốc giảm đau thì nên chọn aspirin.

Nên đọc kỹ nhãn trên các loại vitamin hoặc bất kỳ loại thuốc khác nếu dùng sau khi đã uống rượu.

Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.